Tin mới

Tin tức thời sự thế giới 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 10/5/2019

Thứ sáu, 10/05/2019, 11:39 (GMT+7)

Tin tức thời sự thế giới 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 10/5/2019: Ông Trump dọa áp thuế quan lên 325 tỷ USD hàng Trung Quốc

Ông Trump dọa áp thuế quan lên 325 tỷ USD hàng Trung Quốc

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày thứ Năm cho biết đã bắt đầu các thủ tục cho việc áp thêm thuế quan lên 325 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tuyên bố này được đưa ra ngay trước khi các nhà đàm phán thương mại hai nước bắt đầu nỗ lực cuối cùng để ngăn một đợt leo thang mới của cuộc chiến tranh thương mại gây nhiều hao tổn đối với nền kinh tế toàn cầu.

Theo hãng tin Reuters, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh trong tuần này, hai bên không còn nhiều thời gian để đạt một thỏa thuận thương mại trước khi một đợt áp thuế mới của Mỹ lên hàng Trung Quốc chính thức có hiệu lực.

Vòng đàm phán ở Washington bắt đầu lúc 5h chiều theo giờ địa phương, trong khi việc Mỹ áp thuế 25% lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, thay cho mức 10%, sẽ chính thức bắt đầu vào lúc 0h01 ngày thứ Sáu. Như vậy, Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cùng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer và Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin sẽ chỉ có khoảng 7 giờ đồng hồ để ngăn chặn điều đó xảy ra.

Lời cảnh báo áp thêm thuế lên 325 tỷ USD hàng hóa nữa mà ông Trump đưa ra đồng nghĩa với việc toàn bộ hàng hóa mà Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ sẽ bị áp thuế. Nguyên nhân khiến ông Trump "nổi đóa", theo những gì ông nói hôm thứ Tư, là Trung Quốc "phá thỏa thuận" trong quá trình đàm phán.

Trung Quốc cũng thể hiện một thái độ cứng rắn, tuyên bố sẵn sàng trả đũa nếu Mỹ áp thêm thuế. Một động thái như vậy sẽ dẫn tới việc toàn bộ hàng hóa giao thương giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ bị tăng thuế, trong đó những mặt hàng tiêu dùng như điện thoại di động, máy tính, quần áo, đồ chơi… được cho là sẽ bị đánh thuế nhiều nhất.

Mỹ bắn tên lửa đạn đạo ngay sau vụ phóng vũ khí của Triều Tiên

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Laura Seal xác nhận trong một tuyên bố rằng Chương trình Hệ thống Chiến lược của Hải quân đã bắn một tên lửa Trident II (D5) không khí giới từ tàu USS Rhode Island ở ngoài khơi Cape Canaveral, Florida hôm 9/5. Đây là một phần trong Chiến dịch Demonstration and Shakedown.

Phạm vi bay chính xác của quả tên lửa vẫn chưa được xác định, nhưng nhiều quan chức nói với Fox News rằng nó có thể đã bay được hơn 11.200 km.

Bà Seal cho biết cuộc thử nghiệm trên tàu ngầm tên lửa đạn đạo được thực hiện trên biển và quả tên lửa đã bay rồi rơi xuống biển.

Vụ bắn thử diễn ra chỉ vài giờ sau khi Triều Tiên bắn hai tên lửa tầm ngắn về phía biển. Đây là vụ bắn thử thứ hai chỉ trong vòng 5 ngày và một tín hiệu có thể khiến cuộc đàm phán về chương trình vũ khí hạt nhân của họ gặp rắc rối. Lầu Năm Góc đã xác nhận vụ phóng thử của Triều Tiên.

Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân của Hàn Quốc cho biết các vũ khí đã bay hơn 400km và hơn 260km tương ứng. Cơ quan này đang phối hợp với Mỹ để xác định thêm thông tin, chẳng hạn như loại vũ khí nào đã được bắn ra.

Trong khi đó, Không quân Mỹ đã thử một tên lửa tầm xa từ Căn cứ Không quân Vandenberg ở California trong vòng 10 phút sau khi vụ bắn của Bình Nhưỡng được báo cáo. Tên lửa đạn đạo liên lục địa của Mỹ đã bay hơn 6.700km từ California vào Thái Bình Dương. Vụ phóng tên lửa liên lục địa Minuteman III là vụ phóng thứ hai trong tháng này là là lần thứ tư trong năm nay.

Tàu sân bay Mỹ có thể bị đánh chìm trong “canh bạc rủi ro” với Iran

Cuối tuần qua, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton tuyên bố rằng Mỹ sẽ điều nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln tới vùng biển gần Iran để “gửi thông điệp” và đối phó với những mối đe dọa từ Tehran với Mỹ và các đồng minh thân thiết trong khu vực.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định rằng việc Mỹ điều một tàu sân bay hùng mạnh tới thực hiện nhiệm vụ trên là không mấy phù hợp và thậm chí đặt vũ khí này vào thế bất lợi so với Iran. Các chuyên gia thậm chí còn nghĩ tới kịch bản Tehran có thể đánh chìm “pháo đài” trên biển của Mỹ.

Tàu sân bay của Mỹ là biểu tượng thể hiện sức mạnh của nền hải quân nước này trên các đại dương, nhưng không phải nó lúc nào cũng phù hợp với mọi loại nhiệm vụ.

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang trở lại sau sự kiện Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Washington khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi năm ngoái. Kể từ đó tới nay, Mỹ liên tục ban hành lệnh trừng phạt nhằm gây sức ép tối đa lên ngành dầu khí và kinh tế Iran.

Hai nước đã có những động thái khiến căng thẳng tiếp tục leo thang, như liệt các lực lượng quân đội của nhau vào danh sách tổ chức tài trợ khủng bố.

Cựu giám đốc Boeing được chọn làm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ

Ông Shanahan trước đó đã bị tổng thanh tra Lầu Năm Góc điều tra vì cáo buộc tìm kiếm đối xử ưu đãi cho Boeing khi làm việc tại Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, ông được xác nhận không làm gì sai trái hồi tháng 4.

Ông Shanahan giữ chức quyền Bộ trưởng Quốc phòng từ tháng 1 – thời gian lâu nhất trong lịch sử Lầu Năm Góc.

Các thử thách đầu tiên với ông Shanahan sẽ bao gồm giải quyết căng thẳng đang gia tăng với Iran, các vụ thử nghiệm tên lửa mới của Triều Tiên và trả lời cho các câu hỏi rằng Mỹ sẽ giải quyết khủng hoảng chính trị và kinh tế ở Venezuela ra sao.

Ông Shanahancho biết trong một thông báo rằng ông cam kết hiện đại hóa các lực lượng quân sự Mỹ và nếu được phê chuẩn, sẽ thực hiện tích cực chiến lược phòng thủ quốc gia của ông Trump. Chiến lược này đề ra ưu tiên là cạnh tranh với Trung Quốc và Nga thay cho các cuộc chiến chống nổi dậy mà Lầu Năm Góc đã vướng vào suốt hai thập niên qua.

Ông Shanahan, 56 tuổi, bắt đầu giữ chức quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vào tháng 1, sau khi ông Jim Mattis bất ngờ từ chức vì những khác biệt trong Chính sách với người đứng đầu Nhà Trắng.

Trong ngày đầu tiên đảm nhiệm vai trò lãnh đạo Lầu Năm Góc, ông Shanahan tuyên bố trước các lãnh đạo dân sự Mỹ rằng quân đội sẽ tập trung vào Trung Quốc.

Estonia đòi Nga trả lại 5% lãnh thổ

Bộ trưởng Bộ Nội vụ, lãnh đạo Đảng Nhân dân Bảo thủ (EKRE) Mart Helme cho rằng đến nay Nga vẫn không trả lại cho Estonia 5,2% lãnh thổ của nước cộng hòa này.

“Không nên có tiêu chuẩn kép, vẫn còn 5,2% lãnh thổ Estonia nằm trong tay Nga. Nga không muốn trả lại cho chúng tôi lãnh thổ đó, bồi thường hoặc thậm chí thảo luận về vấn đề này” - ông Mart Helme nói tại cuộc họp báo của chính phủ hôm thứ Năm.

Bộ trưởng Mart Helme lưu ý rằng Estonia sẵn sàng chờ đợi vấn đề lãnh thổ được giải quyết theo luật pháp quốc tế.

“Chúng tôi sẽ không chiến đấu với Nga”, ông Mart Helme nói thêm.

Đảng EKRE, thành phần của liên minh cầm quyền, phản đối việc phê chuẩn hiệp ước biên giới với Nga, cho rằng tài liệu này cho Nga phần lãnh thổ vượt ra ngoài Narva và một phần Pechora, mâu thuẫn với hiến pháp của Estonia.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news