Tin mới

Tin tức kinh doanh 24h: Bộ Tài chính không đồng ý giảm VAT, phí trước bạ ôtô

Thứ ba, 05/05/2020, 17:10 (GMT+7)

Tin tức kinh doanh 24h: Bộ Tài chính không chấp thuận giảm 50% thuế Thu nhập doanh nghiệp; Lào Cai chi 4.200 tỷ đồng xây cảng hàng không Sapa....

Bộ Tài chính không chấp thuận giảm 50% thuế Thu nhập doanh nghiệp

Trong khi hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid 19 gửi Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đã lấy ý kiến các bộ về vấn đề này, song nhiều vấn đề chưa có được sự đồng thuận của Bộ Tài chính.

Cụ thể các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp hiện đang đề xuất miễn giảm các loại thuế gồm: Thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, nông dân; thuế suất thuế GTGT (VAT) mặt hàng nhiên liệu bay, thịt heo tươi...

Bộ Tài chính không đồng ý giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã trong năm 2020 vì cho rằng nội dung này có trùng lắp với một số Chính sách dự kiến áp dụng.

Bộ KHĐT kiến nghị giữ lại đề xuất miễn giảm này, để có cơ sở cho Chính phủ quyết nghị phương hướng thực hiện cụ thể, sau đó giao lại cho Bộ Tài chính tiếp tục rà soát.

Bộ Tài chính cũng không chấp thuận đề xuất giảm 50% thuế VAT (hiện nay là 10%) cho các hàng hóa, dịch vụ gặp khó khăn, nguyên vật liệu để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất của các doanh nghiệp vì cho rằng đây là thuế gián thu, người tiêu dùng trả thuế.

Còn về việc giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước hết năm 2020 và áp dụng các chính sách ưu đãi khác, Bộ Tài chính cũng không thông qua vì nếu thông qua sẽ vi phạm cam kết quốc tế về không phân biệt đối xử giữa hàng hóa sản xuất trong nước với hàng hóa nhập khẩu.

Giá USD ngân hàng quay đầu giảm mạnh

Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm áp dụng cho ngày 05/5 ở mức 23.262 đồng/USD, tăng 15 đồng so với phiên liền trước. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.960 đồng và tỷ giá sàn là 22.564 đồng/USD.

Tỷ giá niêm yết tại sở giao dịch NHNN vẫn duy trì ổn định như những phiên trước, với giá bán ra ở mức 23.650 đồng và mua vào tại 23.175 đồng/USD.

Trong khi tỷ giá trung tâm tăng thì giá USD ngân hàng lại quay đầu giảm mạnh.

Cụ thể, Vietcombank đang niêm yết USD ở mức 23.330 - 23.510 đồng/USD (mua - bán chuyển khoản). Nếu mua tiền mặt, Vietcombank trả giá USD ở mức 23.300 đồng. So với ngày hôm qua, giá USD của Vietcombank giảm 30 đồng.

BIDV trong khi đó giảm tỷ giá 25 đồng ở cả hai chiều, xuống còn 23.340 - 23.520 đồng/USD.

ACB giảm 30 đồng xuống 23.350 - 23.500 đồng/USD còn Eximbank giảm 50 đồng xuống 23.340 - 23.490 đồng. Tỷ giá tại Sacombank hiện là 23.340 – 23.504 đồng, giảm 61 đồng ở chiều mua vào và 37 đồng ở chiều bán ra so với hôm qua.

Ngoài thị trường tự do, sau khi sụt mạnh ngày hôm qua thì đến hôm nay giá USD lại được các cửa hàng đẩy tăng 30 đồng ở cả hai chiều mua và bán, hiện niêm yết tại 23.450 - 23.500 đồng/USD.

Giá vàng, Giá vàng mới nhất hôm nay 5/5

Tin tức giá vàng, giá vàng thế giới giao ngay tính đến đêm ngày 4/5 ở mức 1.702 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 năm 2020 trên sàn Comex New York đứng ở mức 1.708 USD/ounce.

Tin giá vàng, Giá vàng hôm nay cao hơn 32,6% (419 USD/ounce) so với đầu năm 2019.

Giá vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 47,1 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn 2,2 triệu đồng so với vàng trong nước.

Đối với doanh nghiệp, toàn bộ thuế VAT đầu vào được khấu trừ với thuế VAT đầu ra khi xác định thuế VAT phải nộp, không ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp.

Giá vàng hôm nay, giá vàng mới nhất, giá vàng trong nước chốt phiên ngày 4/5 đã số các cửa hàng vàng đều giữ giá vàng 9999 và gần như không hề biến động ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên trước kỳ nghỉ lễ.

Giá vàng trong nước, giá vàng SJc được Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức 47,92 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,325 triệu đồng/lượng (bán ra).

Lào Cai chi 4.200 tỷ đồng xây cảng hàng không Sapa

Văn bản do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường ký trình Thủ tướng ngày 4/5 nêu rõ: Cảng hàng không Sa Pa được xây dựng tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đạt tiêu chuẩn là Cảng hàng không cấp 4C (theo phân cấp của tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO) và sân bay quân sự cấp II đạt công suất 1,5 triệu hành khách/năm.

Theo UBND tỉnh Lào Cai, dự án cảng hàng không Sapa sẽ được đầu tư xây dựng một đường cất hạ cánh và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 1,5 triệu hành khách/năm; xây dựng đường giao thông kết nối cảng hàng không với đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai có quy mô 2 làn xe.

Số tiền 4.200 tỷ đồng đầu tư dự án sẽ được huy động từ vốn ngân sách địa phương, vốn chủ sở hữu và vốn vay tín dụng. Trong đó, vốn ngân sách địa phương gần 1.200 tỷ đồng.

Phần kinh phí Nhà nước tham gia trong dự án theo hình thức vốn góp của Nhà nước được sử dụng để hỗ trợ xây dựng công trình nhằm đảm bảo tính khả thi tài chính cho dự án. Hỗ trợ cho các hạng mục giải phóng mặt bằng, đường trục vào cảng, tháp không lưu và một phần san tạo mặt bằng (bao gồm cả phần xây lắp và các chi phí liên quan).

Dự án cảng hàng không Sapa sẽ được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).

Dự án có tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) 11,02 %, tỷ suất lợi ích - chi phí (B/C): 1.033, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) 11,7%. Thời gian hợp đồng dự án: 50 năm. Trong đó, thời gian xây dựng dự kiến 4 năm. Thời gian vận hành, khai thác và thu phí hoàn vốn là 46 năm.

Dính đòn Covid-19, loạt ‘ông lớn’ xăng dầu lỗ ngàn tỷ

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã chứng khoán PLX) là một trong những doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề từ những tác động tiêu cực của dịch COVID-19, khi ghi nhận lỗ gần 1.900 tỷ đồng trong quý I/2020.

Theo đó, báo cáo tài chính cho thấy, trong quý I, Petrolimex có khoản Doanh thu 38.477 tỷ đồng, giảm nhẹ 8%. Tuy nhiên, giá vốn đã chiếm xấp xỉ nên chỉ lãi gộp 449 tỷ đồng.

Trong khi các chi phí vẫn rất cao, đặc biệt chi phí bán hàng của Petrolimex lên đến 2.016 tỷ đồng nên dẫn đến doanh nghiệp này lỗ nặng.

Tại thời điểm 31/3, giá trị tài sản ngắn hạn của PLX ghi nhận ở mức 31.940 tỷ đồng, giảm gần 18% so với hồi đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho chiếm hơn 6.759 tỷ đồng, giảm gần 43%.

Ngoài Petrolimex, loạt “ông lớn” trong cùng lĩnh vực chịu lỗ nặng nề do ảnh hưởng kép từ dịch COVID-19 và những biến động từ thị trường dầu thô thế giới.

Theo báo cáo mới nhất, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) lỗ sau thuế hơn 2.348 tỷ đồng trong quý đầu năm 2020.

BSR cho biết, 3 tháng đầu năm, giá dầu thô thế giới giảm mạnh trong khi với đặc thù về sản xuất, chế biến liên tục của nhà máy lọc dầu, nhà máy phải liên tục duy trì một lượng dầu thô và cần thời gian để chế biến, dẫn đến khi Giá dầu thô và sản phẩm giảm, giá vốn bị ảnh hưởng bởi tồn kho có giá cao hơn thị trường.

Bên cạnh đó, tác động của dịch COVID-19 cũng khiến cho nhu cầu sử dụng các sản phẩm lọc hóa dầu trong nước giảm mạnh, các khách hàng tiêu thụ khó khăn, tồn kho cao… dẫn đến doanh nghiệp này chuyển trạng thái từ lãi sang lỗ.

Tương tự, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) lỗ ròng lên đến 423 tỷ đồng trong quý đầu 2020.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news