Tin mới

Đào rừng giá 40 triệu từ miền Tây xứ Nghệ xuôi phố đón tết

Chủ nhật, 31/01/2016, 12:53 (GMT+7)

Ngày giáp tết, chợ đào đá (đào rừng) tại các phố huyện miền Tây xứ Nghệ lại tấp nập kẻ bán người mua. Những cây đào đá thế độc, đẹp, nhiều búp.. . săn tận rừng sâu được trả giá từ 5 - 40 triệu.

Những năm gần đây, mốt chơi đào đá đang rất được ưa chuộng và trở nên thịnh hành. Nắm bắt được tâm lý đó, bà con dân tộc tại các huyện miền Tây Nghệ An đã vào tận rừng sâu, thậm chí sang nước bạn Lào săn đào mang xuống phố huyện để bán vào dịp tết. Theo đó, nhiều cành đào có thế đẹp, cổ thụ được định giá rất cao, từ 5 - 40 triệu đồng.

Đào đá là cách gọi khác của đào rừng để phân biệt với đào trồng ở miền xuôi (đào Nhật Tân..). Loại đào này thường mọc trên những cánh rừng sâu tại các huyện miền Tây Nghệ An như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp.., nơi mà quanh năm thời tiết mát mẻ, nhiệt độ thấp và sương mù phủ dày đặc.

Rất nhiều người dân mang đào xuống thị trấn Hòa Bình, huyện Tương Dương để bán trong những ngày giáp Tết.

Dọc theo các tuyến Quốc lộ 7, 48, qua các thị trấn Hòa Bình (huyện Tương Dương), Mường Xén (huyện Kỳ Sơn), Kim Sơn (huyện Quế Phong), trong những ngày này rất nhiều bà con dân tộc đã mang đào xuống bán.Khác với đào miền xuôi, đào rừng thân cây thường có rêu bám nên rất xù xì, hoa thưa và to, cánh hoa phớt hồng và nở rất lâu tàn. Thế đẹp và lạ của đào hoàn toàn do tự nhiên tạo ra, trên một số cành đào còn có nhiều cây tầm gửi đang đâm chồi nẩy lộc báo hiệu một mùa xuân tươi mới và ấm áp.

Tại thị trấn Mường Xén, 1 gốc đào đá cổ thụ, thế đẹp, nhiều búp được đồng bào lấy từ nước bạn Lào, có tuổi thọ hơn 20 năm được định giá tới 40 triệu đồng. Giá khá cao nhưng trước sự độc đáo của gốc đào, nhiều người vẫn hỏi mua.

Ngoài ra, những cành đào đẹp khác cũng có giá từ 5 - 20 triệu đồng đang được thương lái tập kết để vận chuyện về xuôi.

Theo anh Lầu Bá Chứ, trú tại thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn (chủ nhân của cây đào cổ thụ giá 40 triệu): Cây đào đá này có giá cao vì thế độc, đẹp, lâu năm, nhiều búp, trên thân cây có nhiều loại nấm mọc ký sinh tạo nên vẻ rêu phong, cổ kính. Để đưa được những cành đào cổ thụ từ trong rừng về không phải là điều đơn giản. Đồng bào phải cơm đùm cơm nắm, lặn lội hàng tuần vào tận rừng sâu săn hàng. Sau khi lấy được đào phải thay phiên nhau 3 - 4 ngày băng rừng vác ra đường mới có xe chở về thị trấn.

Khi chợ đào đá tại các huyện miền Tây xứ Nghệ mở cửa cũng là lúc người chơi và thương lái tại thành phố Vinh và các vùng phụ cận lên đây săn đào đưa về chơi và bán tết.

Có mặt tại chợ đào phố huyện Kỳ Sơn từ sớm, anh Nguyễn Văn Tiến, trú tại phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh (Nghệ An), một người chơi và buôn đào đá lâu năm cho biết: “Tôi đã lên đây từ một tuần trước để săn đào mang về Vinh, trong những năm gần đây mốt chơi đào rừng đã thịnh hành, để kiếm được những cành đào đẹp, độc là rất khó. Tôi cũng đã gom được một lượng lớn những cành đào với nhiều mức giá khác nhau, định chiều nay sẽ cho xe chở về Vinh bán tết”.

Theo nhận định của nhiều tay chơi cây cảnh thâm niên, giá của cây đào đắt hay rẻ ngoài việc tùy thuộc vào thể độc, lạ, đẹp của cây thì còn phụ thuộc vào thị hiếu của người mua. Đặc biệt, với những cây đào rừng cổ thụ, nếu gặp khách có tiền và biết thưởng thức, nhìn ra được giá trị và vẻ đẹp thì nó trở nên vô giá.

Cùng với việc vào rừng sâu săn đào, bà con các dân tộc như: Khơ Mú, Thái, Mông cũng chặt những cành đào trên nương rẫy của gia đình mang đi bán với hi vọng kiếm thêm ít tiền tiêu tết.

Thu nhập từ việc săn đào bán tết cũng góp phần làm nên một cái tết đầy đủ, ấm cúng cho các gia đình đồng bào dân tộc ở miền Tây xứ Nghệ.

Xuân Chinh

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news