Tin mới

Cổ tích tình yêu của cô gái tật nguyền và "bạch mã hoàng tử"

Thứ sáu, 15/08/2014, 09:32 (GMT+7)

Một chàng trai cao ráo, siêng năng và cô gái bị bại liệt chưa bao giờ dám nghĩ đến tình yêu đã vượt lên những cấm cản của gia đình, lời đàm tiếu ác ý để cùng xây tổ ấm.

Một chàng trai cao ráo, siêng năng và cô gái bị bại liệt chưa bao giờ dám nghĩ đến tình yêu đã vượt lên những cấm cản của gia đình, lời đàm tiếu ác ý để cùng xây tổ ấm.

 

Nghị lực phi thường của cô gái dị tật

Về làng ấp Nam (xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) chúng tôi được nghe người dân kể về đám cưới đẫm nước mắt của chị Nguyễn Thị Bích Ngọc (SN 1983) và anh chàng đẹp trai Lê Trung Kỳ (SN 1984).

Ngọc kể: "Tôi bị bại liệt từ nhỏ nên việc đi lại hết sức khó khăn. Đi học phải có người đưa đón, mọi sinh hoạt đều dựa vào nạng gỗ và chiếc xe lăn. Chưa bao giờ tôi nghĩ đến tình yêu. Vì bản thân mình chưa lo được cho mình thì đâu dám mơ mộng và để ý đến ai".

Là người có cá tính mạnh mẽ, nên Ngọc luôn cố gắng vượt qua nghịch cảnh để không phải là gánh nặng của gia đình. Từ thời còn đi học, cô luôn đạt thành tích khá, giỏi, nhận được sự yêu thương và quan tâm của thầy cô, bạn bè. Dù trời mưa hay nắng, trên chiếc xe lăn của mình, chị vẫn đến lớp đều đặn không bỏ sót buổi nào.

Mang trên mình thân thể dị tật, nhưng chị luôn nhìn cuộc sống với màu xanh hy vọng, đôi chân què quặt vẫn đứng vững trước những xô bồ, nghiệt ngã của dòng đời. Sau khi tốt nghiệp THPT, Ngọc được nhận vào làm văn thư tại văn phòng UBND xã Bình Dương. Cuộc sống dần ổn định và cô tìm được niềm vui cho riêng mình, đó là công việc.

Nơi làm việc cách nhà gần 5 cây số, khoảng cách không xa nhưng đối với một người khuyết tật như chị thì đây là quãng đường không hề dễ dàng. Hàng ngày, người dân làng ấp Nam dường như đã quá quen thuộc với hình ảnh cô gái dị tật loay hoay, ngồi trên chiếc xe lăn, xê dịch từng vòng lăn để đến nơi làm việc.

Sức sống của cô, ai cũng  thán phục. Ông Nguyễn Văn Tùng (bố Ngọc) tâm sự: "Nhiều lúc nhìn con tự đi xe lăn đến lớp, tôi thương lắm. Sinh con ra chỉ mong con khỏe mạnh, lành lặn, bằng bạn bè cùng trang lứa, vậy mà ý trời ai biết được. Cũng may, Ngọc có nghị lực sống rất mạnh mẽ. Dù đau đớn, khó khăn bao nhiêu thì con gái tôi cũng cố gắng vượt qua".

Những lúc trời mưa, con đường đến nơi làm việc của chị Ngọc càng khó khăn gấp bội. Trên đường quê lầy lội, đầy đất và cát, Ngọc dùng hết sức để vượt qua, dù có những lúc bánh xe lăn bị lún vì bùn đất.

Những lúc như thế, nhiều người dân thấy thương muốn chở Ngọc đến nơi làm việc, thế nhưng cô gái này chỉ cười và cảm ơn. Vì cô muốn tự đi bằng sức lực và sự kiên trì vốn có, cứ nhờ vả rồi sẽ không vượt qua được bóng đêm của chính mình. Cô luôn sống bằng sự lạc quan, giao tiếp với bà con, chòm xóm bằng nụ cười thân thiện nên được người dân ở đây yêu thương và quý mến.

Hạnh phúc của đôi đũa lệch.

Đôi đũa lệch dệt tình yêu cổ tích

Là người thích khám phá và phiêu lưu, đầu năm 2010 Ngọc cùng bạn vào tận TP.HCM. Trong lúc dừng chân tại một quán ăn ven huyện Hóc Môn, chị gặp anh Lê Trung Kỳ, người cùng quê. Cuộc gặp bất ngờ, nhưng hai con người xa lạ này dường như thân thuộc từ lâu.

Ngọc bùi ngùi nhớ lại: "Gặp anh Kỳ là người cùng quê tại thành phố xa lạ nên tôi vui lắm. Anh vui tính, có lối nói chuyện cuốn hút, nên cuộc nói chuyện của chúng tôi rất cởi mở. Tôi và anh cho nhau số điện thoại với ý định có thêm một người bạn đồng hương. Tôi đâu dám nghĩ đến thứ tình cảm khác".

Rồi từ đó, họ trở thành đôi bạn tốt của nhau. Vì Ngọc về quê, còn anh Kỳ phải bám miền đất lạ để mưu sinh, nên việc gặp gỡ trò chuyện chỉ thể hiện qua điện thoại. Đôi bạn trẻ kể cho nhau nghe những chuyện thường nhật, giúp đỡ, động viên nhau những lúc khốn khó. Giữa dòng đời tấp nập, cả hai vô tình gặp nhau, hiểu và cảm thông cho nhau.

"Ngọc là cô gái khuyết tật nhưng có tâm hồn trong sáng thật thà. Tiếp xúc nhiều mình càng thấy thích tính cách ấy, dần dần rồi trái tim rung động. Mọi chuyện buồn vui, người mà mình nghĩ đến đầu tiên là Ngọc. Cho đến khi nỗi nhớ day dứt, thì lúc đó mình nhận ra là mình đã yêu cô ấy", anh Kỳ tâm sự.

Sau hai năm trò chuyện qua điện thoại, anh Kỳ bày tỏ tình cảm của mình với cô gái tật nguyền.

Để minh chứng cho tình yêu của mình, thỉnh thoảng anh vẫn đón xe vượt ngàn cây số chỉ để tìm về thăm chị, hẹn hò đôi ba giờ rồi anh đón xe vào Nam làm việc. Đầu tháng 6/2012, anh Kỳ quyết định về quê lập nghiệp và kết tình trăm năm với Ngọc.

Thế nhưng, đôi bạn trẻ lại gặp sự ngăn cản của hai bên. Gia đình anh Kỳ không muốn anh lấy một người vợ tật nguyền. Còn nhà chị Ngọc lại không muốn chị khổ, bởi họ nghĩ liệu rằng anh Kỳ có đối xử tốt với con gái mình. Mọi nỗi lo cứ ùa về làm rối lòng phận làm cha làm mẹ hai bên gia đình. "Lúc đầu gia đình ngăn cản dữ lắm, nhưng hai đứa bằng mọi cách để chứng minh tình yêu của mình" - anh Kỳ chia sẻ.

Kiên trì thuyết phục, cuối cùng anh chị cũng nhận được sự đồng ý của hai bên gia đình. Tháng 10/2012, đám cưới của họ được tổ chức trước sự chứng kiến chia vui của bạn bè và người thân.

Tình yêu càng nhân đôi khi tháng 8/2013, Ngọc chính thức làm mẹ. Đứa con trai đầu lòng kháu khỉnh được đặt tên là Lê Phúc Nguyên. Thương vợ, nên mọi chuyện trong gia đình, anh Kỳ đều chu tất. Ngoài giờ làm nhân viên công ty tiếp thị bia, anh tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, giặt giũ... tất tần tật.

Đứa con trai kháu khỉnh Lê Phúc Nguyên.

"Tôi không thể đi lại nên mọi sinh hoạt trong gia đình đều do anh Kỳ đảm nhiệm. Thương anh lắm nhưng tôi chỉ biết nhìn, cuộc đời còn may mắn khi mang anh đến bên mình những lúc khó khăn. Hạnh phúc này tôi chưa bao giờ dám mơ đến" - Ngọc xúc động.

Ông Phan Phước Sơn (Phó Chủ tịch UBND xã Bình Dương) cho biết: "Tình yêu của đôi bạn trẻ Kỳ và Ngọc, người dân ở đây ai cũng biết và ngưỡng mộ. ít ai nghĩ, chàng trai bình thường lại lấy cô gái khuyết tật làm vợ, vậy mà chuyện này lại có thật tại địa phương. Chỉ có tình yêu đích thực mới đưa họ đến bên nhau, cùng nhau vượt qua bệnh tật và những khó khăn trong cuộc sống".

Theo Đời sống Pháp luật

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news