Tin mới

Tin tức kinh doanh 24h: EVN Hà Nội lý giải nguyên nhân hóa đơn tiền điện tăng cao

Thứ hai, 15/06/2020, 17:20 (GMT+7)

Tin tức kinh doanh 24h: EVN Hà Nội lý giải nguyên nhân hóa đơn tiền điện tăng cao; Việt Nam trúng thầu cung cấp 30.000 tấn gạo trắng cho Philippines...

EVN Hà Nội lý giải nguyên nhân hóa đơn tiền điện tăng cao

Đại diện EVNHANOI cho biết, theo quy luật thời tiết hằng năm, tháng 5 và 6 là thời điểm khu vực miền Bắc mà đặc biệt là thủ đô Hà Nội bước vào cao điểm mùa hè, bắt đầu có nhiều đợt nắng nóng kéo dài khiến lượng điện tiêu thụ tăng cao đột biến.

Cụ thể trong tháng 5, Hà Nội chỉ hứng chịu 1 đợt nắng nóng duy nhất trong 2 ngày (vào ngày 20 và 21/5/2020) đã nâng lượng điện tiêu thụ trung bình lên mức 62,6 triệu kWh/ngày, tăng 45% so với tháng 4 (42,99 triệu kWh/ngày).

Từ đầu tháng 6 đến nay, Hà Nội liên tiếp hứng chịu nắng nóng gay gắt kéo dài với nền nhiệt duy trì ở mức trên 39 độ C. Cùng với hiệu ứng nhà kính và các khối bê tông, tòa nhà cao tầng đã khiến mức nhiệt trong ngày tại Hà Nội có nơi lên đến gần 60 độ C.

Nắng nóng gay gắt kéo dài liên tục đã khiến lượng tiêu thụ điện tại Hà Nội ngày 9/6/2020 đã đạt tới mức 89,209 triệu kWh. Đây là lượng điện tiêu thụ cao kỷ lục trong lịch sử từ trước đến nay.

Nếu so sánh lượng điện tiêu thụ của các tháng trước đó, có thể nhận thấy: sản lượng điện tiêu thụ trên địa bàn thủ đô trong tháng 6 đã tăng rất cao. Cụ thể: tính đến ngày 12/6/2020, lượng điện tiêu thụ trung bình ngày là 80,082kWh, tăng 28% so với tháng 5 và 86% so với tháng 4.

Như vậy, kỳ hóa đơn tiền điện tháng 6/2020 bao gồm cả những ngày nắng nóng gay gắt của tháng 5 và đợt nắng nóng kéo dài đầu tháng 6 (từ 1/6 đến 12/6/2020).

Vì thế, nếu khách hàng có kỳ ghi chỉ số từ ngày 16/5/2020 đến ngày 15/6/2020, thì khả năng hóa đơn tiền điện tăng cao, thậm chí tăng gấp đôi, gấp ba là điều rất có thể xảy ra.

Nghiên cứu cho thấy, vào mùa nắng nóng, do sử dụng điều hòa liên tục, lượng điện năng tiêu thụ sẽ tăng trung bình khoảng 50%-60%.

Việt Nam trúng thầu cung cấp 30.000 tấn gạo trắng cho Philippines

Cục Xuất nhập khẩu cho biết hôm 8/6, Tổng công ty Thương mại quốc tế Philippines (PITC) đã tổ chức đấu thầu nhập khẩu 300 nghìn tấn gạo vào Philippines theo hình thức G - G. Buổi đấu thầu có sự tham gia của đại diện đến từ 4 quốc gia. Phía Việt Nam có 1 đại diện duy nhất tham gia là Tổng công ty Lương thực miền Bắc - Vinafood 1.

Theo kết quả xếp hạng dự thầu được đăng tải trên trang thông tin điện tử của PITC vào ngày 11/6, Việt Nam xếp hạng 1 lô giao hàng tới cảng Davao, với số lượng 30.000 tấn, với giá CIF-DAP là 497,30 USD/tấn.

​Hiện nay, Vinafood 1 đang làm kháng nghị thư gửi đến PITC về việc đấu thấu đối với lô hàng giao tới cảng Manila.

Myanmar xếp hạng 1 đối với các lô giao hàng: 33.000 tấn, với giá CIF-DAP là 489,25 USD/tấn, giao hàng tới cảng Manila; 42.000 tấn, với giá CIF-DAP là 494,25 USD/tấn, giao hàng tới cảng Cebu.

Thái Lan trượt lô đăng ký giao hàng tới cảng Manila, không đăng ký lô giao hàng tới 4 cảng: Cebu, Tacloban, Zamboanga, Davao.

Ấn Độ trượt lô đăng ký giao hàng tới 4 cảng: Cebu, Tacloban, Zamboanga, Davao; không đăng ký lô giao hàng tới Manila.

Giá vàng, Giá vàng mới nhất hôm nay 15/6: Bật tăng mạnh mẽ

Giá vàng, giá vàng thế giới, giá vàng thế giới mới nhất hôm nay, giá vàng thế giới giao ngay chốt phiên cuối tuần tại Mỹ tăng  3,4 USD lên 1.730,5 USD/ounce.

Giá vàng tương lai giao tháng 7 trên sàn Comex New York giảm 2,8 USD xuống 1.731,9 USD/ounce.

Giá vàng, giá vàng trong nước, giá vàng trong nước mở cửa thị trường vào ngày 15/6, giá vàng miếng trong nước được Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức 48,50 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,65 triệu đồng/lượng (bán ra),không đổi so với cuối tuần qua.

Giá vàng SJC được công ty vàng bạc Sài Gòn niêm yết ở mức 48,46 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,82 triệu đồng/lượng (bán ra) tại Hà Nội. Giá vàng miếng SJC tại TP.HCM niêm yết ở mức 48,80 triệu đồng/lượng.

Giá vàng giao ngay chốt phiên cốt tuần, giá vàng miếng trong nước được Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức 48,50 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,65 triệu đồng/lượng (bán ra).

Phiên giao dịch lịch sử 1 tỷ USD: VN-Index giảm 31 điểm

Trước phiên giao dịch hôm nay (15/6), thị trường được dự báo hết sức khó khăn khi các chỉ số chứng khoán Mỹ và châu Á giảm sâu trước đó. Thông tin kém tích cực này khiến cho bên nắm giữ đẩy mạnh bán ra ngay từ những phút đầu kéo VN-Index sụt giảm hơn 20 điểm.

Chốt phiên hôm nay, VN-Index giảm 31,05 điểm (tương đương 3,6%) xuống còn 832,47 điểm. Toàn sàn có 96 mã tăng so với 291 mã giảm và 45 mã đứng giá. Sắc đỏ gần như bao trùm nhóm VN30 với 25/30 mã giảm, trong đó có 2 mã giảm sàn là CTD (Coteccons) và SSI (CTCK Sài Gòn).

Dù giảm điểm nhưng thanh khoản của HOSE bất ngờ đẩy lên mức “chóng mặt” với hơn 708 triệu CP khớp lệnh, tương đương giá trị giao dịch đạt 22.733 tỷ đồng, trong đó giá trị giao dịch thỏa thuận đạt 16.364 tỷ đồng. Các giao dịch thỏa thuận số lượng lớn trong phiên hôm nay là NVL (Novaland), MSN (Masan), VHM (Vinhomes), VPB (VPBank).

Cả HNX-Index và UCPoM Index cũng đồng loạt mất điểm mạnh trong phiên hôm nay. Cụ thể, HNX-Index giảm 3,09 điểm xuống 113,82 điểm, UPCoM Index giảm 0,42 điểm còn 55,54 điểm.

Xóa tên Jetstar Pacific, thay bằng Pacific Airlines

Ngày 15/6, Vietnam Airlines cho biết việc đổi tên hãng Jetstar Pacific thành Pacific Airlines nhằm thúc đẩy quy mô và sức mạnh thương hiệu của Vietnam Airlines tại thị trường nội địa.

Theo đó, Jetstar Pacific sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết để đổi tên thương hiệu thành Pacific Airlines, với logo và bộ nhận diện thương hiệu mới được truyền cảm hứng từ màu sắc chủ đạo của Vietnam Airlines. Thời điểm Jetstar Pacific chính thức hoạt động dưới tên mới Pacific Airlines sẽ dựa theo quyết định của nhà chức trách.

Pacific Airlines cũng sẽ chuyển đổi hệ thống đặt chỗ từ Navitaire sang Sabre - hệ thống Vietnam Airlines đang vận hành - để đồng bộ hoá mạng bay, các thủ tục đặt chỗ và tính năng dành cho khách hàng với Vietnam Airlines.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news