Tin mới

Cuộc phản công ngoại giao của Việt Nam trên truyền thông quốc tế

Thứ ba, 03/06/2014, 13:17 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Những lần xuất hiện, phát ngôn với tần suất cao của các nhà\nlãnh đạo, các quan chức ngoại giao trên nhiều diễn đàn và kênh truyền\nthông quốc tế được đánh giá là “cuộc phản công ngoại giao” mạnh mẽ và\nhiệu quả của Việt Nam trong cuộc đấu tranh chính nghĩa bảo vệ chủ quyền\nđất nước.>> Quốc tế đã công nhận “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam”>> Sự thật trần trụi về vụ Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan trên biển Việt Nam>> Về phát ngôn mới nhất của Trung Quốc: Ai đang bóp méo sự thật?

(Tinmoi.vn) Những lần xuất hiện, phát ngôn với tần suất cao của các nhà lãnh đạo, các quan chức ngoại giao trên nhiều diễn đàn và kênh truyền thông quốc tế được đánh giá là “cuộc phản công ngoại giao” mạnh mẽ và hiệu quả của Việt Nam trong cuộc đấu tranh chính nghĩa bảo vệ chủ quyền đất nước.

 

Suốt hơn một tháng qua, Trung Quốc vẫn ngang ngược duy trì việc di chuyển và hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) trên vùng biển đặc quyền kinh tế, thềm lục địa thuộc chủ quyền Việt Nam. Cùng với đó là hàng trăm tàu các loại của Trung Quốc, trong đó có cả tàu quân sự, thường xuyên có mặt ở khu vực giàn khoan hạ đặt trái phép và hung hăng tấn công, ngăn cản các tàu chấp pháp của Việt Nam.

Cùng với nhiều hành động, phương án khẳng định và bảo vệ chủ quyền đã được các cơ quan chức năng cùng nhân dân Việt Nam tiến hành kiên trì, hiệu quả trong suốt thời gian qua, các nhà lãnh đạo và giới chức ngoại giao nước ta cũng liên tục lên tiếng trên các diễn đàn, báo chí quốc tế.

 

Những phát ngôn mạnh mẽ của Việt Nam trên trường quốc tế

Trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế ngày 21/5, trong chuyến thăm và làm việc tại Philippines, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh: Trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, bất chấp thiện chí hòa bình, đối thoại của Việt Nam, Trung Quốc đã không chỉ ngày càng gia tăng sức mạnh, các hành động uy hiếp và xâm phạm, mà còn “liên tục vu khống và đổ lỗi cho Việt Nam. Những gì mà Trung Quốc đang làm khác rất xa những gì mà Trung Quốc nói”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh trước báo chí quốc tế tại Manila: Việt Nam đang cân nhắc các phương án để bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lý, theo luật pháp quốc tế. Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại buổi họp báo sau Hội đàm Việt Nam-Philippines chiều 21/5. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Như vậy là, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã công khai tố cáo hành động của Trung Quốc đưa trái phép giàn khoan vào vùng biển Việt Nam với nhiều tàu, kể cả tàu quân sự, đi hộ tống, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông; và kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động xâm phạm, triệt để tuân thủ luật pháp quốc tế.

Cùng ngày với những phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã điện đàm với người đồng nhiệm Mỹ John Kerry, thông báo tình hình rất căng thẳng do việc Trung Quốc gia tăng số lượng tàu, kể cả tàu hộ vệ tên lửa, tàu tuần tiễu tấn công nhanh và tàu đổ bộ đến khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển của Việt Nam.

Tiếp sau đó là liên tiếp những lần các nhà ngoại giao Việt Nam xuất hiện trên nhiều kênh báo chí uy tín của nước ngoài để phát biểu về các vấn đề liên quan đến chủ quyền của nước ta.

Ngày 28/5, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Indonesia Nguyễn Xuân Thủy đã có bài viết “Một góc nhìn khác về tranh chấp biển Đông” đăng trên tờ Jakarta Post. Trước đó, ngày 20/5, Jakarta Post cho đăng tải bài viết có tựa đề “Vietnam’s dangerous acts” (tạm dịch là Những động thái nguy hiểm của Việt Nam) của Liu Hongyang, hiện đang là Thường vụ viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Indonesia. Bài viết của Liu Hongyang đã đưa ra những luận điệu sai trái, vô lý nhằm khẳng định cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Bài viết của Đại sứ Nguyễn Xuân Thủy được đưa ra để “khẳng định lại sự thật”. Bài viết nhanh chóng nhận được sự phản hồi tích cực từ dư luận. Nhiều chuyên gia nhận định bài viết đã “bẻ gãy giọng điệu” của Liu Hongyang về những hành động xâm phạm của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam.

Cũng trong ngày 28/5, ông Nguyễn Quốc Cường - Đại sứ Việt Nam tại Mỹ - lần đầu trả lời phỏng vấn trực tiếp trên kênh CNN được phát sóng trên toàn cầu, bác bỏ những luận điệu sai trái từ phía Trung Quốc về vấn đề giàn khoan.

“Trung Quốc đang cố gắng biến một khu vực không có tranh chấp thành khu vực có tranh chấp. Và đó là việc không thể chấp nhận được”, ông Nguyễn Quốc Cường nói.

“Chúng tôi không thể chấp nhận sự cưỡng ép, chúng tôi không thể chấp nhận sự đe dọa. Và khi vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trở thành mối lo ngại, người dân Việt Nam rất quyết tâm bảo vệ chủ quyền của mình. Không một quốc gia nào nên đánh giá thấp quyết tâm bảo vệ chủ quyền của người Việt Nam”, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường tuyên bố.

Nhiều nước đã lên tiếng ủng hộ Việt Nam, đồng thời phản đối những hành động ngang ngược, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm Tổng thống Philippines Bengino Aquino ngày 21/5.

Ngay sau đó, ngày 29/5, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh cũng đã có buổi trả lời phỏng vấn Hãng thông tấn CNN (Mỹ). Tại buổi trả lời phỏng vấn, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 và đưa nhiều tàu hộ tống, bao gồm cả tàu quân sự xâm phạm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, ảnh hưởng trực tiếp tới hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải; yêu cầu Trung Quốc phải rút ngay giàn khoan Hải Dương - 981 và các tàu hộ tống, bảo vệ ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Vừa mới đây, ngày 30/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg, Mỹ, về tình hình kinh tế xã hội Việt Nam 5 tháng đầu năm và vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Trong một động thái khác, Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã gửi thư cho Tổng Thư ký Ban Ki-moon đề nghị lưu hành công hàm phản đối các hoạt động vi phạm chủ quyền của Trung Quốc. Phái đoàn Việt Nam đã đề nghị Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho lưu hành công hàm trên như một tài liệu chính thức của Khóa 68 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Hôm 29/5, phái đoàn Việt Nam cũng ra thông cáo báo chí về vụ việc trên.

Trước đó, hôm 9/5, Liên Hợp Quốc đã cho lưu hành một công hàm của Bộ Ngoại giao nước ta phản đối việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo của nước ta.

“Cuộc phản công ngoại giao” của Việt Nam

Những lần xuất hiện với tần suất cao của các nhà lãnh đạo, các quan chức ngoại giao trên nhiều diễn đàn và kênh truyền thông quốc tế được đánh giá là “cuộc phản công ngoại giao” mạnh mẽ của Việt Nam. Đây được xem là động thái chưa từng có trước đây khi Việt Nam tận dụng mọi kênh quốc tế uy tín để lên tiếng, khẳng định chủ quyền đất nước.

Cùng với sự đồng lòng của nhân dân trong nước, "cuộc phản công ngoại giao" của Việt Nam trên trường quốc tế đã đem lại hiệu quả tích cực trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền nước ta trước sự xâm phạm của Trung Quốc.

Các bài phát biểu được cho là rất thành công của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, với nội dung thể hiện rõ quan điểm và ngôn từ “trực diện, đủ liều lượng cần thiết”, đã chỉ rõ cho quốc tế thấy bản chất đầy đủ của tình hình căng thẳng Biển Đông, trong đó Trung Quốc là bên xâm phạm trắng trợn, còn Việt Nam đang tiến hành những hoạt động chính nghĩa nhằm bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình.

Cùng với đó, các bài viết, bài phát biểu với luận điểm chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục của nhiều nhà ngoại giao Việt Nam đã khẳng định rõ ràng vấn đề chủ quyền lãnh thổ, biển đảo của nước ta. Quan trọng hơn, các phát ngôn này đã bẻ gãy hoàn toàn những luận điệu, giọng điệu xuyên tạc, bịa đặt mà giới chức và truyền thông Trung Quốc đã dùng để vu khống Việt Nam trong thời gian qua. Qua đó, giúp quốc tế có cái nhìn đa chiều, đầy đủ và chính xác hơn về bản chất các vụ việc đang gây dậy sóng trên Biển Đông.

“Cuộc phản công ngoại giao” này của Việt Nam đã phát huy tác dụng rõ rệt khi những tiếng nói ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nước ta từ bạn bè quốc tế ngày càng nhiều lên, mạnh mẽ hơn. Cùng với đó là sự lên án, phản đối quyết liệt các hành động trái luân thường đạo lý, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

Sự lên tiếng rõ ràng, kiên quyết của các nhà lãnh đạo và giới chức ngoại giao Việt Nam cũng đã phần nào thỏa mãn sự kì vọng của nhân dân trong nước, giúp họ thêm tin tưởng để đồng hành cùng chính quyền trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, những “cuộc phản công ngoại giao” như trên là biện pháp cần thiết, hiệu quả để khẳng định chủ quyền, thể hiện rõ sự chính nghĩa của Việt Nam. Mặt khác, đấu tranh công khai bằng ngoại giao trên các diễn đàn và kênh truyền thông quốc tế uy tín cũng là cách để Việt Nam đập tan chiến thuật “xuyên tạc, vu khống” , “vừa ăn cướp vừa la làng” mà phía Trung Quốc thường xuyên sử dụng trong các vụ tranh chấp, xung đột.

Duy Minh

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news