Tin mới

Tin tức pháp luật 24h: Diễn biến mới vụ Đường Nhuệ, Bí thư xã dựng hiện trường giả

Thứ ba, 12/05/2020, 14:11 (GMT+7)

Tin tức pháp luật 24h: Diễn biến mới vụ Đường "Nhuệ" chiếm giữ công ty; Khởi tố Bí thư xã giết cháu rồi tạo hiện trường giả, nhằm trục lợi bảo hiểm 18 tỷ đồng....

Diễn biến mới vụ Đường "Nhuệ" chiếm giữ công ty

Tại TAND tỉnh Thái Bình cuối giờ chiều 11/5, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại vụ "Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản" với hai bị cáo Nguyễn Văn Lẫm, Phạm Thị Quyết (chủ Công ty TNHH Lâm Quyết).

Theo HĐXX, tại phiên phúc thẩm hôm nay, căn cứ vào tài liệu chứng cứ, kết quả tranh luận công khai, trên cơ sở xem xét toàn diện ý kiến của Kiểm sát viên Cấp cao, ý kiến tranh luận của các bị cáo, bị hại, các luật sư và người tham gia tố tụng, HĐXX nhận thấy vụ án còn nhiều vấn đề cần phải được thận trọng xem xét, đánh giá.

Nhiều chứng cứ quan trọng, cần phải được thu thập thêm mới kiến nghị, quy kết hành vi của các bị cáo. Theo hướng đó, HĐXX phúc thẩm đánh giá, cơ quan cấp sơ thẩm cần làm rõ một số nội dung chính liên quan đến việc điều tra, truy tố vụ án như sau:

Về xác định tư cách tố tụng, Nguyễn Xuân Đường và Bùi Mạnh Tiến (tức Tiến Trắng) là những đối tượng bị vợ chồng Lẫm, Quyết và một số người khác đã tố cáo hành vi chiếm đoạt công ty, chiếm đoạt tài sản và hủy hoại tài sản của Công ty TNHH Lâm Quyết. Các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp sơ thẩm đã xác định Đường và Tiến tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng là không phù hợp. HĐXX cho rằng cần phải xác định Đường và Tiến là trường hợp có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Về việc xác định tội danh và khoản tiền bị chiếm đoạt, bị cáo Lẫm và Quyết thừa nhận có nhiều khoản vay với nhiều người, trong đó có khoản vay của vợ chồng ông Đỗ Văn Tới. Cụ thể ngày 23/1/2013, vợ chồng ông Tới cho vợ chồng Lẫm Quyết vay 400 triệu, thời hạn vay 6 tháng, lãi suất 2%/tháng, theo hợp đồng, thế chấp chiếc xe ô tô Camry. Ngày 20/1/2016 tiếp tục vay 500 triệu, vay 6 tháng lãi suất 2% theo hợp đồng và cũng thế chấp xe camry BSK 17K-9966 nêu trên.

Khi đến hạn thanh toán, do có nhu cầu tiếp tục vay nên vợ chồng Lẫm Quyết đề nghị gia hạn và được vợ chồng ông Tới đồng ý, việc gia hạn này hai bên chỉ thỏa thuận miệng, không lập thành văn bản.

Đối với khoản vay theo hợp đồng ngày 23/01/2013 vợ chồng Lẫm Quyết trả lãi cho ông Tới đến hết tháng 8/2017. Còn với khoản vay theo hợp đồng ngày 20/01/2016, vợ chồng Lẫm Quyết đã trả lãi ông Tới đến hết tháng 9/2017.

Theo lời khai của Nguyễn Văn Lẫm thì bị cáo đã trả toàn bộ cho ông Tới tại Văn phòng Công ty TNHH Lâm Quyết, tuy nhiên giấy biên nhận tiền của ông Tới được Lẫm để tại Văn phòng công ty đã bị Đường "Nhuệ" và Bùi Mạnh Tiến cùng các đối tượng khác chiếm đoạt công ty nên đã chiếm đoạt, hoặc làm thất lạc hết tất cả giấy tờ, tài liệu trong đó có tài liệu này.

Với những nội dung nêu trên, HĐXX thấy rằng, để làm rõ hành vi và chứng minh những tình tiết liên quan đến lời khai của các bị cáo, cần phải điều tra làm rõ xem có sự mâu thuẫn trong lời khai của bị cáo Lẫm và Quyết về việc trả tiền cho ông Tới; Có việc ông Lẫm, bà Quyết bỏ trốn hay không?; cần xác định tài sản bị chiếm đoạt?

Cảnh sát thu nhiều súng đạn và mìn tự chế khi đánh sập đường dây ma tuý xuyên quốc gia

Ngày 11/5, Đội 6 Phòng Cảnh sát điều ta tội phạm về ma tuý (PC04), Công an TPHCM phối hợp cùng Phòng 4 (Cục C04), Bộ Công an, Công an huyện Bình Chánh, Công an quận Tân Bình,…vừa triệt phá thành công 1 đường dây buôn bán ma tuý "khủng" thu giữ nhiều ma tuý, súng, đạn và mìn tự chế ở khu vực.

Theo điều tra, tháng 3/2020, qua công tác nắm địa bàn, trinh sát Đội 6 Phòng (PC04), Công an TPHCM phát hiện 1 đường dây vận chuyển trái pháp chất ma tuý từ Campuchia về TPHCM để tiêu thu do Nguyễn Hữu Phong (SN 1982, ngụ TP.Hà Nội, trú quận Tân Bình) cầm đầu.

Đi sau vào đường dây này, trinh sát phát hiện mỗi lần Phong lấy khoảng 10kg ma tuý về để bán cho các đầu nậu ở quận 9, quận Thủ Đức và các tỉnh Bình Dương. Trong số này có Nguyễn Minh Chí (SN 1987), Nguyễn Thanh Bình (SN 1995, ngụ quận Thủ Đức) và Nguyễn Đức Tuấn (SN 1990, ngụ tỉnh Bình Thuận).

Cả 3 cùng thuê căn hộ ở chung cư trên Xa lộ Hà Nội, phương Hiệp Phú, quận 9 để sinh sống. Qua đeo bám, trinh sát phát hiện nhóm thường đi chuyển bằng ô tô giao dịch ma tuý vào ban đêm và rạng sáng. Đáng nói, trinh sát phát hiện Chí, Bình và Tuấn luôn thủ súng và thuốc nổ bên người.

Cả 3 khai nhận vừa mua ma tuý của Phong. Riêng khẩu súng, đạn, mìn tự chế nhóm Chí khai mua để phòng thấn. Từ lời khai, công an bắt giữ Phong và khám xét nơi ở thu thêm 3kg ma tuý cùng gần 900 viên thuốc lắc.

Khởi tố Bí thư xã giết cháu rồi tạo hiện trường giả, nhằm trục lợi bảo hiểm 18 tỷ đồng

Như đã đưa tin, khoảng 7h ngày 4/5, trên Quốc lộ 28 (đoạn qua thôn Bon B’Nơr, xã Đắk Som, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông), người dân phát hiện một chiếc xe ô tô bán tải mang BKS: 51C-715.70 bị cháy rụi, bên trong có 1 thi thể.

Căn cứ kết quả giám định và thông tin thu thập, công an nhanh chóng xác định nạn nhân là anh T.N.V. (SN 1995, trú thôn Đan Hà, xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng), cháu vợ của Minh.

Riêng chiếc xe ô tô bị cháy, công an xác định là của ông Đỗ Văn Minh.

Đến ngày 10/5, Công an tỉnh Đắk Nông đã điều tra khám phá vụ án, bắt giữ thủ phạm gây án là Đỗ Văn Minh, khi ông này lẩn trốn tại TP. Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước).

Qua đấu tranh, Minh khai nhận là thủ phạm giết anh T.N.V nhằm thế thân, coi như mình đã chết hòng trục lợi tiền bảo hiểm. Sau đó, Minh tạo hiện trường giả bằng cách đưa nạn nhân lên ô tô rồi đốt xác phi tang.

Thành viên Hội đồng thẩm phán bị nhắn tin đe doạ sau phiên tòa Hồ Duy Hải

Sáng 12/5, phát biểu tại hội nghị giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ (1 trong 17 thành viên trong Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao) cho biết, sau phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, nhiều thành viên trong Hội đồng thẩm phán nhận được những tin nhắn đe dọa khủng bố, xúc phạm.

“Những hành vi này là vi phạm pháp luật và chúng tôi đã trao đổi với Bộ Công an để xem xét những hành vi này cần xử lý như nào”, ông Tuệ cho hay.

Cũng theo Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, mạng xã hội đang xuất hiện nhiều thông tin bịa đặt về vụ án, kêu gọi chống phá hệ thống tư pháp, các cơ quan tiến hành tố tụng từ Trung ương đến địa phương.

Ngoài ra, những kẻ này còn bôi nhọ, quy kết trách nhiệm cả ngành tư pháp và những lãnh đạo ngành tư pháp từ năm 2008 đến nay, đặc biệt là Chánh án TAND Tối cao.

Chiều 8/5, sau 3 ngày xét xử, TAND Tối cao tuyên án giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải (SN 1985, ở Thủ Thừa, tỉnh Long An). Năm 2008, Hải đã bị TAND tỉnh Long An tuyên tử hình về các tội "Giết người", "Cướp tài sản".

Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao kết luận, tòa cấp sơ thẩm, phúc thẩm tuyên phạt Hồ Duy Hải án tử hình về các tội "giết người", "cướp tài sản" là đúng người, đúng pháp luật. Các vi phạm tố tụng trong vụ không làm ảnh hưởng tới bản chất.

Ngoài ra, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao từng quyết định không kháng nghị vụ án của Hải; Chủ tịch nước cũng quyết định không chấp nhận đơn xin ân giảm án tử hình của Hải. Năm 2019, Viện trưởng VKSND Tối cao lại kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị hủy án sơ – phúc thẩm với Hải.

Hội đồng thẩm phán cho rằng kháng nghị này trái pháp luật vì quyết định không cho ân giảm của Chủ tịch nước vẫn có hiệu lực. Vì các lẽ trên, quyết định không chấp nhận kháng nghị vụ Hồ Duy Hải của Viện trưởng Viện KSND Tối cao.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news