Tin mới

Khách VIP đến Việt Nam được ở khách sạn 5,5 triệu/ngày, ăn 1,2 triệu/ngày

Thứ tư, 15/11/2017, 15:22 (GMT+7)

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư quy định chế độ tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chế độ hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chế độ tiếp khách trong nước.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư quy định chế độ tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chế độ hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chế độ tiếp khách trong nước.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì tiệc chiêu đãi các lãnh đạo tham dự APEC 2017. Ảnh: TTXVN

Dự thảo nêu rõ nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiếp khách nước ngoài làm việc tại Việt Nam, chế độ tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chế độ tiếp khách trong nước gồm: Ngân sách nhà nước; nguồn thu phí được để lại theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí; nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp, dịch vụ của đơn vị sự nghiệp công lập; nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

Dự thảo cũng đề xuất về chế độ tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam do Việt Nam đài thọ toàn bộ chi phí ăn ở, đi lại trong nước. Cụ thể:

Về việc thuê chỗ ở cho các khách nước ngoài làm việc, dự thảo quy định:

Với khách hạng đặc biệt, tiêu chuẩn thuê phòng ở khách sạn do thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ đón tiếp phê duyệt.

- Đoàn là khách hạng A: Trưởng đoàn mức tối đa 5.500.000 đồng/người/ngày; Phó đoàn mức tối đa 4.500.000 đồng/người/ngày; đoàn viên mức tối đa 3.500.000 đồng/người/ngày.

- Đoàn là khách hạng B: Trưởng đoàn, Phó đoàn mức tối đa 4.500.000 đồng/người/ngày; đoàn viên mức tối đa 2.800.000 đồng/người/ngày.

- Đoàn khách hạng C: Trưởng đoàn mức tối đa 2.800.000 đồng/người/ngày; đoàn viên mức tối đa 2.000.000 đồng/người/ngày.

Đối với đón, tiễn khách tại sân bay, chi tặng hoa cho các đối tượng sau:

Thành viên đoàn đối với khách hạng đặc biệt và khách hạng A; trưởng đoàn và đoàn viên là nữ đối với khách hạng B; trưởng đoàn là nữ đối với khách hạng C. Khung mức chi tặng hoa tối đa 500.000 đồng/1 người.

Trường hợp do yêu cầu đối ngoại đặc biệt cần thuê phòng theo tiêu chuẩn cao hơn mức quy định tối đa nêu trên, thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì tiếp khách quyết định mức chi thuê phòng trên tinh thần tiết kiệm và phải tự sắp xếp trong phạm vi dự toán ngân sách được cấp có thẩm quyền giao để thực hiện.

Về tiêu chuẩn ăn hàng ngày (bao gồm 2 bữa trưa, tối):

Khách hạng đặc biệt, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ đón tiếp phê duyệt trong chương trình, đề án đón đoàn.

Đoàn là khách hạng A tối đa 1.200.000 đồng/ngày/người; đoàn là khách hạng B tối đa 900.000 đồng/ngày/người; đoàn là khách hạng C tối đa 700.000 đồng/ngày/người; khách mời quốc tế khác tối đa 500.000 đồng/ngày/người.

Về chi tặng phẩm:

Dự thảo nêu rõ tặng phẩm là sản phẩm do Việt Nam sản xuất và thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, mức chi cụ thể như sau:

Đối với khách hạng đặc biệt: Thủ trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ đón tiếp phê duyệt trong chương trình, đề án đón đoàn.

- Đối với khách hạng A: Trưởng đoàn mức tối đa không quá 1.300.000 đồng/người; các đại biểu khác mức chi tối đa không quá 400.000 đồng/người.

- Đối với khách hạng B: Trưởng đoàn mức tối đa không quá 800.000 đồng/người; các đại biểu khác mức chi tối đa không quá 400.000 đồng/người.

- Đối với khách hạng C: Trưởng đoàn mức tối đa không quá 600.000 đồng/người; các đại biểu khác mức chi tối đa không quá 400.000 đồng/người…

Đối tượng được mời cơm là UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, căn cứ tình hình thực tế và khả năng ngân sách địa phương quy định cụ thể đối tượng khách được mời; mức chi mời cơm; mức chi giải khát (cao hơn hoặc thấp hơn quy định tại Thông tư này) đối với từng loại hình cơ quan thuộc tỉnh, trình HĐND tỉnh trước khi ban hành.

Tương tự, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quy định cụ thể đối tượng khách được mời cơm; mức chi mời cơm; mức chi giải khát cho phù hợp với đặc điểm hoạt động của các cơ quan trực thuộc Bộ, ngành đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Trường hợp các Bộ, ngành, địa phương chưa ban hành văn bản quy định cụ thể thì thủ trưởng cơ quan căn cứ khung mức chi quy định tại Thông tư này quy định cụ thể đối tượng khách được mời cơm, mức chi mời cơm cho phù hợp.

Các cơ quan chỉ được sử dụng từ nguồn kinh phí được giao thực hiện chế độ tự chủ và các nguồn thu hợp pháp khác để chi mời cơm khách và phải được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Đức Hòa (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news