Tin mới

Hàng triệu đàn ông Việt Nam có nguy cơ ế vợ trong vài năm tới

Thứ ba, 27/06/2017, 14:42 (GMT+7)

Sự mất cân bằng giới tính khi sinh đã dẫn đến hệ lụy thừa nam thiếu nữ, hàng triệu đàn ông Việt Nam trong ít năm tới sẽ nằm trong cảnh “ế” vợ còn phụ nữ thì sắp tới "đắt hơn cả tôm tươi".

Sự mất cân bằng giới tính khi sinh đã dẫn đến hệ lụy thừa nam thiếu nữ, hàng triệu đàn ông Việt Nam trong ít năm tới sẽ nằm trong cảnh “ế” vợ còn phụ nữ thì sắp tới "đắt hơn cả tôm tươi".

Sẽ có hàng triệu đàn ông Việt Nam phải nhập khẩu cô dâu. Ảnh minh họa

Mới đây, ngành dân số dự báo mất cân bằng giới tính khi sinh (GTKS) tại Việt Nam đang tiếp tục gia tăng. Nếu không có những biện pháp can thiệp quyết liệt, triệt để ngay từ bây giờ, ước tính đến năm 2050 Việt Nam sẽ thiếu khoảng 4,3 triệu phụ nữ. Cụ thể, chênh lệch nam/nữ giới khoảng hơn 10%. Đến năm 2050, Việt Nam sẽ thừa 2,3-4,3 triệu nam.

Theo khảo sát mới nhất của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, 10 tỉnh có tỷ lệ mất cân bằng GTKS cao nhất là Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Hòa Bình, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Quảng Ngãi. Theo Viện này, hệ lụy xã hội của việc mất cân bằng GTKS sẽ dẫn đến thừa nam thiếu nữ, đặc biệt thiếu ở độ tuổi kết hôn.

Tình trạng mất cân bằng giới tính không chỉ diễn ra ở một số vùng nông thôn hay thành thị mà nó xảy ra tại tất cả các vùng miền trên toàn quốc.

Điều này đồng nghĩa với việc trong tương lai nam giới Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ không tìm được vợ.

Thậm chí, ông Dương Quốc Trọng - Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số còn khẳng định, khi tình trạng chênh lệch nam nữ diễn ra, hệ quả dễ thấy nhất là nam giới đến tuổi trưởng thành sẽ không có cơ hội lấy vợ cùng chủng tộc.

Khi đó, nam giới sẽ khó lấy vợ, khiến nhiều người kết hôn muộn, hoặc không kết hôn; làm thay đổi cấu trúc dân số; tan vỡ cấu trúc gia đình, tỷ lệ ly hôn, tái hôn của phụ nữ tăng cao. Điều này còn kéo theo hệ lụy về an ninh trật tự khi làm tăng tệ nạn mại dâm, HIV/AIDS, buôn bán phụ nữ, trẻ em, tăng bạo hành gia đình, tăng bất bình đẳng giới. Bên cạnh đó là một số ngành nghề sẽ bị thiếu hụt lao động như giáo viên mầm non, tiểu học, hộ lý, y tá…

Sau 20 năm nữa, tình hình của nước ta có thể còn phức tạp hơn của các nước láng giềng bởi theo thống kê nhân khẩu học thì 20 năm nữa, các nước xung quanh Việt Nam như Lào, Campuchia, Philippines... cũng không dư phụ nữ để chúng ta “nhập khẩu” về làm cô dâu, may lắm thì đàn ông Việt thời điểm đó có thể sang Algeri, Angola, Mozambique, Uganda,… hay các nước châu Phi khác mới hy vọng tìm được bạn đời.

Theo nghiên cứu của Vụ thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê), những năm gần đây tỷ số GTKS tại Việt Nam đang có xu hướng gia tăng.

Theo đó, nếu tại khu vực thành thị, tỉ số GTKS giảm thì ở khu vực nông thôn lại tăng lên. Tỉ số GTKS tăng tại 4 vùng là trung du và miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi ở Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ, tỷ số giới tính khi sinh giảm rõ nét.

Các chuyên gia cho rằng, vấn đề đặt ra hiện nay là vẫn tồn tại tâm lý thích sinh con trai ở nhiều người do sự mong đợi khác biệt về vai trò của con trai và con gái, đồng thời, tồn tại thực trạng sử dụng các biện pháp để sinh con trai ở những người khá giả, học vấn cao, có tâm lý thích sinh con trai.

Do đó, khi lý giải nguyên nhân của việc mất cân bằng GTKS cao, các chuyên gia cho rằng đó một phần là do truyền thống và phong tục của Việt Nam ưa chuộng con trai hơn con gái. Giảm sinh là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển đã tác động trực tiếp tới việc quyết định số con của mỗi cặp vợ chồng. Tại nhiều vùng dân tộc tỉ lệ mất cân bằng GTKS không cao như thành thị.

Đức Hòa (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news