Tin mới

Tin tức kinh doanh 24h: Giá thịt lợn hơi giảm, Giá vàng bật tăng mạnh trở lại

Thứ tư, 29/04/2020, 17:15 (GMT+7)

Tin tức kinh doanh 24h: Giá thịt lợn hơi tại Hà Nội sẽ giảm còn từ 65.000 đến 60.000 đồng/kg; Giá vàng đảo chiều 'chóng mặt', bật tăng mạnh trở lại....

Giá thịt lợn hơi tại Hà Nội sẽ giảm còn từ 65.000 đến 60.000 đồng/kg

Để thực hiện bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt trong thời gian ảnh hưởng của dịch Covid-19, UBND Thành phố ban hành văn bản số 1540/UBND-KT ngày 24/4/2020 yêu cầu các sở, ban, ngành Thành phố và đề nghị các doanh nghiệp, các đơn vị quản lý, kinh doanh khai thác chợ tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy chăn nuôi, sản xuất đảm bảo bình ổn giá mặt hàng thịt lợn trên địa bàn Thành phố, cụ thể như sau:

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Tăng cường giám sát các doanh nghiệp chăn nuôi lớn tham gia chi phối mặt bằng giá thịt lợn hơi trên địa bàn; đôn đốc doanh nghiệp rà soát tính toán chi phí cấu thành giá để hạ giá thành lợn hơi xuất chuồng theo lộ trình cam kết nhằm đưa giá lợn hơi xuống khoảng 70.000 đồng/kg trong tháng 4/2020, lộ trình đến cuối Quý II và Quý III/2020 giảm xuống còn từ 65.000 đến 60.000 đồng/kg theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương theo dõi sát và thông tin thường xuyên tình hình chăn nuôi, sản xuất, nguồn cung, giá bán, diễn biến dịch bệnh, đánh giá năng lực cung ứng nguồn hàng thịt lợn để có phương án đảm bảo nguồn cung, ổn định thị trường giá thịt lợn trên thị trường.

Định hướng, chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp chăn nuôi, giết mổ, chế biến thịt lợn tiết kiệm chi phí sản xuất để hạ giá thành sản phẩm.

Sở Công Thương: chủ trì triển khai Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Thành phố, tổ chức kết nối giữa doanh nghiệp phân phối và đơn vị sản xuất, chế biến thịt lợn để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Theo dõi, đánh giá sát diễn biến cung cầu thị trường thịt lợn, chủ động có phương án đảm bảo nguồn cung, ổn định thị trường. Định hướng, thúc đẩy các doanh nghiệp phân phối rà soát, hợp lý hóa quản trị hoạt động lưu thông, tổ chức kinh doanh nhằm tiết kiệm chi phí (xăng dầu, điện, nước, kho bãi, nhân công...) để hạ giá bán mặt hàng thịt lợn; thực hiện việc giảm giá bán theo mức giảm của nhà cung cấp, đẩy mạnh triển khai các các chương trình khuyến mại, chiết khấu, giảm giá góp phần bình ổn giá bán thịt lợn.

Giá vàng đảo chiều 'chóng mặt', bật tăng mạnh trở lại

Giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.702 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 năm 2020 trên sàn Comex New York đứng ở mức 1.721 USD/ounce.

Giá vàng thế giới hôm nay cao hơn 32,7% (419 USD/ounce) so với đầu năm 2019. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 47,1 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn 1,3 triệu đồng so với vàng trong nước.

Giá vàng thế giới tiếp tục giảm phiên thứ 2 do giới đầu tư giao dịch cầm chừng trước 2 cuộc họp quan trọng tại Mỹ và Châu Âu.

Giá vàng trong nước, giá vàng SJC, giá vàng trong nước chốt phiên ngày 28/4 đa số các cửa hàng vàng tăng giảm giá vàng 9999 thêm bớt khoảng 150-250 ngàn đồng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên liền trước.

Giá vàng SJC được tập đoàn vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức 47,90 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,52 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết vàng SJC ở mức: 47,95 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,62 triệu đồng/lượng (bán ra).

'Ông lớn' dầu khí khó khăn, dòng tiền âm hơn 1.700 tỷ đồng

Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC, mã PVS) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 với kết quả kém khả quan. Theo đó, Doanh thu thuần của PVS ghi nhận hơn 3.241 tỷ đồng, giảm 21% so cùng kỳ 2019.

Doanh thu tài chính hơn 110 tỷ đồng, tăng 137%. Tuy nhiên chi phí tài chính tăng 240% từ 10,6 tỷ đồng lên 34,2 tỷ đồng, trong đó lãi vay hơn 14,4 tỷ đồng.

Chi phí bán hàng trong kỳ tăng nhẹ lên 24,6 tỷ đồng, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp giảm từ hơn 136 tỷ đồng xuống hơn 123,8 tỷ đồng.

Trừ các khoản chi phí, PTSC lãi ròng hơn 111 tỷ đồng, giảm 70% - kết quả cực kỳ khiêm tốn với doanh nghiệp có tổng tài sản lên đến hơn 25.000 tỷ đồng.

Theo giải trình của PTSC nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm là do kết quả kinh doanh của dịch vụ cơ khí dầu khí và một số dịch vụ khác thấp hơn cùng kỳ, ngoài ra phần lãi của các công ty liên doanh hoạt động trong lĩnh vực cung cấp kho nổi chứa, xử lý và xuất dầu thô (FSO, FPSO) khi hợp nhất làm KQKD của PVS thấp hơn cùng kỳ.

Do ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19 và biến động Giá dầu, PTSC đặt mục tiêu đạt 15.000 tỷ đồng doanh thu hợp nhất trong 2020, giảm 12% so với doanh thu đạt được năm 2019. Lợi nhuận trước thuế 800 tỷ đồng và kế hoạch lợi nhuận sau thuế 640 tỷ đồng, giảm 20,8% so với năm 2019.

PTSC hiện đang nợ trên 12.400 tỷ đồng, đa số là nợ ngắn hạn, khiến doanh nghiệp trả lãi vay 14,4 tỷ từ đầu năm.

Tại thời điểm 31/3, PVS có tổng tài sản 25.438 tỷ đồng, giảm 2% so với hồi đầu năm.

Hiện khoản phải thu ngắn hạn đang ghi nhận hơn 5,522 tỷ đồng, tăng 19%, trong đó phải thu ngắn của khách hàng chiếm 4.257 tỷ đồng.

Hàng tồn kho ở mức 1.427 tỷ đồng, tăng 12% so với hồi đầu năm.

Bitcoin tăng nhẹ, Ripple ‘bốc đầu’ 9,2%

Bitcoin có ngày thứ 3 liên tiếp chạm đến mốc giá 7.800 USD. Tiền ảo số 1 thị trường đang được giao dịch tại 7.769 USD, tăng 0,25%, theo CoinDesk.

Trong 24 giờ qua, giá Bitcoin giao dịch thấp nhất tại 7.677 USD, cao nhất tại 7.782 USD.

Dữ liệu thống kê tại Coinmarketcap cho thấy, trong khoảng thời gian trên, khối lượng giao dịch Bitcoin là 33 tỷ USD, vốn hóa ghi nhận mức 143,2 tỷ USD, tăng nhẹ 1 tỷ USD.

Trở lại diễn biến thị trường, Ripple – tiền ảo đang xếp thứ 3 về giá trị vốn hóa sáng nay tăng dựng dứng 9,2% lên 0,215 USD, vốn hóa đạt 9.5 tỷ USD. Khối lượng giao dịch trong 24 giờ qua vào khoảng 2,5 tỷ USD.

Nhiều tiền ảo khác cũng tăng vọt như Litecoin tăng 4,2%, Ethereum tăng 1,2%, EOS tăng 2,3%...

Tại Việt Nam, giá Bitcoin đang giao dịch mức 181 triệu đồng, tăng 0,1%.

Tăng trưởng xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam năm 2020 có thể bằng 0%

Tại Hội thảo trực tuyến “Phục hồi – Tăng tốc – Bứt phá – Phát triển - Bền vững ngành gỗ giai đoạn hậu đại dịch” do Tổ chức Forest Trends, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM (HAWA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) và các Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương, Đồng Nai, Bình Định… phối hợp tổ chức, diễn ra chiều 28/4.

Tại Hội thảo, các đại biểu nhận định Covid-19 đã tác động mạnh đến ngành gỗ và dự báo tăng trưởng xuất khẩu của ngành năm 2020 có thể bằng 0%.

Năm 2020, ngành gỗ Việt Nam đặt mục tiêu đạt 12 tỷ USD trị giá kim ngạch xuất khẩu. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý I/2020, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt 2,58 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 21,5% kế hoạch năm.

Tuy nhiên, do dịch Covid-19 xảy ra và ảnh hưởng nặng nề đến nhiều thị trường. Trong tháng 4/2020, khoảng 80% các đơn hàng bị tạm dừng, các thị trường lớn kim ngạch xuất khẩu gần như đóng băng... ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng của ngành mà theo dự báo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), tăng trưởng xuất khẩu của ngành năm 2020 có thể bằng 0%, thậm chí là tăng trưởng âm.

Kết quả khảo sát với 124 doanh nghiệp trong ngành vào cuối tháng 3/2020 vừa qua, cho thấy, 100% doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, 75% số doanh nghiệp cho biết, thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 3.066 tỷ đồng.

Hơn một nửa số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, đã phải thu hẹp quy mô sản xuất. Khoảng 35% doanh nghiệp dù đang hoạt động bình thường nhưng sẽ phải tạm ngừng sản xuất trong thời gian tới; 7% số doanh nghiệp đã ngừng hoạt động và chỉ có 7% doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news