Tin mới

Thủ tướng: Kiên quyết sàng lọc cán bộ yếu kém, không chờ hết nhiệm kỳ

Chủ nhật, 19/11/2017, 09:00 (GMT+7)

Tại phiên chất vấn của Quốc hội ngày 18/11, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo, giải trình về một số vấn đề mà nhiều vị đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước quan tâm, chất vấn.

Tại phiên chất vấn của Quốc hội ngày 18/11, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo, giải trình về một số vấn đề mà nhiều vị đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước quan tâm, chất vấn.

Theo tin tức từ VOV, Tiền Phong, TTXVN, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên chính phủ trước Quốc hội thực sự thu hút sự chú ý của cử tri cả nước. Lần đầu tiên, trong nhiều khóa Quốc hội, Thủ tướng dành trọn một buổi chiều để trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Việc Quốc hội tăng dần thời gian để Thủ tướng trả lời chất vấn qua từng kỳ họp đã cho thấy bước tiến trong hoạt động chất vấn và sự sẵn sàng ngày càng cao của người đứng đầu Chính phủ.

Liên quan vấn đề tinh giản biên chế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thực  hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị, từ năm 2015 đến nay đã tinh giản được trên 30 nghìn người. Tập trung chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác cán bộ, nhất là tuyển dụng, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý; đã xử lý nghiêm nhiều vi phạm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh VOV

Tuy nhiên, cải cách hành chính nhìn chung còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu; tổ chức bộ máy nhiều nơi vẫn cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả. Tinh thần hành động quyết liệt đã được thể hiện rõ trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, nhưng vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, "thờ ơ", đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên.

Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Vẫn còn hiện tượng nhũng nhiễu, cửa quyền, vô cảm, chưa ứng xử, thực thi công vụ theo quy định; còn tình trạng lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí gây bức xúc dư luận.

Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện hiệu quả các Nghị quyết Trung ương về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; về tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; về đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị quyết của Quốc hội về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đến năm 2021.

Đồng thời rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy, giảm đầu mối, tinh giản biên chế, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, hiệu lực hiệu quả trên tinh thần xây dựng hệ thống hành chính nhà nước kiến tạo, phục vụ nhân dân.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, bảo đảm tính thống nhất, dân chủ, công khai, minh bạch; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và của cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ; xây dựng văn hóa công sở và ý thức chấp hành các quy định về đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức; triệt để phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm.

Rà soát, hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ; kiên quyết sàng lọc, thay thế những người yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác. Ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực trong từng cơ quan, đơn vị; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ và công tác cán bộ; xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm. Nghiên cứu, xây dựng phương án cải cách tiền lương và bảo hiểm xã hội phù hợp, trình Trung ương và Quốc hội.

Bên cạnh đó, trả lời các câu hỏi của các đại biểu về xử lý đối với một số vụ án tham nhũng, Thủ tướng khẳng định rằng, Đảng và Nhà nước ta không cho phép "chìm xuồng" các vụ án tham nhũng, tiêu cực...

Dẫn nguồn tin từ TTXVN, Thủ tướng khẳng định: "Không có vùng cấm trong xử lý tham nhũng. Hệ thống hành pháp phối hợp với tư pháp cùng các cấp ngành xử lý nghiêm vi phạm, đúng pháp luật, kịp thời và công khai để nhân dân yên tâm".

Trả lời  câu hỏi của đại biểu Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) về giải pháp mang tính đột phá để chống lại nạn tham nhũng đang đe dọa đến tồn vong của chế độ, Thủ tướng cho biết, Đảng ta coi nhiệm vụ chống tham nhũng là việc rất quan trọng. Ưu tiên xây dựng thể chế với tinh thần là "không thể, không nên, không có tham nhũng".

Bên cạnh đó là giáo dục cán bộ, công chức, giám sát thực hiện, xử lý nghiêm vi phạm, trước hết cơ quan trung ương địa phương cần đi đầu làm gương vấn đề này.

"Chúng ta cũng cần tính toán, xem xét nâng lương cho cán bộ công chức, đây là điều cần thiết trong tình trạng tham nhũng vặt đang diễn ra", Thủ tướng cho biết.

Hà Trang (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news