Tin mới

Sinh con từ tinh trùng của chồng đã mất: Tình yêu vĩnh cửu

Thứ ba, 24/02/2015, 03:56 (GMT+7)

Câu chuyện về người phụ nữ sinh con bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng từ người chồng đã khuất khiến nhiều người cảm động. Các chuyên gia đầu ngành y tế đánh giá đây là một ca đặc biệt hi hữu, lần đầu tiên được thực hiện thành công tại Việt Nam.

Câu chuyện về người phụ nữ sinh con bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng từ người chồng đã khuất khiến nhiều người cảm động. Các chuyên gia đầu ngành y tế đánh giá đây là một ca đặc biệt hi hữu, lần đầu tiên được thực hiện thành công tại Việt Nam.

 

Tuy nhiên sau một năm dư luận rầm rộ quan tâm đến sự kiện này, thông tin về người phụ nữ và hai trẻ song sinh bỗng “bặt vô âm tín”. Trong những ngày cuối năm, PV Người đưa tin đến thăm mẹ con chị tại căn nhà nhỏ ở quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Đã làm rõ vấn đề pháp lý

Đó là trường hợp của chị Hoàng Thị Kim D., một phụ nữ xuất thân từ mảnh đất miền Trung đầy nắng gió. Nghe câu chuyện tình cảm của chị, ai cũng cảm phục một người đã hi sinh tất cả để thực hiện “lời thế ước” năm xưa với chồng. Họ đã từng nguyện sẽ sinh thêm đứa con thứ 2 dù đó là trai hay gái.

Nhưng ước nguyện chưa được thực hiện thì anh Hồ Sỹ Ng. là chồng chị đã qua đời do Tai nạn giao thông vào năm 2010. Lấy lại tinh trùng của người đã mất, đó là cách duy nhất chị có thể níu giữ anh ở lại bên mình. Và hai đứa con song sinh Hồ Sỹ Hoàng Đ. và Hồ Sỹ Hoàng H. của anh chị đã chào đời vào ngày 9/12/2013 tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

Sự kiện hai bé trai sinh đôi từ tinh trùng của người cha quá cố bảo quản sau 3 năm lấy từ tử thi cũng đã gây ra nhiều tranh cãi về tính pháp lý. Thời điểm đó, nhiều người băn khoăn về vấn đề khai sinh, quyền nhân thân, quyền thừa kế của hai cháu Hồ Sỹ Hoàng Đ. và Hồ Sỹ Hoàng H. bởi đây là trường hợp chưa có tiền lệ và chưa có quy định trong pháp luật.

hiếm muộn, sinh con từ tinh trùng của chồng đã mất, thụ tinh trong ống nghiệm, tình yêu

Bác sỹ Lê Vương Văn Vệ - Giám đốc bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội thăm ba mẹ con chị D. sau khi sinh nở thành công.

Cụ thể theo tìm hiểu của PV báo Người đưa tin, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và các văn bản hướng dẫn thi hành, không có điều khoản nào cấm người vợ sinh con từ phương pháp lấy tinh trùng của người chồng quá cố. Vấn đề này cũng không trái với thuần phong mỹ tục, đạo đức của người Việt Nam. Tuy nhiên tại Điều 63 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 về xác định cha mẹ quy định con chung của vợ chồng. Điều 21 Nghị định 70/2001/NĐ-CP ngày 3/10/2001 của Chính phủ về xác định con chung của vợ chồng còn có quy định: Con sinh ra trong vòng 300 ngày kể từ ngày người chồng chết hoặc kể từ ngày bản án, quyết định của tòa xử cho vợ chồng ly hôn có hiệu lực pháp luật thì được xác định là con chung của hai người.

Như vậy, trên thực tế hai cháu bé này sinh ra và có xác nhận con chung của anh Hồ Sỹ N. và chị Hoàng Thị Kim D. đã rõ ràng. Đây là điểm hạn chế mà Luật Hôn nhân và Gia đình và Nghị định hướng dẫn chưa dự liệu tới và chưa điều chỉnh kịp theo sự phát triển của khoa học, y học. Chưa nói đến quyền thừa kế tài sản mà ngay việc làm giấy khai sinh cho hai cháu bé cũng gặp nhiều vướng mắc.

Kể về quá trình làm giấy khai sinh cho hai bé, ông Hồ Bính, ông nội của hai vé Đ. và H. chia sẻ: “Khi hai cháu được 1 tháng tuổi thì tôi là người trực tiếp làm giấy khai sinh. Vì muốn hai cháu được mang họ cha, phía chính quyền yêu cầu phải có xét nghiệm ADN nên gia đình phải bổ sung mọi thủ tục cần thiết. Tuy nhiên, do đây là trường hợp đầu tiên sinh con từ tinh trùng của người chồng đã mất nên bên phía UBND phường phải gọi điện đến Sở Tư pháp để xin ý kiến chỉ đạo. Sau đó, phía bộ Tư pháp cũng hướng dẫn thực hiện khai sinh cho hai cháu theo tên họ của cha. Khoảng hai tuần sau mọi giấy tờ hoàn tất, hai cháu cũng đã tiến hành lập hộ khẩu luôn. Gia đình chúng tôi thực sự rất vui vì nhận được sự quan tâm chia sẻ của Ban ngành chức năng cũng như mọi người”.

Được biết, liên quan đến vấn đề này, đại diện vụ Pháp chế (Bộ y tế cũng đồng ý với việc hai cháu song sinh nói trên sẽ được hưởng đầy đủ mọi quyền lợi chính đáng như mọi đứa trẻ bình thường. Theo đó, cơ quan chức năng sẽ có những điều chỉnh khi xây dựng văn bản pháp luật để phù hợp với thực tiễn.

Mầm sống từ tình yêu và lời hứa

Căn nhà nhỏ của chị và các con lúc nào cũng nhộn nhịp bởi tiếng nói cười bi bô của những đứa trẻ. Bé gái Hồ Hoàng Hải Bình (con gái đầu của anh chị) mới học mẫu giáo nhưng đã bắt đầu ra dáng chị cả khi biết phụ mẹ cho các em ăn. Hai bé Hồ Sỹ Hoàng Đ. và Hồ Sỹ Hoàng H. năm nay đã hơn một tuổi. Các bé đều đã biết đi, biết nói những từ đơn giản như “Bà”, “Mẹ”...

Đã 4 năm kể từ ngày anh ra đi nhưng với chị chuyện mới như ngày hôm qua. Yêu nhau 7 năm rồi đi đến kết hôn nhưng thời gian bên nhau của hai anh chị chỉ tính bằng ngày. Sau khi Tốt nghiệp đại học, chị D. đi Pháp du học rồi ở lại làm Luận án Tiến sỹ. Vừa du học nơi xứ người, vừa mang bầu con gái đầu lòng, nỗi nhớ anh cùng những áp lực học tập, vất vả của người con gái một thân một mình nơi đất khách quê người khiến chị không ít lần tủi thân bật khóc. Nhưng chị vẫn cố gắng tất cả chỉ mong ngày đoàn tụ. Tháng 9/2009, chị sinh con rồi trở lại Việt Nam. Những tưởng ngày trở về có thể sum vầy hạnh phúc, ngờ đâu tai họa ập đến.

Ngày anh đi, con gái lớn của anh chị, bé Hải Bình mới trong 6 tháng tuổi. Biết bao ước mơ dự định còn ấp ủ của anh chị những tưởng sẽ không bao giờ còn thực hiện được nữa. Trong đó có mong muốn sinh thêm đứa con thứ hai như nguyện vọng của anh. Chính điều ấy đã thôi thúc chị D. cộng với những kiến thức đọc được từ khi du học Pháp, chị đã có một quyết định táo bạo là muốn giữ lại tinh trùng của chồng vừa mất để thực hiện thụ tinh nhân tạo.

Thông qua sự giúp đỡ của bạn bè, chị đã liên lạc được với Bác sỹ Lê Vương Văn Vệ, Giám đốc bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Sau khi nghe chị D. trình bày về hoàn cảnh cũng như nguyện vọng của mình, bác sỹ Vệ đã quyết định giúp chị thực hiện ước mong có thêm con với người chồng đã mất. Dù vấp phải sự phản đối từ phía gia đình nhưng với sự quyết đoán nghị lực và tình yêu mãnh liệt dành cho anh, chị đã vượt qua tất cả mọi điều tiếng của dư luận để thực hiện điều chưa từng có ở Việt Nam.

Chị D. kể, sau khi sinh, hai cháu phải ăn sữa ngoài, nhưng ít ốm vặt và không quấy mẹ. Thậm chí khi thấy chúng tôi, bé Đ. còn dơ tay đòi bế. Công việc của chị D. phải thường xuyên đi công tác, hai bé ở nhà chơi với ông bà nhưng cũng không khóc gắt đòi mẹ. Ngoài chị D., ông bà nội ngoại của các cháu ở Nghệ An cũng thường xuyên ra Hà Nội thăm nom các cháu.

Nói về cuộc sống hiện tại, chị D. mỉm cười: “Cuộc sống hiện tại của tôi vẫn ổn, có ông bà nội ngoại giúp đỡ chăm sóc các con nên cũng bớt vất vả. Tôi chỉ mong làm tốt công việc, kiếm tiền nuôi con để các con sau này được trưởng thành, ăn học thành người và hạnh phúc như bao đứa trẻ khác. Ngày quyết định sinh con tôi đã phần nào lường trước được những khó khăn mà mình sẽ phải đón nhận. Sinh con ra là phải có trách nhiệm với con, đó không chỉ là giữ lời hứa với chồng, mà còn là niềm hạnh phúc lớn lao của tôi và các con”.

Xúc động trước tình yêu son sắt

Bác sỹ Lê Vương Văn Vệ - Giám đốc bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội chia sẻ: Trường hợp của chị Hoàng Kim D. là trường hợp hi hữu và lần đầu tiên ở Việt Nam. Đây được coi là một thành tựu y học trong lĩnh vực sinh sản... Hơn nữa đời người làm trong lĩnh vự y học tôi chưa từng gặp một trường hợp nào đặc biệt đến thế. Nhiều phụ nữ cũng từng đến bệnh vện chúng tôi lưu giữ tinh trùng người chồng nhưng chỉ một thời gian sau là họ thay đổi quyết định. Trường hợp này lại khác, sự quyết tâm, kiên trì và tình yêu son sắt của chị ấy khiến chúng tôi rất xúc động...".

N.T - P.H

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news