Tin mới

Hội miền Quan họ múa bikini "bỏng mắt": Hãy ứng xử văn hóa với phong tục cổ truyền!

Thứ năm, 25/02/2016, 08:48 (GMT+7)

Hình ảnh lễ hội truyền thống của Việt Nam đang bị hoen ố bởi màn mặc bikini múa kích dục của các cô gái tại lễ hội xuân Kim Thiều (xã Hương Mạc, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh).

Hình ảnh lễ hội truyền thống của Việt Nam đang bị hoen ố bởi màn mặc bikini múa "bỏng mắt" của các cô gái tại lễ hội xuân Kim Thiều (xã Hương Mạc, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh).

[mecloud]YG907kVK5I[/mecloud]

Sau những biến tướng, hành vi phản cảm từ việc ẩu đả, giẫm đạp lên nhau để giành lộc của người tham gia lễ hội phết Hiền Quan (Phú Thọ), lễ khai ấn đền Trần (Nam Định), thì mới đây, hình ảnh lễ hội truyền thống của Việt Nam lại tiếp tục ảnh hưởng bởi màn mặc bikini múa kích dục của các cô gái tại lễ hội xuân Kim Thiều (xã Hương Mạc, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh).

Màn múa nóng bỏng của các vũ công trong lễ hội thôn Kim Thiều. Ảnh cắt từ clip

Tại đoạn video clip dài khoảng 2 phút phát tán trên mạng từ một người tham gia lễ hội ghi lại màn múa này cho thấy, tại khu vực được xác định là Nhà văn hóa làng Kim Thiều, trong âm thanh kích động, 4-5 cô gái trong trang phục hở hang đang say sưa uốn éo, lắc hông.

Đoạn video clip cũng cận cảnh nét mặt một số phụ nữ có mặt tại lễ hội ngượng ngùng, xấu hổ, còn người cao tuổi thì lắc đầu ngán ngẩm quay đi. Tuy nhiên, trái với hình ảnh đó là nét mặt phấn khởi, hào hứng của khá đông đám thanh niên địa phương trước những vũ điệu có phần mang tính gợi dục của dàn chân dài.

Trước sự việc ồn ào, gây bức xúc dư luận này, chúng tôi đã tìm hiểu về lễ hội xuân Kim Thiều cũng như vụ việc diễn ra tại sự kiện này. Được biết, lễ hội truyền thống của thôn Kim Thiều xã Hương Mạc, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh, được coi là sự kiện văn hóa, tâm linh “nhất niên, nhất lệ” (Lễ hội hàng đầu, đầu năm mới của làng) của điạ phương có nghề mộc nổi tiếng hàng đầu đất Bắc. Lễ hội còn mang ý nghĩa giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, xây dựng ý thức trong thế hệ trẻ, dù đi đâu, làm nghề gì cũng phải nhớ về quê cha, đất tổ.

Quan trọng nhất lễ hội là lễ dâng hương, mở cửa đình. Đình làng Kim Thiều thờ thần hoàng làng Trịnh Khắc Minh, người có công giúp dân đánh giặc, bảo vệ đất nước vào thế kỷ 15. Đình làng còn lưu nhiều tài liệu quý hiếm như Hương án, nội dung thần tích, sắc phong và các đồ thờ tự phản ánh về lịch sử. Đây cũng là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng. Vào những ngày lễ hội truyền thống đã thu hút đông đảo nhân dân hướng về cội nguồn, đoàn kết cộng đồng, phát huy thuần phong mỹ túc quê hương đất nước.

Trao đổi với phóng viên về sự việc gây điều tiếng xảy ra tại lễ hội, ông Đàm Đình Quang - Chủ tịch xã Hương Mạc xác nhận có sự việc đó và cho biết: Thôn Kim Thiều mời các đội bóng chuyền về làng để thi đấu cho dân làng xem nên các vũ công biểu diễn màn múa bikini là do ban tổ chức của các đội bóng chuyền mời về biểu diễn trong thời gian nghỉ giữa các trận đấu chứ không phải do ban tổ chức lễ hội thôn và xã mời.

"Về quy định tổ chức lễ hội có được phép ăn mặc như thế hay không thì chúng tôi cũng không nắm được. Nhưng khi đội bóng mời đội vũ công đó về thì chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều nhau", ông Quang giải thích.

Đem sự việc trên trao đổi với PGS.TS. Lê Quý Đức, Nguyên phó viện trưởng viện Văn hóa và Phát triển - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ông Đức cho biết: Có rất nhiều cách tiếp cận và điểm nhìn khác nhau về lễ hội. Lễ hội dân gian là sự kiện văn hóa để tưởng nhớ, tỏ lòng tri ân công đức của các vị thần, thể hiện sức mạnh của cộng đồng làng xã và rộng hơn là của quốc gia, dân tộc.

PGS. TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh)

Lễ hội là dịp để con người trở về với cội nguồn, được giải tỏa, giãi bày âu lo, phiền muộn với thần linh, mong được các vị thần giúp đỡ chở che để vượt qua những thách thức trong cuộc sống đời thường. Lễ hội cũng là nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp dân cư; là hình thức giáo dục để các thế hệ sau giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc...

Theo PGS.TS. Lê Quý Đức, từ trước tới giờ chưa bao giờ có trường hợp thuê vũ công mặc bikini phản cảm về múa trong lễ hội truyền thống của làng. Thường trong các lễ hội có phần lễ và phần hội, trong phần hội sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao. "Cụ thể trong lễ hội của làng  Kim Thiều thì việc đưa phần múa bikini vào sẽ làm cho đa số người xem thấy phản cảm, chưa phù hợp, đặc biệt là với những người cao tuổi", ông Đức nhấn mạnh.

Cũng theo PGS.TS. Lê Quý Đức, để xảy ra sự việc điều tiếng trên thì đầu tiên phải xét đến trách nhiệm của những người đứng ra tổ chức, quản lý lễ hội làng. Họ đã không kiểm soát, quản lý tốt để cho tiết mục múa bikini xuất hiện trong lễ hội khiến nhiều người xem phản đối, thấy phản cảm.

"Đây là một trường hợp để những đơn vị tổ chức lễ hội khác nhìn vào và rút kinh nghiệm", Ông Đức thẳng thắn chỉ rõ.

Trước đó, dư luận từng nổ ra nhiều luồng ý kiến trái chiều về màn múa bikini nóng bỏng này. Một bộ phận người dân cho rằng, đó là sự đổi mới trong tổ chức lễ hội. Bởi lẽ "lễ hội thì cũng nên tạo không khí thoải mái vui tươi, đổi mới và hội nhập". Tuy nhiên, phần lớn ý kiến ngược lại phản đối với quan điểm "lễ hội làng truyền thống mà nhảy nhót ăn mặc như vậy là không phù hợp và không nên tái diễn".

Có ý kiến lại nhắc nhở: Lễ hội dân gian truyền thống ở làng quê Việt Nam giờ "máu lửa" cứ như lễ hội Carnival với vũ điệu Samba tại thủ đô Rio de Janeiro trên đất nước Brazil!

Ảnh cắt từ clip.

Song, không ít ý kiến tỏ ra gay gắt: Đó là sự biến tướng của một lễ hội truyền thống. Những người tổ chức và những người xem, cổ vũ màn múa có phần kích dục trên bộc lộ thái độ ứng xử, phông văn hóa bị "hổng". Họ thiếu hiểu biết về giá trị và ý nghĩa của lễ hội nên dẫn đến sự thái quá và phản cảm trong hành động.

Thu Trang

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news