Tin mới

Phúc thẩm Dương Chí Dũng: "Đến chết cũng không nhận tội"

Thứ ba, 22/04/2014, 09:43 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Bị cáo Dương Chí Dũng cho biết sẽ quyết chống án đến cùng tội tham ô, việc để xảy ra việc\n"lại quả" là có lỗi, tuy nhiên bị cáo cho rằng việc kết tội này liên\nquan danh dự nên bị cáo "đến chết cũng không nhận tội">>Nộp tiền bồi thường Dương Chí Dũng có thoát án tử?>>Dương Chí Dũng gặp mẹ, làm thơ trước phiên phúc thẩm 

(Tinmoi.vn) Sáng nay 22/4 tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội tiến hành phiên xét xử phúc thẩm vụ án tham ô tài sản, cố ý làm trái tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đối với cựu Chủ tịch HĐQT TCty Dương Chí Dũng và các đồng phạm.

Ấn F5 để liên tục cập nhật xét xử phúc thẩm Dương Chí Dũng

14h10: Hội đồng xét xử xét hỏi bị cáo Trần Hữu Chiều (nguyên phó Tổng giám đốc Vinalines)

Bị cáo Trần Hữu Chiều khai nhận có tham gia khảo sát mua ụ nổi 83M, và đoàn công tác không phân công ai là trưởng đoàn.

14h: HĐXX tiếp tục làm việc.

Tại phiên làm việc buổi sáng, hai bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc đều không nhận tội tham ô, không thừa nhận đã nhận 10 tỷ đồng do Trần Hải Sơn đưa sau khi được Công ty AP (Singapore) lại quả 1,66 triệu USD vụ  mua ụ nổi 83M.

Cũng trong quá trình thẩm vấn tại tòa, HĐXX cho rằng, vai trò của bị cáo Sơn trong vụ mua ụ nổi là rất không nhỏ vì đã được chia tiền lại quả 7,8 tỷ đồng chỉ sau Dũng và Phúc.

11h40: Tòa nghỉ. 14h, HĐXX tiếp tục làm việc.

11h30: Bị cáo Mai Văn Phúc trình bày vụ việc xảy ra khi ông vừa được bổ nhiệm chức Tổng GĐ 2 tháng và không biết gì mọi việc cho đến khi bị bắt, được cơ quan điều tra thông báo.

Bị cáo cho rằng mình không phạm tội "Tham ô tài sản" vì không nhận bất cứ đồng nào từ phía Trần Hải Sơn liên quan đến số tiền 1,66 triệu USD. Bị cáo Phúc cho rằng mình không phạm tội "Tham ô tài sản" vì "không nhận bất cứ đồng nào từ phía Trần Hải Sơn" liên quan đến số tiền 1,66 triệu USD.

Bị cáo Phúc cho rằng mình chỉ  bị tội "Thiếu trách nhiệm", không phạm tội  "Tham ô tài sản" và "Cố ý làm trái".

11h15: Tòa chuyển sang nội dung xét hỏi bị cáo Mai Văn Phúc – nguyên Tổng GĐ Vinalines..

11h10: Trần Hải Sơn khẳng định đã đưa tiền cho Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc mỗi người 10 tỷ đồng.

Bị cáo Trần Hải Sơn xin giảm án ở tội Cố ý làm trái và Tham ô

10h50: Theo bị cáo Trần Hải Sơn, khi tham gia khảo sát mua ụ nổi, ông Trần Hữu chiều là trưởng đoàn, ông Chiều cũng chịu trách nhiện về đoàn khảo sát và ký biên bản các bên liên quan.

10h40: Tòa tạm cho Dương Chí Dũng nghỉ và chuyển sang thẩm vấn bị cáo Trần Hải Sơn.

10h30: Khi được hỏi về quá trình chạy trốn, bị cáo Dương Chí Dũng trả lời: "Bị cáo trốn là để xem tình hình thế nào rồi mới tính tiếp. Sau khi sang Campuchia, bị cáo bay sang Mỹ nhưng không được nhập cảnh sau đó bị cáo quay về Campuchia và bị bắt tại đó. Bị cáo thừa nhận hành vi bỏ trốn tại thời điểm đó là hoàn toàn sai trái. Bây giờ bị cáo chỉ muốn khắc phục hậu quả một cách tối đa nhất".

Dương Chí Dũng cũng khẳng định lại lần nữa việc nhận được thông tin “mật báo” từ Thượng tướng Phạm Quý Ngọ vào khoảng 5-6h chiều ngày 17/5/2012.

Theo bị cáo Dũng, khi vụ án khởi tố, ông này đã "quá sai" khi quyết định bỏ trốn sang Campuchia để tạm lánh. Ông Dũng cũng cho rằng, còn nhiều điều ở phiên sơ thẩm chưa được làm sáng tỏ và tiếp tục cho rằng mình không phạm tội tham ô.

10h: Tiếp tục phần thẩm vấn bị cáo Dũng, chủ tọa hỏi: - Thế bị cáo muốn xin giảm án về tội cố ý làm trái, lý do là gì? -Dạ, bị cáo chỉ là người đại diện HĐQT, cũng không can thiệp, chỉ đạo vào bất cứ việc gì của Tổng giám đốc khi triển khai mua ụ nổi".

-Bị cáo có nhận tiền của Sơn không? -Dạ, bị cáo có trời đất biết, chỉ là ngày tết ngày nhất, anh ấy đến biếu chai rượu, phong bì tết thôi, chứ không có số tiền hàng tỷ như vậy ạ.

Phúc thẩm Dương Chí Dũng:

Bị cáo Dương Chí Dũng trong phiên xử phúc thẩm

9h45: Bị cáo Dương Chí Dũng cho biết sẽ quyết chống án đến cùng tội tham ô, việc để xảy ra việc "lại quả" là có lỗi, tuy nhiên bị cáo cho rằng việc kết tội này liên quan danh dự nên bị cáo "đến chết cũng không nhận tội"

9h44: Tòa bắt đầu xét hỏi Dương Chí Dũng. Cựu Chủ tịch Vinalines khẳng định nội dung kháng cáo kêu oan với tội tham ô tài sản, đề nghị xem xét lại trách nhiệm tội “cố ý làm trái”.  

Khi được hỏi về việc lập đoàn khảo sát ụ nổi. Dương Chí Dũng đây là một hạng mục của nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam. Khi nhà máy chưa được bổ sung vào quy hoạch mà đã tiến hành việc mua ụ nổi, Dương Chí Dũng xác nhận là không đúng quy trình. Lý do làm ngược quy trình là vì khi đó phía Nga rao bán ụ này. Khi đó, Vinashin đã mua về 2 ụ nhưng đều bị chìm đắm trong quá trình lai dắt về Việt Nam.

Dương Chí Dũng khai, chủ trương đầu tư nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam từ năm 2006, khi đó Dũng đang là Tổng GĐ TCty. Dự án triển khai sau khi HĐQT có văn bản báo cáo Bộ GTVT vì coi như báo cáo là được chấp nhận.

Văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng là “đồng ý về nguyên tắc”, Dũng cho rằng như thế là được triển khai. Tuy nhiên, văn bản này cũng nêu yêu cầu phải bổ sung dự án vào quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp tàu biển. Về điểm này, Dương Chí Dũng nhận là sai, làm trái chỉ đạo Thủ tướng. Mai Văn Phúc cũng biết về văn bản này và cũng không đề cập việc triển khai là trái ý kiến Thủ tướng.

9h25: Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Văn Sơn bắt đầu tóm tắt lại nội dung vụ án cùng các nội dung kháng cáo.

9h20: Sau khi hội ý, HĐXX cho rằng sẽ xem xét đến việc các nhân chứng, trong đó có nhân chứng ở Liên bang Nga và Singapore là ông Goh Hoon Seow, Giám đốc điều hành Công ty AP có liên quan đến vụ án hay không. Ngoài ra, do vụ án sẽ được xử trong nhiều ngày nên HĐXX quyết định tiếp tục tiến hành theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.  

9h15: Luật sư bào chữa cho bị cáo Dương Chí Dũng yêu cầu tòa triệu tập thêm 3 nhân chứng. Trong đó có 2 nhân chứng ở Nga, là đại diện cho bên bán ụ nổi. Trước yêu cầu này, đại diện VKSND giữ quyền công tố tại tòa cho rằng đây là vụ án xét xử bị cáo với tội danh Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản nên không cần triệu tập 2 nhân chứng trên.

8h58: Thẩm phán Tòa Phúc thẩm, TAND Tối cao Nguyễn Văn Sơn ngồi ghế chủ tọa phiên tòa. Chủ tọa phiên tòa giải thích với các bị cáo, đây là phiên tòa phúc thẩm, bản án sẽ có hiệu lực thi hành ngay. Nếu không tán thành với phán quyết, các bị cáo có thể làm đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm gửi lên Viện trưởng VKSND tối cao, Chánh án TAND tối cao.   

Tòa công bố đơn xin xét xử vắng mặt của chị Phan Thị Thảo - người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan

8h30: HĐXX bắt đầu làm việc với phần công bố các thành phần tham dự phiên tòa. Các cơ quan Bộ Tài chính, Cục Đăng kiểm, Bộ GTVT được mời tham gia phiên tòa nhằm làm rõ bản chất vụ án.

Phúc thẩm vụ Dương Chí Dũng: Sẽ có thêm lời khai chấn động

Bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc tại tòa.

8h20: Tòa bắt đầu phiên xử phúc thẩm vụ, Thư ký Tòa đọc nội quy phiên tòa. Các bị cáo có mặt tại tòa. 9 bị cáo kháng cáo bản án sơ thẩm có mặt tại phiên tòa. Riêng bị cáo Bùi Thị Bích Loan, nguyên Kế toán trưởng Vinalines không kháng cáo.

Bị cáo Dương Chí Dũng mặc áo sơ mi trắng, trong khi 8 bị cáo còn lại mặc bộ đồ xanh công nhân.

7h50: Xe chở bị cáo Dương Chí Dũng đã đến cổng tòa, lực lượng công an đã nhanh chóng áp giải bị cáo vào bên trong phòng chờ xét xử. Các bị cáo khác cũng được dẫn vào trong phòng chờ.

Phúc thẩm vụ Dương Chí Dũng: Sẽ có thêm lời khai chấn động

Lực lượng cảnh sát chốt tại các ngã tư gần tòa 

7h40: Những người được mời và triệu tập dự tòa đã khẩn trương làm thủ tục để vào phòng xử.

Phiên tòa xét xử phúc thẩm Dương Chí Dũng và đồng phạm dự kiến kéo dài 3 ngày từ 22 đến 24/4/2014. Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Nguyễn Văn Sơn. Tại phiên tòa có sự tham gia bào chữa của 16 luật sư cho các bị cáo, 25 cơ quan báo chí tham dự đưa tin về phiên tòa. Trong phiên tòa xét xử sơ thẩm Dương Chí Dũng và đồng phạm tháng 12/2013, bị cáo Dương Chí Dũng đã có những lời khai chấn động dư luận. Giới quan sát cho rằng theo diễn biến của vụ án, trong phiên tòa phúc thẩm Dương Chí Dũng sẽ có thể đưa thêm những "lời khai phút thứ 89" nữa.

Được biết, cho đến thời điểm mở tòa, có 9/10 bị cáo của vụ án kháng cáo bản án sơ thẩm của TAND thành phố Hà Nội. Cụ thể, bị cáo Dương Chí Dũng – cựu Chủ tịch Vinalines kháng cáo kêu oan về tội “tham ô tài sản” (tội danh mà bị cáo bị tòa sơ thẩm tuyên phạt án tử hình), xin giảm nhẹ hình phạt về tội “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Bị cáo Mai Văn Phúc – cựu Tổng Giám đốc Vinalines kháng cáo kêu oan đối với cả 2 tội danh này.

Ngoài ra, bị cáo Lê Văn Dương (Đăng kiểm viên Chi cục đăng kiểm số 6 – Cục Đăng kiểm Việt Nam), người cùng đoàn cán bộ của Vinalines sang Nga để khảo sát ụ nổi 83M, kháng cáo kêu oan khi bị tuyên phạt 7 năm tù về tội “cố ý làm trái”.

Các bị cáo khác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt gồm: Nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines, nguyên Phó Trưởng Ban QLDA nhà máy đóng tàu phía Nam của Vinalines Trần Hải Sơn (bị tuyên phạt 22 năm tù cho cả 2 tội danh tham ô tài sản, cố ý làm trái); nguyên Phó tổng giám đốc Vinalines Trần Hữu Chiều (19 năm tù); nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin thuộc Vinalines Mai Văn Khang (7 năm tù); nguyên Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa Huỳnh Hữu Đức, nguyên Đội trưởng Đội Nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong - Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa Lê Ngọc Triện, cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong Lê Văn Lừng (cùng nhận án 8 năm tù).

Theo tin tức trước đó tòa sơ thẩm (tháng 12/2013) đã tuyên phạt các bị cáo với mức án:

Bị cáo Dương Chí Dũng (56 tuổi, quê Hải Dương), nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải): tử hình

Bị cáo Mai Văn Phúc (56 tuổi, quê Hải Phòng), Nguyên Tổng Giám đốc Vinalines, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT): tử hình

Bị cáo Trần Hải Sơn (53 tuổi, quê Hải Phòng), Nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines: 22 năm tù giam.
Bị cáo Trần Hữu Chiều (51 tuổi, quê Hà Nam), nguyên Phó Tổng giám đốc Vinalines: 19 năm tù giam.

Bị cáo Bùi Thị Bích Loan (50 tuổi, quê Hải Phòng), nguyên Kế toán trưởng Vinalines: 4 năm tù giam.

Bị cáo Mai Văn Khang (55 tuổi, quê Nghệ An), nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Vận tải Viễn dương Vinashin thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam: 7 năm tù.

Bị cáo Lê Văn Dương (43 tuổi, quê Hà Nam), Đăng kiểm viên, Chi cục Đăng kiểm số 6, Cục Đăng kiểm Việt Nam: 7 năm tù giam.
Bị cáo Huỳnh Hữu Đức (48 tuổi, quê Khánh Hòa), nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa, nguyên Phó Chánh văn phòng Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa: 8 năm tù giam.

Bị cáo Lê Ngọc Triện (49 tuổi, quê Phú Yên), Đội trưởng Đội Nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong, Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa: 8 năm tù giam.

Bị cáo Lê Văn Lừng (54 tuổi, quê Thanh Hóa), Cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa: 8 năm tù giam.

Về trách nhiệm dân sự, buộc các bị cáo phải bồi thường cho Nhà nước gần 367 tỷ đồng. Kê biên 3 ngôi nhà của bị cáo Dương Chí Dũng tại Hà Nội; kê biên 1 ngôi nhà tại Quảng Ninh của bị cáo Mai Văn Phúc.

Nhóm phóng viên

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news