Tin mới

"Dị nhân" đất Quảng hơn 30 năm không ngủ

Thứ ba, 01/09/2015, 07:05 (GMT+7)

Mặc dù hơn 30 năm không ngủ nhưng ông Nguyễn Văn Kha (57 tuổi), trú Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) vẫn khỏe mạnh và chăm chỉ làm việc.

Hy sinh tình yêu vì bệnh tật

Hỏi đường tới nhà ông Nguyễn Văn Kha, người dân ở Nông trường Việt Trung (Bố Trạch, Quảng Bình) ai ai cũng biết bởi ông Kha nổi tiếng là người đàn ông “không biết ngủ” từ hàng chục năm qua.

Mặc dù đã bước sang tuổi 57 nhưng làn da ông vẫn căng mịn, cử chỉ nhanh nhẹn, giọng nói trầm ấm cùng đôi mắt sâu và thâm quầng. Ông Kha nói: “Nếu như đôi mắt tôi không sâu và thâm quầng thì sẽ không có ai nhận ra tôi mắc chứng mất ngủ kinh niên. Mà cũng nhanh thật, đã hơn 30 năm tôi không chợp mắt...”

Là con đầu trong gia đình có 5 anh em, từ lúc sinh ra ông Kha vốn là đứa trẻ lành lặn, khỏe mạnh. Năm 1979, mới học xong lớp 9/10 ông lên đường nhập ngũ vào sư đoàn 304, khi đó ông mới 17 tuổi.

Sau khi huấn luyện bộ binh ở Đà Nẵng, ông cùng đơn vị hành quân vào biên giới Tây Nam, chiến trường K (Campuchia). Chiến đấu được một thời gian, ông lại đeo ba lô cùng đồng đội tiến ra biên giới phía Bắc.

Trong trí nhớ của ông, lúc đó ông đóng quân gần một làng có rất nhiều người Việt Kiều từ Thái Lan trở về Việt Nam. Đó là làng Việt Hương, ở gần một cây cầu nhỏ tên là cầu Lường, thuộc tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang).

Biết ông có nhiều tài lẻ, đặc biệt là làm mộc rất giỏi nên nhiều gia đình đã nhờ ông sửa sang nhà cửa trong đó có gia đình cô gái Việt kiều Thái Lan xinh xắn.

Thấy chàng bộ đội siêng năng cộng thêm biết nhiều tài lẻ nên cô ấy đã đem lòng yêu mến. Thế nhưng khi đó ông mới hơn 20 tuổi, lại đang làm nghĩa vụ quân sự nên không thể tính đến chuyện yêu đương. Gạt bỏ tất cả, anh bộ đội kia chỉ xem cô gái xinh đẹp đó như em gái của mình.

Thời gian đó cũng là lúc ông cảm thấy cơ thể mình có những thay đổi lạ lùng trong giấc ngủ. Ông Kha nhớ lại: “Trong khoảng thời gian đóng quân ở Hà Bắc, tôi bắt đầu thấy giấc ngủ của mình bị gián đoạn lúc nửa đêm mà từ trước tới giờ tôi chưa bao giờ bị như vậy. Lúc đó, vì sợ ảnh hưởng đến đơn vị nên tôi âm thầm chịu đựng một mình”.

Năm 1981, ông Kha ra quân về với gia đình, khi ấy ông mới ở độ tuổi 23, là chàng thanh niên vạm vỡ, mạnh khỏe. Vì vậy, ông được rất nhiều cô gái trẻ đẹp ở địa phương để ý. Nhưng lạ lùng thay, ông không thể đem lòng yêu thương bất kỳ một cô gái nào.

Bà Lê Thị Lợi, hàng xóm của ông Kha cho biết: “Khi ông Kha mới đi bồ đội về, trong làng có rất nhiều cô gái trẻ đẹp yêu thương nhưng không hiểu vì lí do gì ông ấy lại không thích ai cả, chỉ ở vậy với cha mẹ”.

Thực ra, trong quá khứ ông cũng đã từng có ý với một cô gái trong làng, “Nhưng tôi nghĩ nếu như lấy cô gái ấy về chẳng may sinh ra những đứa con mang căn bệnh giống mình thì thiệt tình quá khổ, rồi những đêm vì mình mà vợ phải thức trắng thì tôi cũng không đặng lòng”, ông Kha cho biết.

Không muốn gia đình lo lắng, thời gian đầu xuất hiện triệu chứng mất ngủ, ông Kha đã âm thầm đi chữa trị ở bệnh viện, tìm gặp các thầy thuốc đông y, nam y nhưng bệnh tình đều không thuyên giảm. Ông biết, căn bệnh của mình thế là vô phương cứu chữa, cuộc sống với ông là những chuỗi ngày không có ban đêm.

Hơn 30 năm coi ngày như đêm

Nói về nguyên nhân của căn bệnh mất ngủ kinh niên, ông cho biết, “Có thể do một thời gian trong đơn vị tôi có tiếp xúc với hóa chất nhưng đi khám khắp nơi thì họ không kết luận được nguyên nhân tại sao”.

Ông kể về diễn tiến bệnh tình của mình: “Tôi bắt đầu có dấu hiệu mất ngủ từ khi còn ở Hà Bắc. Vào những đêm hành quân hay những phiên canh gác tôi cảm thấy thích thú vì mình mất ngủ một đêm nhưng ngày hôm sau vẫn hoạt động bình thường, cơ thể không có dấu hiệu mệt mỏi căng thẳng như trước đây từng bị mất ngủ”.

   'Dị nhân' đất Quảng hơn 30 năm không ngủ - Ảnh 2

Mặc dù đã 58 tuổi nhưng ông Kha vẫn sống một mình trong căn nhà gỗ được ông và người em trai tự tay dựng lên

Tuy nhiên, đến khi ra quân trở về nhà thì căn bệnh lạ trở nên nặng hơn, đằng đẵng theo ông là những đêm dài mất ngủ. Nhiều đêm mắt mở chong chong nhìn lên trần nhà với biết bao suy nghĩ.

Ông Kha chia sẻ: “Cái sự ngủ của tui khác người lắm cô ạ, người ta ngủ là hai mắt nhắm nghiền lại, ngủ một giấc ngon lành tới sáng. Còn tui, khi mô tui nghĩ mình đã ngủ được chút ít là khi có cảm giác hai mắt cay cay, nhằm nhặm so với những lúc bình thường khác".

Đem thắc mắc về khoảng thời gian mất ngủ vào ban đêm hỏi ông, ông cho biết: “Người ta thường nói, thức đêm mới biết đêm dài. Nhưng với tui vì đã quá quen thuộc nên ngày cũng như đêm. Nhiều khi tui trằn trọc, suy nghĩ mãi rồi lại lững thững ra vườn, đi lại đến khi mỏi chân thì vào nhà, mắt chong chong nhìn trần nhà cho đến sáng...”.

Thời gian đầu ông vốn làm nghề mộc nên những đêm không ngủ , ông dậy mở máy bào gỗ, đục mộng một mình. Hàng xóm nghĩ ông làm gấp cho khách hàng nên không ai nói gì, nhưng trải qua nhiều đêm hàng xóm trở nên khó chịu vì họ bị mất ngủ bởi tiếng động mà ông gây ra trong đêm.

Cách đây 10 năm ông thôi nghề mộc, chuyển sang làm ruộng, làm vườn lấy cái ăn. Mặc dù mắc chứng mất ngủ nhưng trời thương ông, bù lại cho ông sức khỏe tốt, ông vẫn làm việc như những người bình thường.

Một mình ông chăm sóc 1ha sắn cộng với vườn tiêu và cây ăn quả trong vườn. Nhờ bàn tay ông cần cù chăm sóc mà vườn cây xanh tươi, trĩu quả. Ông hóm hỉnh chia sẻ: “Tui bị chứng mất ngủ như vậy thôi, nhưng mắt tui còn tinh anh lắm. Nhiều ông bạn kém tui vài tuổi phải đeo kính và lại gần mới nhìn thấy dòng chữ bé xíu chạy trên tivi, còn tui không cần đeo kính vẫn đọc được như thường”.

Cách đây vài năm, nghe thấy bệnh tình của ông Kha, đã có người trong TP.Hồ Chí Minh gọi điện ra mời ông vào để tài trợ sang Hàn Quốc chữa trị nhưng nghĩ rằng căn bệnh của mình không thể chữa trị được nên ông không chịu đi. Sau đó, có một đoàn bác sỹ từ Đà Nẵng xin được chữa bệnh giúp ông nhưng ông cũng đã từ chối.

Ông Kha buồn bã nói về chứng mất ngủ của mình: “Hơn 30 năm qua, tui chưa một lần chợp mắt. Tui thèm có được một giấc ngủ dù chỉ là vài phút nhưng mắt tui không thể nhắm được nữa”.

Ngô Huyền

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: mất ngủ