Tin mới

Chặt cây Hà Nội: Anh em GS Nguyễn Lân Dũng "đá nhau"

Thứ sáu, 20/03/2015, 13:59 (GMT+7)

Trong khi GS Nguyễn Lân Dũng bày tỏ sự khó hiểu, đau xót khi thấy hàng loạt cây xanh liên quan đến dự án thay thế 6.700 cây xanh ở Hà Nội bị đốn hạ thì em trai ông - GS Nguyễn Lân Hùng lại khẳng định: "tôi tin Hà Nội làm đúng".>>Nhiều cây xanh ở Hà Nội bị xăm vỏ, đổ axit>> Phản đối chặt cây xanh, hai phụ nữ trèo lên cây cố thủ 

Trong khi GS Nguyễn Lân Dũng bày tỏ sự khó hiểu, đau xót khi thấy hàng loạt cây xanh liên quan đến dự án thay thế 6.700 cây xanh ở Hà Nội bị đốn hạ thì em trai ông - GS Nguyễn Lân Hùng lại khẳng định: "tôi tin Hà Nội làm đúng". 


 

Dự án thay thế 6.700 cây xanh ở Hà Nội đang thu hút sự quan tâm của dư luận, nhất là sau bức thư ngỏ của ông Trần Đăng Tuấn Phó Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam gửi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và bức thư của GS Ngô Bảo Châu.

Trao đổi quan điểm về vấn đề này trên VTV, ông Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam cho rằng chuyện chặt hơn 6000 cây xanh ở Hà Nội không phải chuyện của Sở xây dựng, thậm chí không phải chuyện của UBND mà phải lấy ý kiến của quốc hội, của nhân dân cả nước bởi Hà Nội là Thủ đô, là trái tim của cả nước.

“Trong chuyện này, UBND Hà Nội hỏi sở xây dựng là không đúng mà phải hỏi Quốc hội, không thể để nhân dân bức xúc trước những chuyện lớn của đất nước như vậy”, ông Dũng nói.

Nói về cây vàng tâm - loại cây sẽ thay thế 6.700 cây xanh ở Hà Nội, ông Dũng cho biết, đây là cây rất quý,  gỗ vàng tâm thường được làm tiểu, quan tài. Tuy nhiên, đây là loại cây phát triển chậm nên việc Hà Nội định dùng để trồng lấy bóng mát là vô lý.

“Hơn nữa cây vàng tâm là loại gỗ quý, chúng ta có có bài học từ cây gỗ xưa, vậy chẳng nhẽ trồng vàng tâm xong chúng ta cũng phải quấn tôn xung quanh để chống chặt trộm. Những loại cây gỗ quý như thế chúng ta trồng ở các khu nông nghiệp chứ sao lại trồng ờ Hà Nội, Hà Nội cần cây mọc nhanh lấy bóng mát chứ không cần cây gỗ quý làm gì. Tôi thấy rất lạ không hiểu vì sao lại có quyết định kỳ lạ như vậy”,  ông Dũng chỉ những vô lý trong việc dùng cây vàng tâm dể thay thế hơn 6000 cây xanh, trong đó có nhiều cây cổ thụ ở Hà Nội.

Chặt cây xanh ở HN: Những quan điểm đá nhau của người cùng một nhà Trong khi GS Nguyễn Lân Dũng bức xúc, phản đối dự án thay thế 6.700 cây xanh ở Hà Nội thì em trai ông - GS Nguyễn Lân Hùng lại bày tỏ sự ủng hộ khi khẳng định: "tôi tin Hà Nội làm đúng".  Ảnh: Infonet

Ông Dũng cũng cho biết, mấy ngày hôm nay ông nhận được hàng chục điên thoại bày tỏ bức xúc và đề nghị ông lên tiếng về vấn đề này.

“Chặt hàng loạt cây ở đường Nguyễn Trãi, người dân đã tiếc rồi, giờ chặt hàng nghìn cây ở Nguyễn Chí Thanh người ta xót xa, bức xúc lắm. Có người còn đặt nghi vấn có hay không việc lợi ích nhóm ở đây? Tôi thì nghĩ là không có những người đã thắc mắc đến mức ấy. Tôi nghĩ những chuyện ở thành phố Hà Nội khác với ở các thành phố khác vì Hà Nội là Thủ đô, là trái tim của cả nước “, ông Dũng nói.

Trước việc Hà Nội đưa ra một trong những lý do thay thế hơn 600 cây xanh là nhiều cây cong nghiêng, không đều như cây phượng, cây xà cừ … làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, an toàn giao thông, GS Nguyễn Lân Dũng nói: “làm gì có chuyện đó, có cây đổ là do mình không sửa thì, mình có thể cắt gọt đi. Đúng là cây xà cừ rễ nó nông dễ bật nhưng không phải bật cả phố mà chỉ bật 1-2 cây, bật cây nào ta trồng xen vào cây đó chứ không phải bật 1-2 cây mà chặt cả phố”.

Liên hệ với việc quy hoạch thành phố ở Mỹ, ông Dũng cho biết, ở đó, không chỉ quy định về kiến trúc nhà ở mà còn quy định cả việc trồng cây trong vườn. Ở Việt Nam, việc trồng cây trong đất nhà ông thì tùy nhưng ở phố thì không  tùy được , phải hỏi ý kiến các chuyên gia, người dân.

Chúng ta có đủ các chuyên gia để nghiên cứu, tư vấn ở Hà Nội nên trồng cây gì, thậm chí ở phố nào nên trồng cây gì thì phù hợp vậy tại sao thành phố không hỏi. Chứng kiến cảnh hàng loạt cây bị chặt, tôi rất đau xót. Hà Nội coi thường các nhà khoa học vì chúng ta tập trung các nhà khoa học lớn ở thủ đô nhưng những chuyện thế này không bao giờ chúng tôi được hỏi”, GS Nguyễn Lân Dũng chia sẻ.

Trong khi đó, cùng trao đổi về vấn đề này (dự án thay thế 6.700 cây xanh ở Hà Nội) trên An ninh Thủ đô, GS Nguyễn Lân Hùng, Tổng thư ký Hội Các ngành Sinh học Việt Nam lại có những quan điểm hoàn toàn đối lập với anh trai mình – GS Nguyễn Lân Dũng. Ông khẳng định: “Tôi tin Hà Nội làm đúng”.

“Tôi tin, Hà Nội làm đúng, chủ trương là đúng. Nhưng có vẻ cách làm của các cấp, Sở ngành chưa thấu đáo - như Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã nói. Việc tuyên truyền tới người dân chưa tới, nên gây hiểu nhầm và thiếu thông tin”, ông Hùng nói.

Theo GS Nguyễn Lân Hùng, Hà Nội không nên trồng các loại cây như: xà cừ, keo tai tượng, cây bàng…  làm cây đô thị vì không đảm bảo an toàn. Xà cừ là loại cây rễ rất nông, phát triển nhanh, dễ đổ còn cây bàng về mùa đông rụng lá, nhìn rất xấu. Cây keo tai tượng được trồng trên phố Nguyễn Chí Thanh thì rất giòn và dễ gãy, là loại cây lâm nghiệp, trồng lấy gỗ, không nên trồng ở đô thị.

“Hà Nội với đặc thù là Thủ đô của cả nước, vì vậy không những quan trọng với người dân trong nước mà còn với cả bạn bè quốc tế. Do đó, việc trồng cây gì cũng phải hết sức thận trọng và lựa chọn loại cây phù hợp, cần tránh những loại cây không an toàn như xà cừ dễ bật gốc, lim xẹt dễ gãy cành… Đặc biệt, mỗi con đường, tuyến phố nên trồng từng loại cây khác nhau, có ý nghĩa riêng như đường Bắc Sơn trồng hàng cây hoa ban, đường Hùng Vương, Trần Phú trồng cây chò chỉ…”, ông Hùng nói thêm.

Như tin tức đã đưa, mới đây, ông Trần Đăng Tuấn đã có thư ngỏ gửi đến Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội bày tỏ quan điểm, suy nghĩ liên quan đến dự án thay thế 6.700 cây xanh ở Hà Nội với tư cách là một người dân. Sau khi bức thư của ông Tuấn được đăng tải trên một số trang mạng và được báo chí quan tâm. Trong cuộc trao đổi bên lề cuộc giao ban báo chí Thành ủy chiều 17/3, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Đăng Long đã nhiệt tình “trả lời hộ” Chủ tịch thành phố Nguyễn Thế Thảo những vấn đề ông Tuấn nêu trong bức thư được phóng viên các báo đưa ra.

Theo đó, trong cuộc trao đổi này, ông Long cho biết, tất cả những cây xanh thay thế không phải sâu mọt hết tất cả, nhưng Hà Nội có 3 chủ trương: một là thay thế các tuyến cây, có thể cây không phải sâu mọt mà không đúng chủng loại, cây người ta nói không nên trồng ở đô thị.

Cũng theo ông Long, dự án này không phải tiền ngân sách. Chặt cây ở đường Nguyễn Chí Thanh bằng hình thức xã hội hóa. Doanh nghiệp bỏ tiền ra sẽ quyết định làm việc gì, phù hợp mục đích.

Đặc biệt, ông Long cho rằng, không phải việc gì cũng phải hỏi ý kiến người dân và theo ông việc chặt cây không cần phải hỏi.

“Cái gì cũng phải hỏi ý kiến hay sao? Bây giờ chỉ có chuyện trồng cây mà phải hỏi ý kiến dân! Tôi hỏi thế đất nước bây giờ động đến cái gì đi hỏi dân thì bầu ra chính quyền làm gì...Không phải hỏi gì cả, đấy là trách nhiệm của cơ quan quản lý, của chính quyền. Một cái cây chặt đi cũng phải hỏi dân trong khi còn rất nhiều việc khác”, Vietnamnet ghi lời ông Phan Đăng Long.

Phát ngôn này của ông Phan Long đã nhận nhiều phản ứng trái chiều.

Hai ngày sau phát ngôn gây sốc của Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Đăng Long, 19/3, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chính thức có thư trả lời ông Trần Đăng Tuấn.

Trong thư, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, ngay sau khi đọc thư ngỏ của ông Trần Đăng Tuấn cùng các thông tin phản ánh trên báo chí, ông đã yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng rà soát việc cải tạo, thay thế một số cây xanh trên địa bàn thành phố đảm bảo theo đúng quy hoạch và yêu cầu quản lý, phát triển đô thị; khi thực hiện phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, các cơ quan báo chí, thông tin công khai, đầy đủ, tạo đồng thuận của nhân dân. Đồng thời, yêu cầu người phát ngôn của UBND TP thông tin trên các báo, đài về việc cải tạo, thay thế một số cây xanh trên địa bàn thành phố. 

“Với trách nhiệm Chủ tịch UBND TP, tôi luôn lắng nghe và tiếp thu những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, nhân sĩ, trí thức và mọi người dân, từ đó chỉ đạo, điều hành vì mục tiêu chung xây dựng và phát triển thủ đô...”

Tại phiên họp thường kỳ của lãnh đạo TP. Hà Nội sáng 19/3, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng đã trực tiếp phê bình các đơn vị triển khai công tác chặt hạ, di chuyển, thay thế cây xanh trên địa bàn TP, vì công tác thông tin, tuyên truyền chưa đáp ứng được yêu cầu. Ông Thảo khẳng định: Không có chuyện thay thế hàng loạt cây xanh và không có lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân trong việc chặt cây.

Cũng trong chiều ngày 19/3, trên một số tuyến phố Lý Nam Đế, Trịnh Hoài Đức… xuất hiện những tấm biển trưng cầu ý kiến người dân về những cây dự kiến sẽ được cắt tỉa cành phòng gãy đổ mùa mưa bão hoặc do bị khô, mục.

Trao đổi trên Vnexpress, Ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội, cho biết, những cây sẽ chặt tỉa, đốn hạ, thay thế mà Công ty đang làm (và đang lấy ý kiến) không liên quan gì đến dự án thay thế 6.700 cây. 

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc làm này cũng xuất phát từ chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố sau phản ứng gay gắt của dư luận về việc chặt cây xanh đang xảy ra trên một số tuyến đường ở Hà Nội.

H.Minh (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news