Tin mới

Ông Đinh La Thăng bồi thường 630 tỷ đồng thế nào khi chưa bị kê biên tài sản?

Thứ hai, 02/04/2018, 10:23 (GMT+7)

Trong 2 vụ án, TAND TP.Hà Nội tuyên bị cáo Đinh La Thăng phải bồi thường tổng cộng 630 tỉ đồng. Số tiền này ông Thăng sẽ bồi thường như thế nào khi chưa bị kê biên tài sản?

Trong 2 vụ án, TAND TP.Hà Nội tuyên bị cáo Đinh La Thăng phải bồi thường tổng cộng 630 tỉ đồng. Số tiền này ông Thăng sẽ bồi thường như thế nào khi chưa bị kê biên tài sản?

Theo tin tức từ Người lao động, sáng nay 30/3 về việc TAND TP Hà Nội trong phiên xử sơ thẩm ông Đinh La Thăng, nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên (HĐQT/HĐTV) Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), và đồng phạm cố ý làm trái trong khi PVN góp vốn vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) gây thiệt hại 800 tỉ, đã tuyên ông Đinh La Thăng ngoài hình phạt 18 năm tù, phải bồi thường 600 tỉ đồng, ông Phạm Công Hùng, nguyên Chánh án TAND Tối cao tại TP HCM, cho biết trách nhiệm dân sự phải bồi thường, Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên án dựa vào hành vi, mức độ vi phạm và hậu quả gây ra.

Trước đó, trong vụ án cố ý làm trái liên quan đến dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 xét xử hồi đầu năm, TAND TP.Hà Nội xác định các bị cáo đã gây thiệt hại nhà nước gần 120 tỉ đồng; bị cáo Thăng ngoài mức án 13 năm tù bị buộc bồi thường 30 tỉ đồng.

Dù bị tuyên buộc bồi thường với số tiền nêu trên song tài liệu được công bố của hai vụ án không thể hiện ông Đinh La Thăng bị kê biên tài sản.

Trong vụ án xảy ra ở PVN và PVC khi thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, kết luận điều tra cũng như cáo trạng thể hiện quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra đã kê biên tài sản của nhiều bị cáo. Điển hình là khối tài sản gồm bất động sản, ôtô, tài khoản ngân hàng, chứng khoán của ông Trịnh Xuân Thanh cùng vợ con ông này. Nhiều bị cáo là sếp tại PVC cũng đã nộp hoặc bị tạm giữ hàng chục tỷ đồng.

Ông Đinh La Thăng ở phiên tòa cuối tháng 3/2018. Ảnh: TTXVN.

Tại vụ án thứ hai gây thiệt hại 800 tỷ của PVN, cáo trạng cũng thể hiện trong quá trình điều tra cựu kế toán trưởng PVN Ninh Văn Quỳnh đã bị cơ quan điều tra thu giữ hơn 20 tỷ đồng. Số tiền này là kết quả của việc kê biên nhiều tài sản như sổ tiết kiệm, bất động sản, chứng khoán, ngoại tệ, tiền mặt, tài khoản ngân hàng...

Trao đổi với Người lao động, luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết khi bản án có hiệu lực, việc bồi thường sẽ được chuyển sang cơ quan thi hành án dân sự để thực hiện.

"Sau đó, cơ quan thi hành án dân sự sau ra quyết định thị hành án. Đối với những tài sản của ông Đinh La Thăng mà phía gia đình tự nguyện bàn giao thì cơ quan chức năng sẽ tiến hành kê biên, bán phát mại để thu tiền về ngân sách nhà nước"-luật sư Trần Tuấn Anh nói.

Trong khi đó, trao đổi với Thanh Niên, một điều tra viên của Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết do không xác định được ông Thăng có động cơ vụ lợi, tham nhũng trong các hành vi cố ý làm trái nên cơ quan điều tra đã không thực hiện việc kê biên.

Theo luật sư (LS) Phạm Văn Phất (Đoàn LS TP.Hà Nội), quy định hiện hành thì các cơ quan tố tụng chỉ kê biên khi xác định các hành vi phạm tội có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản. Đối với nhóm tội cố ý làm trái, có thể kê biên hoặc không và đây là quyền của cơ quan tố tụng. “Vì đây không phải là nghĩa vụ nên cơ quan tố tụng có thể làm hoặc không làm”, LS Phất nói.

Mặt khác, việc kê biên tài sản (nếu có) thường được thực hiện ở quá trình điều tra. "Nếu không thì dù bản án sơ thẩm tuyên người phạm tội phải bồi thường số tiền lớn, việc kê biên cũng không được tiến hành. Chờ khi bản án cuối cùng có hiệu lực, chuyển sang giai đoạn thi hành án, khi đó nhà chức trách mới được kê biên", vị này nói.

Cũng theo thông tin trên Vnexpress, trong vụ án thứ hai liên quan tới việc làm mất 800 tỷ đồng vốn của PVN, ông Thăng hiện còn hơn 10 ngày để quyết định có kháng cáo hay không (theo luật có quyền kháng cáo trong 15 ngày kể từ khi toà tuyên án), một luật sư cho rằng, iả sử diễn ra phiên phúc thẩm thì một trong những căn cứ để TAND Cấp cao xem xét giảm nhẹ hình phạt với ông Thăng là việc khắc phục thiệt hại.

Luật quy định như vậy song không nói rõ bồi thường với tỷ lệ bao nhiêu so với phần tuyên buộc của bản án sơ thẩm thì mức giảm án tương ứng sẽ thế nào. Do vậy, nếu ông Thăng chủ động bồi thường trước khi mở phiên phúc thẩm thì việc đánh giá mức độ khắc phục thiệt hại để xét có giảm nhẹ hình phạt hay không sẽ phụ thuộc vào đánh giá của HĐXX.

Theo nhiều luật sư, trong trường hợp, cả hai bản án đều tuyên giữ nguyên hình phạt và mức bồi thường của bản án sơ thẩm thì việc tuyên ông Thăng phải bồi thường 630 tỷ đồng thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật trong đấu tranh, phòng ngừa tội phạm. Tuy nhiên, tính khả thi của việc thu hồi số tiền này, nhiều luật sư đánh giá sẽ "cực kỳ khó", thậm chí "không tưởng".

Theo phân tích của luật sư, việc chưa kê biên tài sản của ông Thăng có thể sẽ gây khó khăn trong thi hành án. Nếu người bị kết tội không tự nguyện bồi thường thì trách nhiệm xác minh, kê biên tài sản sau này thuộc về cơ quan thi hành án.

Trong khi đó, một cán bộ thi hành án với nhiều năm kinh nghiệm cho hay, khi thi hành phần dân sự các đại án hình sự, việc thu hồi tiền bồi thường gặp "vô vàn khó khăn". Với tài sản không kê biên trước đó, công việc lại càng khó. 

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Dương Thanh Biểu, nguyên Phó viện trưởng Viện KSND tối cao, cho biết việc thu hồi tài sản tham nhũng cũng như khắc phục hậu quả thiệt hại từ các vụ án cố ý làm trái từ trước đến nay đều rất khó. Nguyên nhân chính là việc quản lý dòng tiền của VN còn lỏng lẻo, các khoản thu nhập không minh bạch, không đi qua ngân hàng mà đi qua đường “cặp táp”, của chìm của nổi, nên không ai biết những người đó có bao nhiêu tiền để kê biên.

“Trong trường hợp ông Đinh La Thăng phải làm rõ được tài sản của ông ấy còn những gì, đó là việc của cơ quan điều tra. Nếu tài sản đứng tên vợ con, bố mẹ mà xác minh là những người đó không thể có khả năng làm ra tài sản đó thì cũng có thể kê biên. Trong những vụ án có thiệt hại về tài sản như vụ án này, nếu không kê biên tài sản làm cơ sở thi hành án là sai sót”, ông Biểu nêu quan điểm và khuyến nghị: “Về nguyên tắc, khi khởi tố bị can, khám xét xong là phải kê biên tài sản. Tuy nhiên, quy định này vẫn là hơi dở, vì tới lúc khởi tố bị can thì hầu hết tài sản đã bị họ tẩu tán. Chúng ta vẫn phải quay lại cái gốc là kiểm soát được dòng tiền qua ngân hàng”.

Hà Trang (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news