Tin mới

Nghi vấn CSGT truy đuổi người vi phạm, 1 người chết: Luật sư nói gì?

Thứ năm, 25/02/2016, 10:11 (GMT+7)

Công an huyện Phù Cừ xác nhận vụ tai nạn giữa 2 xe máy khiến 1 người chết 1 người bị thương. Về thông tin cho là có CSGT truy đuổi thì mới chỉ là nghi vấn?

Công an huyện Phù Cừ xác nhận vụ tai nạn giữa 2 xe máy khiến 1 người chết 1 người bị thương. Về thông tin cho là có CSGT truy đuổi thì mới chỉ là nghi vấn?

Tin tức mới đây, một vụ Tai nạn giao thông xảy ra giữa 2 xe máy tại đoạn đường làng Đông Cáp (Đoàn Đào - Phù Cừ - Hưng Yên) khiến 1 người chết và 1 người trọng thương đang được cấp cứu.

Nạn nhân là Lê văn Duyệt sinh (SN 1995) và Nguyễn Năng Nên, cùng trú tại An Lạc (Đức Thắng – Tiên Lữ - Hưng Yên).

Nhiều nguồn tin đặt nghi vấn cho rằng, thời điểm xảy ra vụ tai nạn có việc 2 CSGT (chưa rõ danh tính) dùng xe đặc chủng BKS 89A1 000.95 đuổi theo người vi phạm là anh Nên và anh Duyệt.

Theo Đại tá Phạm Văn Đình - Trưởng Công an huyện Phù Cừ (Hưng Yên): “Đây chỉ là nghi vấn. Hiện Giám đốc đã chỉ đạo công an tỉnh thành lập đoàn điều tra, xác minh, làm rõ và sẽ có câu trả lời với báo chí sau.”

Tuy nhiên, dư luận đặt câu hỏi rằng trong trường hợp nào CSGT được truy đuổi người vi phạm, nếu có việc truy đuổi thì CSGT sẽ bị xử lý thế nào?

Hiện trường vụ tai nạn - (Ảnh: FB).

Trả lời câu hỏi này, PV Người đưa tin đã trao đổi nhanh với luật sư Giang Hồng Thanh - Văn phòng Luật sư Giang Thanh (Đoàn luật sư Hà Nội).

Nhìn nhận nghi vấn sự việc, luật sư Thanh cho hay: Việc cán bộ tuần tra, kiểm soát giao thông đuổi bắt người vi phạm giao thông khi người vi phạm bỏ chạy khiến người vi phạm gây tai nạn cho người khác hoặc chính bản thân người đó gặp tai nạn là vấn đề đã được nhắc đến từ lâu nay, bởi lẽ trên thực tế đã nhiều vụ việc tương tự xảy ra.

Luật sư Thanh khẳn định: Đầu tiên cần phải khẳng định rằng, trong những vụ việc như thế này, lỗi đầu tiên thuộc về người vi phạm giao thông. Điều 4 khoản 5 luật Giao thông đường bộ quy định: “Người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện tham gia giao thông đường bộ”. Cũng tại Luật này, Điều 11 khoản 2 quy định: “Khi có người điều khiển giao thông thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông”.

"Thế nhưng, thay vì chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông thì người vi phạm lại bất tuân và bỏ chạy. Hành vi này đã đẩy họ vào tình huống gây nguy hiểm cho tất cả mọi người." - Luật sư lên án.

Theo luật sư Thanh: Về phía cán bộ chiến sỹ cảnh sát giao thông, các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay chưa có quy định cụ thể về việc trong trường hợp nào được đuổi theo, trường hợp nào không.

Tại Thông tư số 01/2016/TT-BCA ngày 04 tháng 01 năm 2016 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông, Điều 5 khoản 3 quy định cán bộ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ có quyền: “Được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật”. Điều 15 khoản 1 Thông tư này quy định: “Khi phát hiện có hành vi vi phạm, cán bộ tuần tra, kiểm soát được phân công nhiệm vụ phải kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính, trừ trường hợp xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản. Trường hợp cần ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính hoặc để bảo đảm cho việc chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì Tổ trưởng Tổ tuần tra, kiểm soát phải quyết định hoặc báo cáo người có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính.”

Nhưng biện pháp ngăn chặn là gì, có bao gồm biện pháp truy đuổi hay không thì chưa được cụ thể, rõ ràng.

Tuy nhiên Điều 12 Thông tư này nêu rõ, ”Việc dừng phương tiện phải bảo đảm các yêu cầu sau:a) An toàn, đúng quy định của pháp luật”

Như vậy là mặc dù luật không quy định rõ ràng về việc cho phép hay không cho phép đuổi theo người vi phạm giao thông, nhưng dù thực hiện biện pháp nào cũng phải đảm bảo an toàn cho mọi người.

Trên quan điểm cá nhân, luật sư đưa ra nhận định cho rằng: "Chiến sỹ cảnh sát giao thông nói riêng và các lực lượng khác nói chung không nên truy đuổi quyết liệt người nào chỉ vì người đó vi phạm quy tắc giao thông. Có nhiều biện pháp nghiệp vụ để xử lý sau đó chứ không nhất thiết phải truy bắt cho bằng được, dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, cần phải có những chế tài xử lý nghiêm khắc hơn nữa đối với người vi phạm bỏ chạy, không tuân theo hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, bởi lẽ hành vi này không chỉ cho thấy sự chống đối, coi thường pháp luật của người vi phạm, mà hành vi đó còn gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng cho những người tham gia giao thông xung quanh."

 

Theo thông tin từ báo chí, thời điểm trên, anh Nguyễn Năng Nên (trú tại An Lạc – Đức Thắng – Tiên Lữ - Hưng Yên) điều khiển xe máy không biển số chở anh Lê văn Duyệt sinh 14/2/1995 trú cùng thôn trên đường đi xin việc.

Khi đến đoạn Cầu Cáp Xã Đoàn Đào, Huyện Phù Cừ, Hưng Yên, thì bị CSGT ra hiệu dừng xe để kiểm tra vi phạm luật giao thông. Tuy nhiên, anh Nên không dừng lại mà cho xe bỏ chạy. Thấy vậy, hai CSGT (chưa rõ danh tính) dùng xe đặc chủng BKS 89A1 000.95 đuổi theo.

Anh Nên cho xe chạy vào thôn Đông Cáp xã Đoàn Đào, huyện Phù Cừ thì bất ngờ xảy ra va chạm với xe máy BKS 89H1 – 116.30 do một người đàn ông (chưa rõ danh tính) điều khiển.

Cú va chạm mạnh khiến anh Duyệt và anh Nên ngã xuống đường bị thương nặng, anh Duyệt bị toạc gáy, máu chảy không ngừng.

Phát hiện vụ tai nạn người dân tại đây đã chặn xe của CSGT, yêu cầu hai CSGT này đưa nạn nhân vào viện cấp cứu. Tuy nhiên anh Duyệt đã tử vong do gãy đốt sống cổ số 7. Sau khi đưa nạn nhân vào viện, CSGT đã tháo biển tên, cởi áo bỏ lại bệnh viện.

Hiện nguyên nhân vụ việc đang được điều tra làm rõ.

   

Thu Trần

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: công an CSGT