Tin mới

Người lao động hưởng 300% lương, tăng lũy tiến nếu làm thêm vào ngày nghỉ lễ, Tết

Thứ tư, 29/05/2019, 19:11 (GMT+7)

Chiều nay (29/5), Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã trình bày Tờ trình về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Dự án Bộ luật Lao động được dư luận đặc biệt quan tâm trong suốt thời gian qua, hôm nay (29/5) Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ sẽ trình bày Tờ trình về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Thông tin trên Tri Thức Trực Tuyến đăng tải, tại buổi làm việc hôm nay, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) và nghe Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: Zing.vn

Theo đó, sẽ có nhiều điểm mới trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) như: Mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa; điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu; thời gian nghỉ lễ…

Cụ thể, Bộ luật Lao động hiện hành quy định số giờ làm thêm tối đa của người lao động là không quá 50% số giờ làm việc bình thường/ngày, 30 giờ/tháng và tổng số không quá 200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm.

Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động và tăng sự linh hoạt trong bố trí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người lao động mong muốn nâng giới hạn giờ làm thêm để có điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, Ban soạn thảo thấy rằng việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ tối đa là cần thiết và áp dụng trong một số trường hợp đặc biệt, đối với một số ngành nghề sản xuất kinh doanh nhất định.

Tại dự thảo, Ban soạn thảo đề xuất mức mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt này sẽ tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành: từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm. Và để khắc phục những tác động tiêu cực về làm thêm giờ và bảo đảm sức khỏe trước mắt cũng như lâu dài cho người lao động, dự thảo quy định: Trong mọi trường hợp huy động làm thêm giờ, người sử dụng lao động phải thỏa thuận với người lao động. Chỉ khi được người lao động đồng ý thì mới được huy động làm thêm giờ. Người lao động làm việc theo ca được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca làm việc khác…

“Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung quy định hai bên thỏa thuận trả lương lũy tiến cao hơn mức trên để bảo đảm ổn định và phát triển của doanh nghiệp cũng như bảo vệ quyền lợi tiền lương của người lao động”, Bộ trưởng Lao động nhấn mạnh.

Ngoài ra, Về thời gian nghỉ Tết Âm lịch, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, quy định nghỉ Tết trong Bộ luật Lao động 2012 đã được thực hiện từ 1/5/2013 và đã được đa số nhân dân ủng hộ. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng kỳ nghỉ Tết Âm lịch của Việt Nam là dài so với một số quốc gia trong khu vực, có thể làm ảnh hưởng gián đoạn kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gia công sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu, hiệu quả thực hiện công việc không cao sau khi trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết dài.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news