Tin mới

“Tín ngưỡng thờ Mẫu” được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới

Thứ sáu, 02/12/2016, 07:55 (GMT+7)

Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đại sứ Phạm Sanh Châu và phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị. Ảnh: Cục Di sản Văn hóa 

Trên VOV, TTXVN, dẫn thông tin từ Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), xác nhận, tại Hội nghị lần thứ 11 của Ủy ban Liên Chính phủ Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) về Bảo vệ Di sản Văn hóa Phi Vật thể đã họp tại Adis Abebas, Ethiopia từ ngày 28/11 – 03/12/2016.

Người Việt theo tín ngưỡng thờ Mẫu thờ cúng các nữ thần cùng với các vị thánh là những nhân vật trong lịch sử hoặc huyền thoại, có công với dân, đất nước và có quyền năng trong các điện thờ. Ảnh: VNP

Vào hồi 17h15 (giờ địa phương), tức 21h15 (giờ Việt Nam) ngày 1/12 với sự thống nhất của toàn thể Hội nghị, Ủy ban đã chính thức ra nghị quyết công nhận “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đại diện Cục Di sản Văn hóa cho biết, "Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ" của người Việt là sự hỗn dung tôn giáo bản địa của người Việt và một số yếu tố của tôn giáo du nhập như Đạo giáo, Phật giáo.

Trên nền tảng của tín ngưỡng thờ nữ thần, "Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ" (một hình thức thờ cúng người mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi) hình thành và phát triển mạnh mẽ. Từ thế kỷ 16, việc thực hành tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân.

"Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ" của người Việt phân bố ở nhiều địa phương trong cả nước như: Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh; trong đó, Nam Định được coi là trung tâm với gần 400 điểm thờ cúng Thánh Mẫu.

“Thông qua việc kết hợp một cách nghệ thuật các yếu tố văn hóa dân gian (trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian trong lên đồng và lễ hội), Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ như một ‘bảo tàng sống’ lưu giữ lịch sử, và bản sắc văn hóa của người Việt. Qua đó, người Việt thể hiện quan niệm của mình về lịch sử, văn hóa, vai trò của giới và bản sắc tộc người. Sức mạnh và ý nghĩa của Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ chính là đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống thường nhật của con người: cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe”, đại diện Cục Di sản Văn hóa cho biết.

"Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại do bản thân Tín ngưỡng thờ Mẫu có giá trị đặc sắc bởi di sản gắn liền với đời sống tinh thần và các phong tục tập quán văn hóa của người dân, được cộng đồng trân trọng và liên tục lưu truyền từ ngàn đời nay. 

Việc Tín ngưỡng thờ Mẫu được UNESCO vinh danh là tin vui to lớn đối với tỉnh Nam Định (nơi được vinh dự thay mặt cả nước chủ trì xây dựng hồ sơ trình UNESCO) nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.

Thực hành cơ bản của Tín ngưỡng thờ Mẫu bao gồm các lễ cúng, lên đồng, hát văn, và lễ hội, tiêu biểu là Lễ hội Phủ Dầy ở tỉnh Nam Định diễn ra vào ngày 3 tháng 3 âm lịch (ngày mất của Thánh Mẫu Liễu Hạnh). Các thực hành thể hiện những yếu tố văn hóa truyền thống như trang phục, âm nhạc, múa, diễn xướng dân gian mang đậm bản sắc văn hóa Việt, được sáng tạo, phát triển, lưu truyền qua các thế hệ hàng trăm năm. 

 

Đức Hòa (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news