Tin mới

Tiết lộ bất ngờ của tác giả "Thế giới phẳng" tại Hà Nội

Thứ hai, 12/05/2014, 14:57 (GMT+7)

Là một nhà báo nổi tiếng thế giới với những bài phân tích, bình luận về toàn cầu hoá nhưng Thomas Friedman “nói không” với Facebook, Twitter.

Là một nhà báo nổi tiếng thế giới với những bài phân tích, bình luận về toàn cầu hoá nhưng Thomas Friedman “nói không” với Facebook, Twitter.

Trước khi bắt đầu buổi trò chuyện tại Tập đoàn viễn thông Quân đội (Viettel) vào tối 7/5 ở Hà Nội, Thomas Friedman – tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng thế giới trong đó có “Thế giới phẳng” lấy di động chụp backdrop. Khi lên sân khấu, nhà báo danh tiếng của The New York Times tiếp tục chụp ảnh khán giả phía dưới, rồi cười và cho biết, ông muốn gửi những bức hình đó cho vợ mình.

Tiết lộ bất ngờ của tác giả
Thomas Friedman cho rằng, các công ty phải "tự phá hủy mình" trước khi người khác làm điều đó. Ảnh: Hưng Hải.

Trả lời câu hỏi về thách thức của những công ty hàng đầu trong thời đại toàn cầu hoá, ông đề cập đến Facebook như một ví dụ đến từ làn sóng Công nghệ mới. Ông cũng nói về bước ngoặt của Internet với sự ra đời của mạng xã hội lớn nhất thế giới. Nhà báo từng 3 lần đoạt giải Pulitzer cho rằng: “Muốn tồn tại và phát triển trong thế kỷ 21, các công ty cần phải ‘tự tàn phá’chính mình để tìm ra hướng đi mới trước khi những người khác làm điều này”.

Thế nhưng, đến giữa buổi nói chuyện, người nổi tiếng với các câu chuyện thú vị và sâu sắc về toàn cầu hoá bất ngờ chia sẻ, ông chưa từng dùng Facebook hay Twitter. Ông nói: “Tôi không cần những bạn ảo trên Internet, và cũng không mong muốn có hàng triệu người theo dõi trên tài khoản Facebook hay Twitter. Thay vào đó, tôi muốn giữ cuộc sống của mình càng đơn giản càng tốt”. Thomas Friedman cũng cho biết, có thời gian dài ông không tự kiểm tra và xử lý email để dành thêm thời gian suy nghĩ.

Là diễn giả trong buổi nói chuyện nhưng nhà báo của The New York Times đột ngột dừng hỏi đáp để đề nghị khán giả tư vấn cho ông về chủ đề sẽ viết về Việt Nam trên tờ báo mình đang làm việc. Một số lời tư vấn được đưa ra nhưng tác giả của Chiếc Lexus và cây ô liu nói lời cảm ơn nhưng có vẻ không hứng thú lắm với các chủ đề gợi ý dù nói đùa rằng ông sẽ không rời đi nếu chưa nhận được thông tin hữu ích cho bài viết sắp tới.

Cho đến cuối buổi họp, sau khi nói lời cảm ơn tác giả Thế giới phẳng, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Tổng giám đốc Viettel bất ngờ chia sẻ về một chủ đề về Việt Nam mà Thomas Friedman có thể viết. “Tại sao ông không có một bài viết về sự khác nhau giữa Việt Nam và Mỹ? Mỗi người sẽ giỏi hơn người khác nếu làm theo cách khác người khác". Đây cũng là những gì ông Hùng đã nói với các đồng nghiệp của mình.

Ông nói thêm: “Chúng tôi khởi nghiệp muộn hơn các công ty Mỹ nên buộc phải làm khác đi mới mong cạnh tranh được. Tại sao ông không viết về việc công ty Việt Nam không cần hội đồng quản trị mà vẫn có thể cạnh tranh? Người Mỹ có thể đứng số 1 thế giới về nhiều lĩnh vực, nhưng Việt Nam cũng có thể là số 1 theo một cách nào đó. Đó cũng là một chủ đề ông có thể cân nhắc”.

Theo Trí Thức Trẻ

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news