Tin mới

Thủ tướng yêu cầu Hải quan Hải Phòng báo cáo việc nhận phong bì

Thứ ba, 19/09/2017, 14:56 (GMT+7)

Trước phản ánh của báo chí về việc nhận phong bao, phong bì của DN, Thủ tướng yêu cầu Hải quan Hải Phòng và Tổng cục Hải quan chấn chỉnh, quán triệt lực lượng hải quan, giáo dục, nhắc nhở anh em.

Tại buổi làm việc giữa tổ công tác của Chính phủ với UBND TP Hải Phòng và các cơ quan liên quan về việc kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu sáng nay 19/9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu nhiều bất hợp lý trong thủ tục thông quan hàng hóa.

Cụ thể, hiện nay doanh nghiệp (DN) phải gánh một khoản chi phí rất lớn, ngày công vô cùng nhiều nhưng tỉ lệ kiểm tra chuyên ngành để thông quan phát hiện rất thấp, chỉ 0,06%.

Ông dẫn chứng hiện tỉ lệ Hải quan kiểm tra các lô hàng xuất nhập khẩu chỉ chiếm 6% nhưng kiểm tra chuyên ngành lại rất lớn. Ví dụ kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm khoảng 60-70%, kiểm tra 407 lô hàng nhưng phát hiện có 2 lô; kiểm tra động vật 43.000 lô hàng, phát hiện có 2, 3 lô.

Trong khi, nghị quyết 19 yêu cầu cải cách toàn diện các quy định điều kiện kinh doanh về quản lý chuyên ngành đối với hàng xuất nhập khẩu.

“Thủ tướng nêu, trước hết yêu cầu Hải quan Hải Phòng và Tổng cục Hải quan chấn chỉnh, quán triệt lực lượng hải quan, giáo dục, nhắc nhở anh em, tránh việc như báo chí nêu Hải quan nhận phong bao phong bì của DN. Mong các đồng chí báo cáo có hay không có, ở mức độ nào để rút kinh nghiệm, chấn chỉnh chung”, Chủ nhiệm VPCP nói.

Về công tác kiểm tra chuyên ngành tại Hải quan Hải Phòng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý 5 vấn đề.

- Thứ nhất là thời gian thực hiện thông quan hàng hóa rất dài. 78% kiểm tra chuyên ngành, Hải Quan chỉ kiểm 22% và quy định không quá 50 giờ với hàng xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên muốn thông quan phải kiểm tra chuyên ngành, dù Hải quan đã kiểm tra soi container, phân loại rồi nhưng vì vướng thủ tục chuyên ngành, ngay cả thủ tục xác nhận sự phối hợp rất có vấn đề, DN rất vất vả.

"Kiểm tra chuyên ngành nhưng làm thủ tục là chính, còn kiểm tra xét nghiệm sản phẩm không kiểm tra hoặc rất ít. Hai là kiểm tra bằng nhãn quan, thủ công, mắt nhìn. Hôm nào khỏe thì nhìn tinh, hôm nào yếu thì nhìn kém, hôm nào khó tính cái là khác ngay, trong khi phải đóng 1.050.000 đồng/hồ sơ”, Người phát ngôn Chính phủ chỉ rõ.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng dẫn lại báo cáo Bộ Tài chính trong 6 tháng đầu năm Cục Hải quan Hải Phòng làm thủ tục cho 408.120 tờ khai xuất nhập khẩu, trong đó có 887 tờ khai phải kiểm tra chuyên ngành chiếm 15,65%. Đồng thời có 272.241 tờ khai xuất khẩu, trong đó có 317 tờ khai chuyên ngành.

“Như vậy tỉ lệ chung 9,44% tờ khai chuyên ngành trong tổng số tờ khai xuất nhập khẩu, còn lại không thuộc tờ khai kiểm tra chuyên ngành thực hiện thủ tục theo đúng quy định. Vậy tại sao số lô hàng không kiểm tra chuyên ngành nhiều mà thời gian kéo dài như thế?”, Tổ trưởng công tác hỏi.
 
- Nội dung thứ 2 Bộ trưởng Dũng đặt ra liên quan đến phân luồng: xanh là đi, vàng kiểm tra giấy tờ, đỏ kiểm tra cả giấy tờ và hàng hóa nhưng thực tế hiện nay là đỏ, vàng tất, xanh rất ít, đến nỗi không có phân luồng, kiểm tra mò mẫm không có quy chuẩn.

Trong khi hàng xuất nhập khẩu là hàng đóng gói, nên xem thế nào có giải pháp tăng tỉ lệ luồng xanh nhiều hơn.

iPhone 7 vẫn kiểm tra trong khi phòng xét nghiệm, kỹ thuật không có. Hàng của 1 nước G7 sản xuất, chúng ta chưa làm được mà đi kiểm tra”, Người phát ngôn Chính phủ nêu nghịch lý.

- Thứ 3 là vấn đề sau thông quan, DN còn khiếu nại còn nhiều đề nghị Hải quan cần quan tâm.

- Thứ 4 liên quan bất cập quy trình khi thông quan, hàng hóa luồng đỏ chuyển ngay về lại Hải quan ban đầu là không hợp lý nên tạo điều kiện cho về chi cục Hải quan gần nhất để kiểm tra. Có những mặt hàng không phải kiểm tra nhưng Hải quan vẫn bắt kiểm tra.

- Thứ 5 giảm chi phí chính thức và không chính thức. “Như việc thu một hồ sơ kiểm tra chuyên ngành 1.050.000 đồng tôi cho là phải xem xét lại. Đấy là tiền hồ sơ, còn mang mẫu xét nghiệm là khác”, Bộ trưởng Dũng dẫn chứng.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news