Tin mới

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo đề nghị tạm dừng phiên tòa ly hôn nghìn tỷ với ông Vũ

Thứ bảy, 02/03/2019, 09:28 (GMT+7)

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo gửi đơn đề nghị HĐXX tạm ngừng phiên tòa vì còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ, các vấn đề pháp lý mấu chốt "đang bị định hướng theo cảm tính".

Theo tin tức từ Vnexpress, Zing/Tri thức trực tuyến, phiên tòa xét xử vụ ly hôn chiều 1/3 đã phải tạm dừng do phải xác minh chứng cứ về khối tài sản trong ngân hàng đứng tên bà Thảo. Chủ tọa thông báo tạm dừng phiên tòa đến ngày 27/3 sẽ xét xử lại.

Ngay sau khi phiên tòa phán quyết tạm hoãn, luật sư của bà Thảo cho biết, trước phiên làm việc đã gửi đơn đề nghị HĐXX tạm ngừng phiên tòa vì còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ, các vấn đề pháp lý mấu chốt "đang bị định hướng theo cảm tính".

Lê Hoàng Diệp Thảo tại phiên tòa ngày 1/3. Ảnh: VNE

“Tôi muốn phiên tòa tạm ngừng để có những chứng cứ đầy đủ hơn, khi tòa phán quyết sẽ đúng thủ tục và tránh những phiền toái về sau này, ví dụ như khi mình không đủ thủ tục, nếu tiếp tục lên cấp cao hơn thì cũng bị hủy án chẳng hạn”, VTC news trích lời bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Khi phiên tòa bị tạm ngừng xét xử, ông Vũ tiết lộ ông quá mệt mỏi bởi cuộc ly hôn này cứ kèo dài mãi như vậy.

Về quan điểm của Viện kiểm sát (VKS) tại phiên tòa ngày 25/2 cho rằng bà Thảo không có chứng cứ chứng minh có góp tiền cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ khởi nghiệp, đại diện pháp luật của bà Thảo khẳng định đây là quan điểm sai biệt hoàn toàn với chuẩn mực pháp lý cơ bản và sự thật diễn biến phiên tòa.

Theo nguyên đơn, pháp luật quy định tài sản hai vợ chồng chia là "khối tài sản chung", mà theo Điều 105 BLDS "tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản". Trong khi đó, bà Thảo đã nhiều lần khẳng định tại tòa đã trực tiếp đưa tiền mặt góp tiền cho ông Vũ khởi nghiệp.

Mặt khác, ông Vũ trình bày tại tòa là cùng 4 người bạn khởi nghiệp vào năm 1996 với số vốn chỉ 2 triệu đồng. Giấy phép đăng ký kinh doanh ngày 15/8/1996 và thời hạn kinh doanh ngày 31/12/1996 (chỉ 4 tháng). Lại thêm thất bại ở Long Xuyên vào năm 1997, ông Vũ từng nhiều lần nhắc đến trên truyền thông và tại tòa, đã khiến việc khởi nghiệp mất trắng và ông phải bắt đầu lại từ đầu.

Phía bà Thảo cho rằng, khi nhắc đến "tài sản chung" thì phải nói đến pháp nhân được thành lập đầu tiên trong thời kỳ hôn nhân là Hợp tác xã Xí nghiệp cà phê Trung Nguyên được thành lập vào tháng 7/1999. Tại đây, bà Thảo là Trưởng chi nhánh TP HCM - thị trường lớn nhất của Việt Nam. Sự phát triển của chi nhánh này là nền tảng cho việc thành lập Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên, Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên và các công ty trực thuộc sau này

Luật sư của bà Thảo cũng khẳng định, theo Điểm b khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân gia đình, trong trường hợp này, tài sản chung chính là cổ phần và vốn góp tại 7 công ty. Theo phía bà Diệp Thảo, việc đánh giá công sức khởi nghiệp không đúng pháp luật đã khiến dư luận hiểu sai bản chất của vấn đề pháp lý mấu chốt này.

Đối với các công ty này, đại diện bà Thảo cho rằng cổ phần và phần vốn góp đều được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân và bằng tài sản có được trong kinh doanh của 2 vợ chồng. Trước khi kết hôn và trong thời kỳ hôn nhân, ông Vũ không có tài sản riêng cũng như không được tặng cho riêng. Chính vì vậy ông Vũ không có cơ sở để cho rằng ông có đóng góp nhiều hơn.

Phía bà Thảo cũng khẳng định việc yêu cầu chia đôi tài sản chung của vợ chồng theo tỷ lệ 50-50 và đề nghị chia bằng hiện vật là có căn cứ pháp luật. Khi quy đổi ra tổng giá trị của các cổ phần, phần vốn góp thành tiền thì cách phân chia này ông Vũ được nhiều hơn bà khoảng 100 tỷ đồng. Số tiền chênh lệch bà không yêu cầu ông Vũ trả.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news