Tin mới

Tiêm kích F-22 của Mỹ "mắc cạn" vì 20.000 con ong

Thứ bảy, 13/08/2016, 09:33 (GMT+7)

F-22 Raptor của Không quân Mỹ có thể là chiếc máy bay tiên tiến nhất thế giới, có khả năng tàng hình và siêu thanh nhưng vẫn thất bại trước một bầy ong khổng lồ.

F-22 Raptor của Không quân Mỹ có thể là chiếc máy bay tiên tiến nhất thế giới, có khả năng tàng hình và siêu thanh nhưng vẫn thất bại trước một bầy ong khổng lồ.

Tổ ong khổng lồ khoảng 20.000 con khiến chiếc F-22 bị "mắc cạn". Ảnh: Không quân Mỹ

CNN đưa tin một chiếc F-22 thuộc không đoàn 192 đã tạm thời không thể cất cánh vào ngày 11/6 sau khi phi hành đoàn tại căn cứ hỗn hợp Langley-Eustis, bang Virginia phát hiện ra gần 20.000 con ong bu vào vòi xả của chiếc máy bay.

"Tôi cùng những người khác đã rất sốc bởi nó trông như một đám mây với hàng nghìn con ong", trung sĩ Jeffrey Baskin, trưởng nhóm bảo trì không đoàn 192 nói với phóng viên.

Thay vì cố làm sạch những con ong khỏi chiếc máy bay, các thành viên phi hành đoàn nhận ra đây là những con ong mật có nguy cơ bị tuyệt chủng. Họ đã liên lạc với người nuôi ong địa phương. Sĩ quan hải quân Andy Westrich tuyên bố đây là tổ ong lớn nhất mà ông nhìn thấy.

Ông Westrich đã sử dụng những ống chân không để chuyển hàng nghìn con ong vào những cái xô lớn và đưa chúng tới nơi khác an toàn.

Trước khi đưa những con ong tới "nhà mới" tại một cơ sở sản xuất bia địa phương, ông Westrich đã đưa chúng về nhà và cân thử. Đàn ong nặng tới 3,6 kg, ước tính khoảng 20.000 con ong.

Ảnh: Không quân Mỹ

Nhưng làm thế nào mà chừng ấy con ong lại bám vào ống xả của một chiến đấu cơ?

Chúng có thể đã đến từ một tổ ong lớn hơn ở đâu đó trong căn cứ, theo trung sĩ Gregg Allen, trưởng nhóm bộ phận đảm bảo chất lượng nhóm bảo dưỡng 192. Anh này cũng từng nuôi ong.

"Những tổ ong không ngừng lớn dần và cuối cùng chúng bị quá tải. Vào mùa xuân, những con ong sẽ tạo ra một ong chúa mới và mang một nửa số ong tới địa điểm mới".

Theo ông Westrich, ong chúa có thể đã đáp xuống chiếc F-22 để nghỉ ngơi và khi mà những con ong mật không rời khỏi ong chúa, chúng đã tụ tập quanh chiếc máy bay, cuối cùng là làm tổ ở đó.

Chiếc F-22 đã có thể tiếp tục hoạt động khi những con ong bị loại bỏ an toàn.

Là chiến đấu cơ đa nhiệm thế hệ 5, F-22 Raptor bắt đầu tham gia nhiệm vụ chống IS vào tháng 9/2014 sau nhiều năm chi phí tăng vọt và có vấn đề về cơ khí. Không quân Mỹ đã đặt hàng 188 chiếc từ nhà thầu quốc phòng Lockheed và không có ý định sản xuất thêm.

Bảo Linh (CNN)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: F-22 ong mật