Tin mới

Tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 22/3/2018

Thứ năm, 22/03/2018, 10:21 (GMT+7)

Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 22/3/2018

Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 22/3/2018.

Ông Đỗ Trọng Hưng sẵn sàng trích xuất tin nhắn để chứng minh không có "bồ nhí"

Theo nguồn tin riêng của báo Thanh Niên, chiều 21/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có phiên họp đột xuất để xử lý vụ ông Đỗ Trọng Hưng, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa, bị tung tin đồn có ‘bồ nhí’ trên mạng xã hội.

Tại cuộc họp, ông Đỗ Trọng Hưng khẳng định tin đồn trên là hoàn toàn bịa đặt, vu khống, gây bức xúc cho bản thân ông và dư luận. Vì vậy, ông Đỗ Trọng Hưng cũng đề nghị cơ quan công an khẩn trương điều tra, làm rõ. Ông Đỗ Trọng Hưng khẳng định bản thân không có bồ nhí, không quen biết cô gái tên Trang như thông tin vu khống trên mạng.

Phó Bí thư Đỗ Trọng Hưng bị tung tin có "bồ nhí". Ảnh internet

Đặc biệt, ông Đỗ Trọng Hưng cũng đề nghị, nếu cần, cơ quan công an có thể trích xuất toàn bộ tin nhắn (đi và đến) từ số điện thoại của ông từ năm 2014 đến nay (thời điểm mà tin đồn ngầm nhắc đến), để điều tra, đối chứng, làm rõ việc ông có "bồ nhí" và có vi phạm nguyên tắc làm việc hay không.

Cũng tại cuộc họp, các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa khẳng định những tin đồn trên mạng liên quan đến ông Đỗ Trọng Hưng là không đúng sự thật, nhưng đang gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của bản thân ông Đỗ Trọng Hưng và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa. Vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã chỉ đạo Công an tỉnh Thanh Hóa khẩn trương điều tra, làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm đối tượng tung tin đồn trước pháp luật.

Trước đó, từ chiều 19/3, mạng xã hội Facebook lan truyền chóng mặt thông tin ông Đỗ Trọng Hưng, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa, có “bồ nhí”. Trong thông tin có kèm theo hình ảnh và số điện thoại được cho là của ông Đỗ Trọng Hưng cùng với nhiều tin nhắn qua lại với một cô gái trẻ.

Sáng 20/3, trả lời Tri thức trực tuyến, một lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa cho biết đã nắm được việc mạng xã hội facebook lan truyền hình ảnh và thông tin một lãnh đạo tỉnh này có "bồ nhí".

"Thông tin đó không chính thống, bịa đặt, nhảm nhí. Tin nhắn không ngày giờ, tin lại cùng một trạng thái", vị này khẳng định và cho hay cơ quan chức năng tỉnh đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ.

Thông tin mới nhất vụ CSGT Hà Nội nghi nhận tiền của người vi phạm

Ngày 21/3, Đại tá Trần Hải Quân - Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ (Công an TP Hà Nội), cho biết: Bước đầu xác định hình ảnh của lực lượng CSGT thực hiện nhiệm vụ được Báo Tiền Phong phản ánh trong clip đăng tải ngày 13/3 đúng là cán bộ, chiến sĩ của Phòng CSGT TP Hà Nội.

Theo cơ quan Công an, căn cứ vào đoạn clip báo chí cung cấp, có cơ sở xác định cán bộ, chiến sĩ có dấu hiệu vi phạm quy trình trong công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm.Ngay trong ngày 13 và 14/3, Giám đốc Công an TP.Hà Nội đã có quyết định tạm đình chỉ 20 cán bộ, chiến sĩ và chỉ huy liên quan đến vụ việc để phục vụ công tác kiểm tra, xác minh theo quy định của Bộ Công an. Thời hạn đình chỉ công tác là 30 ngày (từ 13/3-13/4 đối với 14 cán bộ, chiến sĩ; từ ngày 14/3-14/4 đối với nhóm cán bộ).

Đại tá Quân cho biết, tất cả báo cáo vụ việc đã được đơn vị gửi Bộ công an, UBND TP.Hà Nội trong ngày 19/3. Quan điểm của Công an Hà Nội là nếu sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trước đó, sáng 13/3, trên mạng xã hội lan truyền clip dài hơn 7 phút nghi CSGT có hành vi mãi lộ do nhóm phóng viên báo Tiền Phong ghi nhận tại một số chốt kiểm tra xử lý vi phạm. Nội dung video clip ghi lại nhiều hình ảnh người vi phạm giao thông rút trong ví ra các tờ giấy giống các tờ tiền mệnh giá 100.000 - 200.000 đồng hoặc cầm trên tay đưa trực tiếp và nhét vào tập hồ sơ của CSGT.

Đáng chú ý, trong đoạn clip cũng ghi lại cảnh lực lượng CSGT làm nhiệm vụ có hành vi tiếp nhận các tờ giấy giống tiền nói trên bằng cách để yên cho người vi phạm nhét vào tập hồ sơ hoặc nhận trực tiếp bằng tay và rút các tờ này từ tập hồ sơ mang cất đi…

Xe cẩu "bay" vào nhà dân sau cú húc xe tải

Vào khoảng 12h40 ngày 21/3, tại Km302, trên tuyến QL1A đoạn qua địa phận huyện Hà Trung (Thanh Hóa) xảy ra vụ tai nạn chiếc xe cẩu húc bay ô tô tải đang đậu ven đường.

Thông tin ban đầu cho biết, vào thời điểm trên, xe ô tô (xe cẩu) mang BKS: 29C-426.44 do Trịnh Quang Hải (SN 1988, ngụ tại Yên Thủy, Hoà Bình) điều khiển chở một chiếc xe ô tô con phía trên đang lưu thông theo hướng Hà Nội - Tp.Hồ Chí Minh, khi đến Km 302, QL1A thuộc thị trấn Hà Trung (huyện Hà Trung, Thanh Hóa) bất ngờ tông mạnh vào chiếc ô tô tải mang BKS: 29C-276.66 đang đậu ven đường.

Hiện trường chiếc xe cẩu ủi bay xe tải vào nhà dân trên QL1A Thanh Hóa. Ảnh Giao Thông

Cú tông mạnh khiến xe tải BKS: 29C-426.44 ủi luôn chiếc xe BKS: 29C-276.66, trượt mạnh trên đường khoảng 20m, lao lên vỉa hè húc bay một cây xanh và làm gãy một cây cột điện rồi dừng lại trước nhà một người dân. Hậu quả, cú va chạm khiến 2-3 người dân gần đó xây xước nhẹ.

Ông Đinh La Thăng bị Viện Kiểm sát đề nghị mức án 18-19 năm tù

Dân trí, Tuổi trẻ đưa tin, sáng 22/3, đại diện Viện KSND TP Hà Nội giữ quyền công tố tại phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm trong vụ cố ý làm trái khiến PVN mất 800 tỉ bắt đầu phần luận tội.

Theo đại diện VKS, hậu quả thiệt hại 800 tỷ đồng cho PVN và các cổ đông liên quan là do các hành vi vi phạm pháp luật của bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐQT, Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Liêm, Nguyễn Xuân Thắng, Phan Đình Đức (thành viên HĐQT/HĐTV), Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN, Ninh Văn Quỳnh nguyên Kế toán trưởng, Trưởng Ban tài chính kế toán và Kiểm toán PVN trong giai đoạn 2008-2011 đã làm trái các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý tài chính; lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tiền của Nhà nước.

Theo đại diện Viện kiểm sát, tại tòa, ông Thăng thừa nhận các hành vi khi ký thỏa thuận khi chưa thông qua HĐQT, ký góp vốn, tăng vốn điều lệ khi chưa thông qua HĐQT, ký quyết định ủy quyền điều hành để tăng vốn điều lệ của OceanBank để đảm bảo 20% tỉ lệ vốn góp vốn điều lệ của OceanBank.

Sau khi bị kiểm tra ông Thăng biết hành vi của mình là sai phạm, cần che giấu nên yêu cầu các thành viên HĐQT ký xác nhận có bàn bạc với HĐQT. Do đó, lời khai của ông Đinh La Thăng tại phiên tòa rằng mình "làm đúng pháp luật" là không có cơ sở.

Bị cáo Đinh La Thăng tại phiên tòa. Ảnh internet

Bị cáo Đinh La Thăng dù biết rõ ngân hàng OceanBank kinh doanh thua lỗ, tiềm lực tài chính thấp nhưng vẫn ký thỏa thuận và ban hành nghị quyết khi chưa được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ.

PVN góp vốn để trở thành cổ đông chiến lược của OceanBank khi chưa được sự chấp thuận của Chính phủ, lời khai tại phiên tòa của các bị cáo là việc này đã nhận được sự đồng ý của Thủ tướng là không đúng.

Văn phòng Chính phủ có văn bản khẳng định đồng ý về chủ trương nhưng cần phải có sự quyết định của Bộ, ngành. Sau đó Bộ Tài chính đã có yêu cầu thực hiện kiểm tra lại về vấn đề tài chính của OceanBank nhưng bị cáo Đinh La Thăng cho rằng đó chỉ là khuyến cáo nên cứ góp vốn. Điều này là cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Từ đó, Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt ông Thăng mức án từ 18-19 năm tù.

Vụ khán giả đòi ca sĩ bồi thường vàng: Có 6 người trình báo mất dây chuyền

Trong chiều nay (21/3), trao đổi với Dân Trí, ông Trần Việt Phường – Giám đốc Sở VH-TT&DL TP Cần Thơ - cho biết: “Theo báo cáo của UBND huyện Cờ Đỏ, đến thời điểm hiện tại đã có 6 người đến cơ quan chức năng trình báo bị mất tài sản trong đêm nhạc này 17/3 tổ chức tại huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ".

Ông Phường cũng cho biết, chương trình ca nhạc tối 17/3 diễn ra tại khu hành chính huyện Cờ Đỏ có chủ đề “Hương Phù Sa”, do Đoàn Văn công Cục Chính trị Quân khu 9 biểu diễn và có xin phép Sở VH-TT&DL TP Cần Thơ. Trong chương trình này, ngoài ca sĩ P.N. còn có một số ca sĩ nổi tiếng khác.

Cũng thông tin từ Thanh Niên, trả lời về việc đơn vị tổ chức đêm diễn có xin phép cơ quan chức năng tổ chức đêm diễn hay không, ông Phường cho biết đơn vị tổ chức đã làm thủ tục theo quy định và được Sở VH-TT-DL thẩm định nội dung.

Sau khi vụ việc xảy ra, Sở VH-TT-DL đã chủ động liên hệ với đơn vị biểu diễn, các cơ quan liên quan tại huyện Cờ Đỏ để nắm tình hình, đồng thời tổ chức cuộc họp trao đổi, rút kinh nghiệm vào lúc 13 giờ 30 cùng ngày.

Tại cuộc họp, Sở VH-TT-DL đề nghị đơn vị tổ chức cần chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng tại địa phương nhằm bảo vệ ANTT tại các buổi biểu diễn.
Theo ông Phường trong buổi biểu diễn gặp sự cố vừa qua, đơn vị biểu diễn đã không lên kế hoạch đảm bảo ANTT cụ thể với chính quyền địa phương, do vậy Công an thị trấn Cờ Đỏ chỉ cử 2 công an viên đến bảo vệ buổi biểu diễn, do vậy khi sự cố xảy ra đã không có đủ lực lượng để can thiệp.

Trước đó, ngày 18/3, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn video clip ghi lại cảnh tượng hỗn loạn trong một đêm nhạc diễn ra ngày 17/3 ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, có nữ ca sĩ P.N. tham gia. Đêm nhạc này do một công ty viễn thông tổ chức, không thu vé vào cổng.

Khi đang xem ca nhạc, một người phụ nữ trung niên cho rằng chị đã bị móc túi. Sau đó, người này cùng một nhóm người lên sân khấu nói mình bị mất một cây vàng, yêu cầu ban tổ chức cùng ca sĩ P.N. phải bồi thường cho mình vì cho rằng chương trình phải có công an và bảo vệ giữ gìn an ninh cho khán giả.

Để đêm nhạc diễn ra suôn sẻ, ca sĩ P.N. đã quyết định lấy 10 triệu đồng tiền cá nhân đưa cho nữ khán giả trên và gửi lời xin lỗi đến khán giả vì sự cố ngoài ý muốn, xin phép khán giả ổn định để đêm nhạc được tiếp tục. Tuy nhiên, khi đêm nhạc bắt đầu trở lại, người phụ nữ một lần nữa lên sân khấu thể hiện sự bức xúc vì cho rằng tiền bồi thường như vậy không đủ.

Hà Trang (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news