Tin mới

Hành trình 36 năm đi tìm hài cốt đồng đội của một người lính

Thứ hai, 23/02/2015, 15:33 (GMT+7)

Khi chiến tranh đã lùi xa, dù được trở về đoàn tụ bên gia đình nhưng ông Kiệm vẫn đau đáu nhớ về những người đồng đội đang còn nằm ngoài chiến trường năm xưa.

Khi chiến tranh đã lùi xa, dù được trở về đoàn tụ bên gia đình nhưng ông Kiệm vẫn đau đáu nhớ về những người đồng đội đang còn nằm ngoài chiến trường năm xưa.

Trong gần 40 năm qua, ông đã không quản ngại trèo đèo, lội suối tìm đến những nơi đồng đội đã ngã xuống. Và sau mỗi chuyến đi của ông, nhữnghài cốt liệt sỹ lại được đưa về với quê hương, gia đình.

Những ký ức hào hùng thời trai trẻ

Trong chuyến đi Quảng Trị lần ấy, chúng tôi có dịp ghé thăm gia đình cựu chiến binh một đời đi tìm hài cốt liệt sỹ. Người cựu chiến binh ấy là ông Trần Kiệm (70 tuổi, thương binh hạng 3/4). Đón chúng tôi trong căn phòng nhỏ (khu phố 9, phường 5, TP.Đông Hà, Quảng Trị), ông Kiệm không giấu được cảm xúc khi nói về những người lính mà thân thể đang còn nằm lại trên núi rừng.

Nhấp vội ngụm trà, ông Kiệm từ từ kể lại câu chuyện về thời trai trẻ mà ông đã trải qua nơi chiến trường. Ông tâm sự: “Đi tìm hài cốt đồng đội mình chẳng phải để ghi công lao gì cả. Tôi chỉ muốn thể hiện lòng thành của tôi với đồng đội mình thôi. Họ đã hy sinh để cho mình được sống. Bây giờ, tôi phải có trách nhiệm tìm hài cốt của họ để đưa về quê nhà”.

Hành trình 36 năm đi tìm hài cốt đồng đội của một người lính - Ảnh 1

Ông Kiệm nhận những tấm huân chương cao quý.

Năm 1964, khi vừa bước sang tuổi 19, ông lên đường ra trận theo tiếng gọi của tình yêu nước thiêng liêng. Ông tâm sự: “Năm 1964 thì tôi đi bộ đội. Cầm trên tay khẩu súng tôi cảm thấy vô cùng vinh dự. Thấy trách nhiệm mình cao cả lắm. Năm đó, tôi được điều động làm dân quân chiến đấu trực chiến”.

Ông Kiệm cho biết, từ ngày xung phong ra trận ông được bố trí hoạt động ở chiến trường Cam Gio, đây là vùng ác liệt nhất ở vĩ tuyến 17. Chiến trường Cam Gio thuộc địa phận hai huyện Gio Linh và Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị). Đến năm 1967, ông được chuyển sang mặt trận Đường 9.

Ông Kiệm còn nhớ rất rõ trận đánh rạng sáng 19/2/1969 tại xã Cam Thành (huyện Cam Lộ). Bom đạn liên hồi trút xuống khu vực này và khi đó ông bị thương một bên tay, một bên chân. Đau đớn vì vết thương quá nặng, ông Kiệm được hai người đồng đội gánh trở ra khu vực Vĩnh Linh để cứu chữa. Trong lúc di chuyển, vừa đặt chân lên khu vực phía Tây Gio Linh thì bất ngờ cả nhóm bị quân giặc càn quét ác liệt. Nằm trên võng nhìn máy bay địch cứ lòng vòng trên không, ông không khỏi lo lắng.

Những người đồng đội của ông trong chuyến đi ấy đều hy sinh, duy nhất chỉ còn mình ông sống sót dù bị thương rất nặng. Ông nghẹn ngào tâm sự: “Năm ấy tôi bị thương nặng, đồng đội gánh tôi ra Vĩnh Linh để cứu chữa. Trên đường đi thì bị giặc Mỹ oanh tạc. Cứ nghĩ mình sẽ không qua khỏi trận càn ấy, ai ngờ đâu mọi chuyện lại khác. Mấy anh ấy hy sinh hết để tôi đây được sống”.

Nghĩ đến chuyện chứng kiến hai người đồng đội vì mình mà hy sinh ông Kiệm không cầm được nước mắt. Trong suy nghĩ, lúc nào ông cũng luôn mang ơn tất cả những người đã nằm xuống. Vì nhờ họ mà ông có thể sống đến ngày hòa bình lập lại. Ông cho rằng bản thân ông “chưa bao giờ may mắn cả” vì những lần ông thoát chết đều là do được đồng đội che chở. Vì lẽ đó nên khi còn sống trở về ông luôn “làm mọi việc để đền đáp” lại những công ơn của đồng đội.

“Họ đã thay tôi nằm xuống chốn này”

Tháng 4/1972, Quảng Trị được giải phóng trong niềm vui tột độ của hàng nghìn người dân. Ông Kiệm may mắn được trở về và đón nhận niềm vui hòa bình song ông chưa bao giờ thôi trăn trở về việc tìm đến nơi các đồng đội còn nằm lại.

Sau ngày giải phóng, ông Kiệm về làm cán bộ an ninh vùng giải phóng. Suốt thời gian hoạt động trong lực lượng an ninh ông vẫn luôn tranh thủ những ngày nghỉ để đi tìm hài cốt của đồng đội và đưa họ về với quê nhà.

Hành trình 36 năm đi tìm hài cốt đồng đội của một người lính - Ảnh 2

Ông Trần Kiệm trao đổi với PV.

Bắt đầu từ năm 1979, ông Kiệm cùng bạn bè lên đường trở lại chiến trường xưa để tìm kiếm thông tin đồng đội. Ông tâm sự: “Sau khi Quảng Trị giải phóng một thời gian thì tôi mới bắt đầu công việc đi tìm hài cốt đồng đội. Bận công việc, nên chuyện đi tìm hài cốt không mấy suôn sẻ. Những năm đầu chủ yếu là đi tìm những hài cốt do chính tay tôi chôn cất”.

Ông cũng cho biết thêm, thời gian còn ở chiến trường ông thường ghi chép lại thông tin vị trí, nơi mà ông chôn cất đồng đội. Ngày hòa bình lập lại, ông cùng với bạn bè và người thân tranh thủ những ngày lễ, nghỉ phép để đi tìm hài cốt.

Năm 1990, ông Kiệm về hưu và bắt đầu từ thời gian này ông liên tục băng rừng, lội suối để mang hài cốt, kỷ vật về cho gia đình các liệt sỹ. Ông cho biết: “Sau khi nghỉ hưu thì tôi đi nhiều hơn. Tôi gần như dành toàn thời gian cho việc tìm hài cốt. Có lúc tôi đi một mình, có lúc đi chung với bạn”.

Cứ mỗi lần có thông tin về đồng đội, ông lại khoác ba lô lên đường ngay lập tức. Mỗi chuyến đi ông đều mang theo hy vọng đưa được hài cốt, di vật của đồng đội về.

Trong suốt hành trình đi tìm hài cốt đồng đội, ông Kiệm đã đưa về gần 70 hài cốt trao trả cho thân nhân các liệt sỹ cũng như đưa về nghĩa trang liệt sỹ ở các tỉnh phía Bắc. Nhiều năm đã qua, trong tâm trí ông nhớ nhất lần tìm kiếm hài cốt liệt sỹ Lê Văn Bính (Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 1, Sư đoàn 324).

Hành trình tìm kiếm hài cốt của người đồng đội này diễn ra liên tục trong vòng 6 năm. Sau quãng thời gian dài, vượt mọi khó khăn, ông và những bạn bè đã tìm thấy hài cốt của người liệt sỹ Bính ngay tại Nghĩa trang liệt sỹ Gio Linh.

Nói về việc nghĩa tìm kiếm hài cốt liệt sỹ, ông Kiệm không quên nhắc đến khoảnh khắc tìm thấy một nghĩa trang tập thể. Lúc tìm thấy nghĩa trang này, ông và bạn bè không thể cầm được nước mắt.

“Lần đó chúng tôi tìm thấy một nghĩa trang tập thể, ai nấy đều cảm thấy có lỗi vì tìm ra các anh muộn quá”, ông Kiệm nghẹn ngào. Nghĩa trang tập thể ấy chôn cất cả một tiểu đoàn (Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 8, Sư đoàn 324).

Ông Kiệm cho biết thêm: “Trong những lần đi tìm hài cốt, tôi nhớ như in lần đi cùng gia đình bà Nguyễn Thị Lan ở Thuận Thành – Bắc Ninh. Chúng tôi đi bảy đợt, có đợt đến 10 ngày mới tìm thầy hài cốt, đó là liệt sỹ Phùng Văn Thị”.

Trong những chuyến đi tìm hài cốt đồng đội, ông Kiệm đều tự túc mọi chi phí ăn ở. Ông cũng cho biết thêm, những ngày con cháu rảnh rỗi cả gia đình ông đều cùng đi tìm kiếm. Mang theo thức ăn, nước uống, lên rừng cắm trại qua đêm. Có những lúc đang trên đường đi, vì mệt mỏi huyết áp tăng khiến ông không thể tiếp tục đi được nữa. Trong ba lô của người cựu chiến binh ấy luôn có những vỉ thuốc cho huyết áp để mỗi lúc cần dùng. Và khi sức khỏe ổn định trở lại, ông lại tiếp tục cuộc tìm kiếm.

Suốt hành trình tìm kiếm hài cốt đồng đội, ông không bao giờ nhờ đến các nhà ngoại cảm. “Tôi nhất quyết không nhờ đến họå”, ông thẳng thắn nói. Và dù dày công tìm kiếm hài cốt đồng đội nhưng ông Kiệm chẳng bao giờ nhận của người thân họ một đồng nào.

Chia sẻ về điều này, ông cho biết: “Tôi mang ơn đồng đội, nhờ họ nằm xuống mà tôi mới được trở về. Tâm nguyện lớn nhất bây giờ của tôi là làm sao để mang được nhiều hài cốt đồng đội trở về”. Mỗi ngày, khi gác tay lên trán nằm nghỉ trong ông lại xuất hiện trăn trở: “Liệu còn bao nhiêu đồng đội đang nằm ngoài kia, đang đợi mình đưa về?”.

Một tấm gương sáng

Ông Thái Vĩnh Vinh, Chủ tịch hội cựu chiến binh phường 5 (TP. Đông Hà) chia sẻ: “Đồng chí Kiệm là một con người tuyệt vời. Ông đã cùng với đồng đội vượt qua những khó khăn trong thời chiến. Cả người dân lẫn chính quyền nơi đây luôn lấy đồng chí ấy làm tấm gương sáng trong cuộc sống. Việc đi tìm hài cốt đồng đội đã phần nào giúp cho những người chiến sỹ hy sinh nơi chiến trường năm xưa được an tâm yên nghỉ”.

Hữu Hòa

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news