Tin mới

Ông Dương Trung Quốc: CA Hà Nội trả lời vụ ông Lê Đình Kình làm nhớ lại vụ "vung tay vào má"

Thứ ba, 07/11/2017, 13:51 (GMT+7)

Ông Dương Trung Quốc cho biết, không hiểu tại sao đến thời điểm này, sau hơn nửa năm rồi mà thông tin về vụ việc liên quan đến ông Lê Đình Kình mới đến được Quốc hội.

Ông Dương Trung Quốc cho biết, không hiểu tại sao đến thời điểm này, sau hơn nửa năm rồi mà thông tin về vụ việc liên quan đến ông Lê Đình Kình mới đến được Quốc hội.

Phải công khai để nhân dân bình luận

Sau khi Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an Hà Nội cho rằng, căn cứ vào kết luận thanh tra thì không có vấn đề gì liên quan đến việc lực lượng thi hành nhiệm vụ đánh gây thương tích cho ông Lê Đình Kình (Đồng Tâm, Mỹ Đức), đại biểu Dương Trung Quốc đã giơ biển xin tranh luận lại.

Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, ông không muốn tranh luận mà muốn bình luận về việc, không hiểu tại sao đến thời điểm này thông tin về vụ việc liên quan đến ông Lê Đình Kình mới đến được Quốc hội.

"Sự việc diễn ra hơn nửa năm rồi, phải chăng đó là cách làm của Công an TP Hà Nội và làm chúng ta nhớ lại sự việc xảy ra ở trên cầu Thăng Long, rằng nhỡ tay, vung tay vào má", đại biểu Dương Trung Quốc nói.

Theo đại biểu Dương Trung Quốc, Công an TP Hà Nội không nên biện bạch sự việc, cách tốt nhất là phải công khai sự việc để nhân dân bình luận.

"Tốt nhất là các đồng chí phải công khai nói sự việc ấy để người dân bình luận xem ông già 82 tuổi có thể tự gãy chân không. Ở đây ngay cả quy định về người cao tuổi, chúng ta cũng không tuân thủ, kể cả khi người ta có tội. Tôi không nói dài nữa", ông Quốc nhấn mạnh.

Có thẩm phán bị tạt axit ngay sau khi xử xong

Sáng 7/11, đại biểu Nguyễn Mai Bộ, nguyên Phó Chánh án tòa án Quân sự Trung ương, Ủy viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã tranh luận với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng.

Cụ thể hôm 6/11, phát biểu ý kiến thảo luận tại Quốc hội về phòng chống tội phạm và công tác của Tòa án, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đã nêu thực trạng về việc một số thẩm phán, cán bộ tòa án do những cám dỗ và thiên vị đã tạo nên một phần rủi ro cho bản thân và đã từ bỏ hoặc thực hiện sai lệch chuẩn mực của người cầm cân.

Trong phiên thảo luận hôm nay, ông Nguyễn Mai Bộ cho rằng, với phát biểu của ông Nhưỡng thì ông "có nguy cơ không có quyền tự hào vì 27 năm cống hiến trong sạch trong ngành toà án".

Ông Dương Trung Quốc: CA Hà Nội trả lời vụ ông Lê Đình Kình làm nhớ lại vụ vung tay vào má - Ảnh 1.

ĐB Nguyễn Mai Bộ. Ảnh: Quochoi.vn

Ông Bộ cho biết, đội ngũ công chức ngành Toà án, đặc biệt là Thẩm phán chịu giám sát nhiều nhất cả cơ chế tiền kiểm và hậu kiểm.

Tiền kiểm là tại phiên toà, trước khi ban hành bản án, thẩm phán bị kiểm sát viên và luật sư kiểm soát, chưa kể đội ngũ phóng viên báo chí. Theo cơ chế hậu kiểm, kiểm sát viên bị Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát cấp trên giám sát vô thời hạn.

"Không phủ nhận trong ngành toà án có tiêu cực, nhưng tiêu cực đó chỉ là một bộ phận nhỏ. Số cán bộ toà án đi tù về tội tham nhũng không phải là tổng số 14.000 cán bộ toà án", ông Bộ nói và cho biết đối với án dân sự, kinh tế, hôn nhân và gia đình không bao giờ toà án được lòng cả hai bên.

Đại biểu Bộ cũng nêu rõ, trong thực tiễn hoạt động xét xử của toà án có nhiều gương sáng. Về tố tụng, vụ án Trương Hồ Phương Nga, VN Pharma, nguyên tắc tranh tụng của Bộ Luật hình sự mới được thể hiện rõ nét và kết quả đưa ra phán quyết cũng khiến nhiều người hài lòng.

Nói về việc rủi ro của cán bộ làm công tác xét xử, đại biểu Bộ nêu dẫn chứng, có Thẩm phán toà án nhân dân quận Đống Đa xử vụ án dân sự, bên không thắng trong vụ án tranh chấp đất đai đó đã tạt axit vào mặt Thẩm phán. 12 năm chữa trị, 41 lần phẫu thuật đến giờ gương mặt chỉ lấy lại được phần nào.

"Giá như đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đưa ra được những vụ án cụ thể, cái sai ở Thẩm phán nào thì phát biểu sẽ thuyết phục hơn. Từ đó sẽ có địa chỉ để điều tra, giám sát và xử lý nghiêm minh", nguyên Phó Chánh án Toà án Quân sự Trung ương nói.

Trong sáng nay, trước việc đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh Phú Yên, cho rằng "lĩnh vực nào có luật phòng, chống, có chương trình phòng ngừa thì kết quả thực hiện thường ngược lại", đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An) đã giơ biển xin tranh luận.

"Đây là sự quy kết một chiều, lấy hiện tượng không phổ biến để đánh giá bao trùm công tác đấu tranh tội phạm", ông Cầu phản bác.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, Phó giám đốc Sở Tư pháp Long An cũng tranh luận với đại biểu Minh Hiền, khi bà Hiền nêu vấn đề bỏ lọt tội phạm trong vụ việc một bà mẹ đơn thân xin được đi tù vì lý do bảo vệ con mình bị hiếp dâm.

"Việc đại biểu Hiền nêu là không chính xác", bà Dung nói.

Theo bà Dung, khi vụ việc xảy ra ở địa bàn Long An, cơ quan điều tra đã vào cuộc giám sát quá trình xử lý.

Qua đó, cơ quan điều tra kết luận không đủ cơ sở khởi tố vụ án hình sự về tội hiếp dâm. Tỉnh Long An sau đó cũng đã họp báo công khai vụ việc và không nhận được khiếu nại gì từ nạn nhân, cũng như các bên liên quan.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news