Tin mới

Tin tức kinh doanh 24h: Giảm giá điện, không giới thiệu gói bảo hiểm Covid-19

Thứ tư, 01/04/2020, 17:23 (GMT+7)

Tin tức kinh doanh 24h: Bộ Công Thương đề xuất giảm 10% giá điện; Bộ Tài chính yêu cầu các DN bảo hiểm không giới thiệu gói bảo hiểm liên quan đến bệnh COVID-19....

Bộ Công Thương đề xuất giảm 10% giá điện

Theo Bộ Công Thương, đề xuất nhằm hỗ trợ các hộ gia đình trong bối cảnh khó khăn vì dịch Covid-19. Mức đề xuất giảm khoảng 10% trong 3 tháng và đã được tính toán kỹ lưỡng dựa trên các thông số sản xuất đầu vào của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

EVN đề xuất Chính phủ cho phép hỗ trợ 100% tiền điện đối với các cơ sở khám chữa và khu cách ly tập trung phòng chống dịch Covid-19.

Đồng thời EVN cũng đề xuất hỗ trợ 50% tiền điện đối với các cơ sở khám chữa bệnh khác mà trong đó chức năng khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm hoặc nhiễm Covid-19 chỉ là một trong nhiều nhiệm vụ của cơ sở.

Về thời hạn áp dụng Chính sách hỗ trợ tiền điện đối với các đối tượng khách hàng như trên, EVN đề xuất thời hạn áp dụng là các kỳ hóa đơn tiền điện của các tháng 4, 5, 6 năm 2020.

Bộ Tài chính yêu cầu các DN bảo hiểm không giới thiệu gói bảo hiểm liên quan đến bệnh COVID-19

Chiều ngày 31/3/2020, Cục Quản lý, giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) chính thức ban hành 02 văn bản gửi các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ liên quan tới bảo hiểm đối với bệnh COVID-19.

Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, Bộ Tài chính cũng yêu cầu thực hiện nghiêm chỉ đạo này của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16. Đồng thời, các doanh nghiệp rà soát, quán triệt trong toàn hệ thống, bao gồm các đại lý bảo hiểm không được sử dụng thông tin, hình ảnh về COVID-19 để giới thiệu, chào bán bảo hiểm.

Trước đó, một số doanh nghiệp bảo hiểm đã triển khai một số sản phẩm bảo hiểm liên quan tới dịch bệnh COVID-19 với chi phí và quyền lợi được bảo hiểm khá hấp dẫn. Chẳng hạn như, chỉ với mức phí bảo hiểm từ 30 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng, người tham gia bảo hiểm có thể được hưởng quyền lợi bảo hiểm từ 50-150 triệu đồng, tùy theo gói thời gian bảo hiểm.

Ngoài ra, không ít các công ty bảo hiểm còn liên kết với ngân hàng để bán bảo hiểm cho khách hàng với các gói bảo hiểm thiết kế linh hoạt, mức phí tuỳ theo điều kiện của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp để đưa ra các mức bồi thường khác nhau, có thể là 5 triệu đồng đến 15 triệu đồng cho một trường hợp bị dương tính với COVID-19 tuỳ theo số tiền đóng bảo hiểm là 100 - 300 nghìn đồng, thời gian bảo vệ là 3 tháng, 6 tháng hay 1 năm.

Giá Bitcoin đi ngang, thị trường tiền ảo trồi sụt

Bitcoin – tiền ảo giá trị và phổ biến nhất thị trường vẫn đang trong lộ trình đi lên song với biên độ nhỏ. Lúc 7h sáng nay 1/4, giá Bitcoin trên CoinDesk là 6.431 USD, tăng 0,16%, tương đương mỗi coin thêm 10,64 USD.

Trong 24 giờ qua, giá tiền ảo này giao dịch trong phạm vi từ 6.344 USD – 6.533 USD. Vốn hoá ghi nhận mức 117,6 tỷ USD, khối lượng giao dịch đạt 41,7 tỷ USD.

Bitcoin tăng trưởng chậm chạp song nhiều nhà giao dịch chuyên nghiệp tin rằng tiền ảo hàng đầu đang trong lộ trình hướng tới mốc 7.700 USD. Nếu vượt qua ngưỡng này, Bitcoin có thể mở ra cánh cửa để đi lên mức giá cao hơn trong ngắn hạn.

Trong bảng xếp hạng 100 tiền ảo hàng đầu, Maker là đồng giảm sâu nhất với 7,48%, Waves là coin tăng mạnh nhất với 19%.

Tổng vốn hoá toàn thị trường hiện ghi nhận mức 181 tỷ USD, khối lượng giao dịch trong 24 giờ qua là 106 tỷ USD.

Tại Việt Nam, giá mỗi Bitcoin giao dịch tại mức 151 triệu đồng, giảm 1,14% so hôm qua.

Giá dầu tiếp tục giảm sau quý tệ nhất lịch sử

Dầu Brent và WTI hiện giao dịch quanh 25 và 20 USD một thùng, sau khi mất giá hơn 60% ba tháng đầu năm.

Giá mỗi thùng dầu Brent hiện giảm 5,2% về 24,98 USD. Trong khi đó, dầu thô Mỹ WTI mất 1,37% về 20,2 USD.

Trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 3, Brent giảm 0,09%, còn WTI tăng gần 2%. Tổng cộng 3 tháng đầu năm, Brent mất giá tới hơn 65% - tệ nhất lịch sử, theo số liệu của CNBC. Chỉ riêng trong tháng 3, loại dầu này đã mất hơn 54%.

Trong khi đó, dầu thô WTI giảm hơn 66% trong quý I, ghi nhận quý giảm tệ nhất đến nay. Trong tháng 3, WTI cũng mất hơn 54%.

Các nhà phân tích tại Eurasia Group cho biết nhu cầu dầu đã giảm ít nhất 25% so với mức 100 triệu thùng một ngày năm 2019. "Nhu cầu lao dốc, trong khi nguồn cung lại tăng sau khi OPEC và Nga thất bại trong đàm phán giảm sản xuất hồi đầu tháng 3 có thể khiến tồn kho toàn cầu chạm trần trong vài tuần tới", báo cáo hôm qua của công ty này cho biết, "Kể cả nếu OPEC và các nước khác sau đó sớm hạn chế sản xuất, lượng dầu dư vì cả thế giới bị phong tỏa vẫn sẽ khiến công suất lưu trữ toàn cầu chạm giới hạn vào giữa năm".

VN-Index tăng gần 18 điểm

Thị trường chứng khoán giằng co mạnh với hai chỉ số chính của sàn HoSE mở phiên trong sắc đỏ, nhưng không lâu sau đó lại đảo chiều về trên tham chiếu. Khối ngoại tích cực mua vào ở nhóm ngân hàng, qua đó giúp thị trường nới rộng đà tăng lên gần 13 điểm.

Sắc xanh áp đảo khi số lượng mã tăng gấp 4 lần mã giảm. Chỉ số nhảy lên từng bậc và chạm vào mốc 680 điểm trước giờ nghỉ trưa. Thanh khoản hai sàn niêm yết tăng khoảng 15% so với phiên hôm qua.

Phiên giao dịch buổi chiều diễn ra êm dịu hơn khi VN-Index có phần lớn thời gian vận động trong xu hướng đi ngang. Các cổ phiếu trụ của nhóm ngân hàng như VCB, BID, CTG tiếp tục dẫn dắt thị trường. Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng là điểm sáng của phiên hôm nay khi PLX, PVD, OIL, POW... đồng loạt tăng trên 4% so với tham chiếu, bất chấp Giá dầu thô liên tiếp thủng đáy.

VN-Index chốt phiên tại 680,23 điểm, tăng 2,67% tương đương 17,7 điểm so với tham chiếu. Các hợp đồng phái sinh tương lai VN30 cũng tăng 11-12 điểm. Khối ngoại trở lại trạng thái bán ròng và dần đẩy áp lực bán lên cao, chốt phiên với giá trị bán ròng hơn 120 tỷ đồng.

Thanh khoản buổi chiều chưa đến 2.000 tỷ đồng cho thấy phần đông nhà đầu tư rất thận trọng, chủ yếu nắm giữ tiền mặt để chờ thị trường cân bằng trở lại. Tuy nhiên, các giao dịch thoả thuận lại rất sôi động. Hơn 63 triệu cổ phiếu được sang tay bằng phương thức này. Hai cổ phiếu ngân hàng gồm TCB và EIB có giá trị giao dịch đột biến, lần lượt hơn 420 tỷ đồng và 200 tỷ đồng.

Giảm 50% phí dịch vụ thanh toán qua liên ngân hàng từ 1/4

Thực hiện Chỉ thị số 11 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 04/2020/TT-NHNN điều chỉnh giảm 50% phí giao dịch thanh toán qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, điều chỉnh giảm phí dịch vụ chuyển tiền qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước cho khách hàng với mức giảm tối thiểu bằng số tiền giảm phí mà Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến khích các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện giảm phí lớn hơn mức giảm phí của Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện. Thời gian thực hiện từ ngày 1/4 đến hết ngày 31/12.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news