Tin mới

Thực hư việc đào được mộ cổ của danh nhân ở Hải Phòng

Thứ ba, 17/06/2014, 15:23 (GMT+7)

Những ngày gần đây, dư luận TP Hải Phòng đặc biệt quan tâm đến việc người dân, giới khoa học và những nhà chuyên môn vừa phát hiện được những ngôi mộ được cho là mộ cổ được cho là của các danh nhân ở huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng.

Những ngày gần đây, dư luận TP Hải Phòng đặc biệt quan tâm đến việc người dân, giới khoa học và những nhà chuyên môn vừa phát hiện được những ngôi mộ được cho là mộ cổ được cho là của các danh nhân ở huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng.

Mộ cổ được phát hiện trong vườn nhà

Vào tháng 4-2014, gia đình ông Trần Văn Bắc và vợ là bà Bùi Thị Hiền, ở thôn 6, làng Hạ Đồng, xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng phát hiện trong khu đất nhà mình có 4 ngôi mộ. Khoảng 1g5, ngày 7-4, gia đình ông Bắc cùng các ông Bùi Văn Hách, Nguyễn Văn Thắng và một số người dân đã tham gia khai quật mộ. Đến 16g cùng ngày, thì phát hiện ba quách gỗ (tiểu gỗ) sơn màu đỏ, các mặt của quách có chữ Nho, trong quách có xương, cốt. Tuy nhiên, khi đưa từ mộ lên, phần xương cốt này gặp phải không khí nên bị vỡ vụn. Người dân đã bốc phần hài cốt này sang quách sành (tiểu sành) rồi đưa ra nghĩa trang làng An Quý, xã Cộng Hiền để an táng. Ngôi mộ còn lại có nấm, gia đình ông Bắc chưa khai quật và thường xuyên hương khói.

Tại vị trí cách khu đất nhà ông Bắc không xa, trên đất của gia đình ông Trần Văn Giòn, cũng khai quật được một ngôi mộ trong tình trạng tương tự. Qua nguồn tin nhân dân cung cấp, UBND xã Cộng Hiền đã cử cán bộ Mặt trận Tổ quốc và cán bộ văn hóa xã xuống hiện trường để nắm bắt tình hình. Về các quách gỗ có chữ Nho, gia đình ông Bắc đã mời người đến để dịch nội dung, nhưng do chữ quá mờ nên không dịch được. Đến ngày 7 – 5, gia đình ông Bắc đã gửi quách lên Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người (Viện NC&ƯDTNCN) để cơ quan này tổ chức nghiên cứu.

Ngày 11 – 5, sau khi nhận được quách gỗ có chữ Nho do gia đình ông Bắc gửi lên, Viện NC&ƯDTNCN đã mời một số nhà khoa học đến khảo sát quách gỗ kể trên. Theo nhận định ban đầu, căn cứ vào chữ Nho trên quách gỗ, các nhà khoa học đã kết luận rằng đây là mộ cổ.

Thực hư việc đào được mộ cổ của danh nhân ở Hải Phòng
Nghĩa trang làng An Quý, nơi các hài cốt trong mộ cổ được đưa về an táng. Ảnh: Minh Sơn

Mộ cổ là mộ của danh nhân?

Ngày 15 – 5, Viện NC&ƯDTNCN đã cử một đoàn cán bộ về xã Cộng Hiền, khảo sát thực địa tại nhà ông Bắc, gồm có: Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải – Phó Viện trưởng; PGS – TS Nguyễn Thị Ngọc Quyên – Phó Viện trưởng thường trực; PGS – TS Nguyễn Lân Cường – Tổng thư ký Hội Khảo cổ Việt Nam; TS Phạm Việt Anh – Phó chủ nhiệm bộ môn Phong thủy và một số cán bộ khoa học khác. 

Qua khảo sát thực tế, đoàn cán bộ của Viện NC&ƯDTNCN đã đưa ra đánh giá sơ bộ: Đây có thể là những ngôi mộ cổ, di cốt nằm bên trong mộ có thể là những bậc danh nhân. Viện sẽ mời các nhà Hán Nôm, nghiên cứu các chữ còn lại trên mặt quách gỗ và gửi mẫu vật đi kiểm tra niên đại, đồng thời, mời các nhà sử học cùng nghiên cứu. Sau đó, Viện NC&ƯDTNCN đã có văn bản báo cáo sự việc với lãnh đạo UBND xã Cộng Hiền phối hợp nghiên cứu và đề nghị UBND xã có biện pháp để bảo vệ những ngôi mộ đã được di chuyển, an táng tại nghĩa trang làng An Quý.

Trong các ngày 15 và 16 – 5, UBND xã Cộng Hiền đã báo cáo sự việc này và làm việc với các UBND và các ban ngành chức năng của huyện Vĩnh Bảo. 

Khi mộ được khai quật, người dân cảm thấy bất ngờ bởi  khi cải táng, hài cốt của người đã khuất thường được đưa vào quách sành. Nhưng, trong trường hợp này, hài cốt lại được đưa vào quách gỗ sơn đỏ, các mặt có chữ Nho. Nhiều người dân xã Cộng Hiền tỏ vẻ phấn khởi nhưng cũng không ít người hoài nghi khi cho rằng đó là mộ của những danh nhân.

Nếu thông tin chính xác, đó sẽ là điều đáng mừng cho địa phương, cần phải bảo tồn. Nếu chưa thực sự đầy đủ sẽ tạo dư luận không tốt. Chính vì vậy, giới chuyên môn cần xem xét, nghiên cứu vấn đề một cách cụ thể, chi tiết để có góc nhìn đúng với tính chất của sự việc.

Thực hư việc đào được mộ cổ của danh nhân ở Hải Phòng
Khu đất nhà ông Giòn, nơi phát hiện mộ cổ. Ảnh: Minh Sơn

Kỳ bí những ngôi mộ lâu năm vô chủ

Người dân trong làng Hạ Đồng vẫn truyền nhau câu chuyện, trước đây, từ thuở mới khai thôn lập ấp, thôn Hạ Đồng là một khu vực nghĩa trang rộng lớn, không biết có từ khi nào. Dân cư quần tụ rồi lập thành ấp Trại Đồng, sau này mới đổi tên thành làng Hạ Đồng. Mồ mả nằm rải rác hầu hết các thôn trong làng, trong đó, thôn 6 làng Hạ Đồng được coi là nơi có nhiều ngôi mộ vô chủ, nằm xen kẽ trong các khu vườn của các hộ dân. Việc thường xuyên phát hiện hoặc vô tình đào phải mộ là chuyện thường ngày nơi đây. Địa phương đã ghi nhận nhiều trường hợp khi người dân đào ao, đào móng nhà gặp phải tiểu, quách bằng sành sứ, bên trong chứa hài hốt của người quá cố. Người ta làm các thủ tục mang tính tâm linh rồi đưa những tiểu, quách ra khu nghĩa trang của làng để an táng.

Việc phát hiện được những ngôi mộ này kèm theo nhiều tin đồn phát tán từ trong làng đến ngoài xã. Có người kể, ban đêm, thỉnh thoảng nhìn ra khu vườn nhà mình lại thấy một khoảng đất phát sáng, lóe lên rồi vụt tắt trong chớp mắt. Cũng có người nói, trong giấc chiêm bao được người âm báo mộng rằng mình đang được an táng trên đất của gia chủ, muốn gia chủ thỉnh thoảng nhang khói cho bớt cô quạnh… Họ thấy điềm lạ, đào khu đất theo như chỉ dẫn thì lộ ra những tiểu, quách. Có người chuyển những ngôi mộ này ra nghĩa trang, số khác thì lấp đất, mua vật liệu xây dựng về để xây cất mộ một cách khang trang, song song với việc thờ tự.

Trao đổi với PV, ông Trần Văn Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Cộng Hiền cho biết: “Ghi nhận của chính quyền cho thấy, những năm gần đây, trong quá trình canh tác, người dân đã đào được hơn 40 ngôi mộ vô chủ, trong số đó, có 1 – 2 ngôi mộ nghi ngờ là mộ của người Tàu. Nhiều người đồn đại là nhiều mộ bên trong có cổ vật quý giá, nên đã đổ xô đi tìm, tăng cường việc đào bới, thay đổi hiện trạng đất đai trong làng nhiều lần, khiến tình hình an ninh trật tự của địa phương trở nên phức tạp”.

Vẫn theo ông Giang, làng Hạ Đồng không phải là một ngôi làng cổ. Trong các thư tịch, bút tích mà làng còn lưu giữ thì trong làng không có ai là danh nhân cả. Ông Giang cũng đưa ra nhận định, nhiều khả năng nếu đây là những ngôi mộ cổ, phán đoán của giới chuyên môn là những danh nhân thì chắc chắn là người của địa phương khác được an táng trong khu vực của làng. 

Hiện các nhà khoa học và giới chuyên môn đang tiếp tục nghiên cứu để có thể đưa ra kết luận chính xác về những ngôi mộ ở làng Hạ Đồng.

Minh Sơn

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: mộ danh nhân