Tin mới

Nghiên cứu của PGS-TS Bùi Hiền không có cơ sở khoa học, tạo nên sự đứt gãy văn hóa

Thứ tư, 27/12/2017, 09:52 (GMT+7)

Theo GS.TS Nguyễn Văn Lợi - nguyên Phó viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, công trình nghiên cứu cải tiến nguyên âm của PGS.TS Bùi Hiền không có cơ sở khoa học, không phản ánh đúng bản chất ngữ âm của các nguyên âm.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Lợi - nguyên Phó viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, công trình nghiên cứu cải tiến nguyên âm của PGS.TS Bùi Hiền không có cơ sở khoa học, không phản ánh đúng bản chất ngữ âm của các nguyên âm. 

PGS. TS Bùi Hiền nguyên là Phó hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó viện trưởng Viện Nội dung và Phương pháp dạy học phổ thông.

Trong khi dư luận vẫn chưa hết xôn xao về phần đầu của nghiên cứu cải tiến tiếng Việt trước đây, PGS.TS Bùi Hiền mới đây đã quyết định công bố phần 2 sớm hơn dự định.

Công trình này được xem là thành quả 40 năm qua của tác giả dù nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Ban đầu ông dự tính sẽ trình tác phẩm hoàn chỉnh tại hội thảo khoa học tháng 3/2018. Tuy nhiên chiều 25/12 trên trang Facebook cá nhân, PGS.TS Bùi Hiền đã đăng tải những hình ảnh đầu tiên về công trình.

Toàn bộ đề xuất cải tiến tiếng Việt dài 16 trang, gồm hai phần: nguyên âm và phụ âm. Phần thứ nhất được cư dân mạng truyền tay hồi đầu tháng 12 chỉ mới đề cập đến cải tiến hệ thống phụ âm. Lần này, PSG.TS Bùi Hiền hoàn thiện về phần nguyên âm của tiếng Việt, tất cả đều trên nguyên tắc "một âm - một ký tự".

Mặc dù PGS.TS Bùi Hiền giải thích tiếng Việt do ông đề xuất chỉ ảnh hưởng đến cách viết còn cách phát âm vẫn được giữ nguyên, nhiều người vẫn không hài lòng khi hàng loạt từ, bao hàm tên riêng của họ, bị biến tấu một cách kỳ cục.

"Em không phải nhà nghiên cứu ngôn ngữ học, cũng không có kiến thức về hệ thống chữ viết, phát âm. Nhưng em thấy hệ thống ngôn ngữ mới có vấn đề nên sẽ không ủng hộ. Ví dụ, Trần Thanh Tài = Cần Wan' Tài; khúc khích = xúk xík = xúc xích…", một độc giả bày tỏ.

Không ít người cho biết họ phản cảm với tiếng Việt mới khi việc sửa đổi hệ thống chữ cái khiến cách viết có vẻ "lai căng", đánh mất tính thẩm mỹ vốn có.

Yếu tố văn hóa cũng là nguyên nhân dân mạng phản đối việc sửa đổi quốc ngữ. Với họ, tiếng Việt đã thấm nhuần vào máu thịt, cần được giữ gìn.

Không những thế, việc sửa hệ thống chữ viết dẫn đến nhiều hệ lụy, tiêu tốn không ít để biên soạn lại hệ thống văn bản, sách, tư liệu. Do đó, dù cách viết mới tiết kiệm 8% giấy, mọi người vẫn cho rằng đổi chữ viết sẽ mất nhiều hơn được.

Phần lớn dân mạng phản đối đều kêu gọi tác giả "nghĩ lại" vì không phải ngẫu nhiên hơn 90% người phản đối đề xuất của ông. Họ khẳng định đề xuất thiếu thực tiễn và chắc chắn không thể được áp dụng.

Bàn luận về đề xuất của ông Bùi Hiền dưới góc độ chuyên môn, GS.TS Nguyễn Văn Lợi - nguyên Phó viện trưởng Viện Ngôn ngữ học cho rằng, những đề xuất của PGS. Bùi Hiền phần 2 liên quan đến cách viết nguyên âm. Trong đó vấn đề thứ nhất liên quan đến cách viết nguyên âm đôi. Theo ông Bùi Hiền, để tuân thủ triệt để nguyên tắc “1 âm – 1 chữ, 1 chữ - 1 âm”, “phải trả lại cho các âm ô, ơ, ê về đúng vị trí của nó và chữ a được trở về đảm nhiệm biểu đạt một âm vị /a/ của mình như các chữ cái khác trong tiếng Việt”.  

Tiếng Việt có 3 nguyên âm đôi ia (iê), ưa (ươ), ua (uô). Trên chữ quốc ngữ, mỗi nguyên âm đôi có 2 cách viết: viết bằng tổ hợp con chữ có yếu tố thứ hai là a, khi không có con chữ chỉ âm cuối như: tia, tưa, tua; viết bằng iê, ươ, uô khi đứng sau có con chữ chỉ âm cuối như: tiếc, tươm, tuôn. Cách viết trên thể hiện quan niệm của những người làm chữ quốc ngữ, có tính hợp lý về ngữ âm học và sư phạm.

Ông Hiền đề nghị trong mọi trường hợp, yếu tố thứ hai đều viết bằng ê, ví dụ tiê, tiết; tuô, tuôn; tươ, tươm.  Phân tích về ngữ âm học (âm học và cách phát âm) chỉ ra rằng các nguyên âm đôi trên có yếu tố thứ hai không phải là ê, ơ, ô như quan niệm của ông Bùi Hiền, mà là nguyên âm ơ. Do vậy, đề xuất của ông khôngđúng với bản chất của các nguyên âm đôi trên, và chưa đảm bảo nguyên tắc “1 âm -1 chữ, 1 chữ-1 âm”.  

Ngoài ra, nếu tia, tua, tưa viết thành tiê, tuô, tươ sẽ không tiết kiệm thời gian (thêm dấu phụ khi viết, gỗ 2 nhịp khi đánh máy vi tính, không tiết kiệm không gian (giấy) khi viết, đánh máy- điều mà ông luôn nhấn mạnh.

Vấn đề thứ hai liên quan chủ yếu đến con chữ Y và con chữ I. Theo ông Hiền, trong tiếng Việt “tất cả các nguyên âm đều tạo thành những cặp đôi dài >

Theo GS Lợi, những người nghiên cứu ngữ âm học tiếng Việt trong nước và ngoài nước từ trước đến nay, không ai có quan niệm như ông Bùi Hiền, rằng “tất cả các nguyên âm đều tạo thành những cặp đôi dài >< ngắn).  Hiện nay, có thể viết “lưỡng khả”: Mỹ/ Mĩ; Lý/Lí, Sỹ/Sĩ.  Cần phải có quy chuẩn để viết Y/I: nhất loạt hay phân biệt (ví dụ, từ Hán Việt viết Y). Cách viết phân biệt y >< i, để phản ánh 2 nguyên âm có trường độ dài/ngắn dài khác nhau- như ý kiến của ông Bùi Hiền là không đúng.

"Các đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền thể hiện rõ ông không phân biệt các khái niệm: âm và chữ (âm vị /i/ và chữ Y, I), nguyên âm đơn (nguyên âm a, ê, ô) và yếu tố của nguyên âm đôi (a, ê, ô, ơ). 

Tóm lại, cũng như những đề xuất cải tiến cách viết các phụ âm, những đề xuất cải tiến cách viết nguyên âm của PGS.TS Bùi Hiền không có cơ sở khoa học: không phản ánh đúng bản chất ngữ âm của các nguyên âm. Việc lựa chọn ký hiệu không hệ thống, tùy tiện, vi phạm nguyên tắc sư phạm (nguyên tắc “dễ học, dễ nhớ”), gây khó khăn cho người học (nhất là trẻ em)", GS.TS Lợi đánh giá.

Chung quan điểm với đại đa số, GS Lợi cũng cho rằng, các đề xuất của ông Bùi Hiền khó áp dụng thực tiễn do tạo nên sự đứt gãy văn hóa. Bên cạnh đó là tốn kém kinh tế do phải học chữ quốc ngữ “mới”, còn thế hệ sau lại phải học chữ quốc ngữ hiện hành để đọc các văn bản, tác phẩm đã có; phải in lại hàng triệu tác phẩm kinh điển về văn học, chính trị, giáo dục…  

Ngoài ra, chữ cải tiến của PGS.TS Bùi Hiền sẽ gây khó khăn cho người dân tộc thiểu số học chữ quốc ngữ. Nhiều dân tộc thiểu số đã có chữ viết dựa trên tự dạng La Tinh, có cách ghi phụ âm, nguyên âm gần với cách ghi chữ quốc ngữ. "Sự gần gũi chữ dân tộc thiểu số và chữ quốc ngữ giúp người dân tộc thiểu số sau khi học chữ của mình, dễ dàng chuyển sang học chữ quốc ngữ. Chữ cải tiến của ông Bùi Hiền tạo nên sự “đứt gãy” từ chữ dân tộc thiểu số sang chữ quốc ngữ", GS Lợi nêu vấn đề.

Đức Hòa (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news