Tin mới

Tiếp tục phát hiện một bệnh nhân nhiễm vi khuẩn 'ăn thịt người'

Chủ nhật, 15/09/2019, 21:13 (GMT+7)

Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho hay vừa tiếp nhận và điều trị cho nam bệnh nhân bị mắc bệnh Whitmore.

Theo tin tức từ báo Giao Thông, ngày 15/9, Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên cho biết vừa tiếp nhận nam bệnh nhân M.V.D. (45 tuổi, ở Võ Nhai, Thái Nguyên) bị nhiễm vi khuẩn Whitmore hay còn gọi là “khuẩn ăn thịt người”.

Được biết, bệnh nhân bị bừa đâm vào mặt ngoài gối phải, đã vệ sinh và khâu vết thương. Sau đó, vết thương sưng nề, chảy dịch, vào viện chẩn đoán vết thương nhiễm trùng gối phải, được dùng 10 ngày kháng sinh Ceftizoxim + Tobramycin. Vết thương khô nên bệnh nhân đã ra viện.

Tuy nhiên, sau 10 ngày, bệnh nhân này lại phải nhập viện lại vì vết thương vẫn sưng nề, chảy dịch mủ, hình thành ổ apxe. Sau khi phẫu thuật nạo tổ chức viêm lấy xương chết, nuôi cấy mủ tổ chức viêm, các bác sĩ tìm thấy vi khuẩn B. Pseudomallei và điều trị kháng sinh theo phác đồ điều trị bệnh Whitmore.

Thêm một nam bệnh nhân tại Thái Nguyên nhiễm “khuẩn ăn thịt người” do trong lúc đi cày bị bừa đâm vào gối. Ảnh báo Giao THông

Trước đó, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết bệnh viện này đã phát hiện và điều trị cho 3 trẻ em bị bệnh Whitmore - nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người".

Tại Hà Tĩnh mới đây cũng phát hiện trường hợp bệnh nhân Đặng Xuân Hà (61 tuổi) ở thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên bị mắc bệnh Whitmore.

Trao đổi với PV Tri thức trực tuyến, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết Whitmore truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên.  Vi khuẩn này có trong đất, bùn và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này. Bệnh được phát hiện ở Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ trước và lưu hành lẻ tẻ tại một số tỉnh phía Nam và bệnh này được xếp vào bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bị “lãng quên”.

Gần đây, các ca bệnh được báo cáo có xu hướng gia tăng, cao điểm của các ca bệnh thường xảy ra vào mùa mưa tập trung từ tháng 7-11. Do đó, những người làm việc tiếp xúc nhiều môi trường đất và nước phải có phương tiện bảo hộ lao động, nếu có trầy xước ngoài da cần điều trị sớm và triệt để.

Đáng lưu ý, bệnh Whitmore không có triệu chứng lâm sàng rõ ràng và dễ nhầm với nhiều bệnh khác. Bệnh có thể biểu hiện khu trú bằng các ổ nhiễm khuẩn trên da, viêm mủ tuyến nước bọt mang tai, viêm phổi, apxe ở lách và thận… Vi khuẩn có thể vào máu gây nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não.

Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân không được chủ quan với bệnh Whitmore ở tất cả các bệnh nhân có tổn thương đa ổ áp xe, nhiễm bẩn đặc biệt ở các khu đầm lầy, đồng ruộng, trên đối tượng nguy cơ như người làm nông nghiệp, trồng rừng, người bệnh đái tháo đường…

Tuy nhiên, các sĩ Nguyễn Thị Huyền Ngân, Khoa Tai Mũi họng Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An nói với PV NGười Lao Động, dù được khẳng định chẩn đoán bệnh Whitmore, việc điều trị cũng hết sức khó khăn. Bệnh nhân thường phải dùng kháng sinh tấn công liều cao tĩnh mạch kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng 2-4 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 đến 6 tháng. Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe suy kiệt dần và vẫn có thể tử vong dù đã được chẩn đoán đúng.

Việc theo dõi điều trị bệnh kéo dài, tốn kém nên không ít bệnh nhân đã bỏ cuộc. Đây cũng là một trong là những nguyên nhân dẫn đến thất bại trong điều trị và tỉ lệ tử vong do Whitmore cao.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news