Tin mới

Phát hiện di tích mặt san bằng 16 triệu năm tuổi tại cao nguyên đá Đồng Văn

Thứ hai, 19/01/2015, 09:04 (GMT+7)

Nhóm nghiên cứu thuộc Khoa Địa chất – Trường Đại học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) vừa phát hiện di tích của những bề mặt bóc mòn liên quan đến sự hạ thấp mực nước biển Đông tại Công viên Địa chất Hà Giang.

 

 

Nhóm nghiên cứu thuộc Khoa Địa chất – Trường Đại học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) vừa phát hiện di tích của những bề mặt bóc mòn liên quan đến sự hạ thấp mực nước biển Đông tại Công viên Địa chất Hà Giang.

Tháng 10 năm 2010, Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) chính thức được gia nhập Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (GGN). Công viên bao gồm địa giới hành chính của 4 huyện: Quản Bạ; Yên Minh; Đồng Văn; Mèo Vạc với tổng diện tích tự nhiên là 2.356km2  và là nơi cư trú của cộng đồng 17 dân tộc với trên 25 vạn dân. Tuy nhiên, trước đó, thời điểm làm hồ sơ đăng ký di sản “Công viên Địa chất thế giới”, sự hiện diện những bề mặt bóc mòn chưa từng được đề cập.

Sơ đồ về mối quan hệ giữa mặt san bằng và mặt cơ sở của biển

Theo kết quả khảo sát và đánh giá của nhóm nghiên cứu địa chất gồm PGS.TS Tạ Hòa Phương, PGS.TS. Nguyễn Văn Vượng và các cộng sự thì những bề mặt bóc mòn liên quan đến sự hạ thấp mực nước biển Đông tại cao nguyên đá Đồng Văn là một nét vô cùng độc đáo. Nhóm nghiên cứu phân tích, nguyên lý bóc mòn của mạng thủy văn là quá trình bóc mòn phải tuân thủ quy tắc cân bằng với bề mặt bóc mòn cơ sở (marine base level), đó là mực nước biển. Với một mực nước biển nhất định, mạng lưới thủy văn sẽ tiến đến cân bằng với một bề mặt bóc mòn có độ cao xác định. Khi mực nước biển nâng cao hay hạ thấp với một quy mô lớn trên toàn khu vực sẽ tạo nên những bề mặt san bằng có độ cao khác nhau. Ngày nay những mặt san bằng đó còn lưu giữ lại với bề mặt răng cưa nhưng có cùng một độ cao.

Theo một nghiên cứu năm 2011 của GS.TS Trần Nghi, bể trầm tích Biển Đông có những trầm tích biển với các chu kỳ như sau:

Chu kỳ IV (từ 24-16 triệu năm) (Miocen sớm) ứng  với hệ tầng trầm tích Phong Châu.

Chu kỳ V (16-11 triệu năm) Miocen giữa ứng với hệ tầng Phù Cừ.

Chu kỳ VI (11- 5 triệu năm) Miocen trên, ứng với hệ tầng Tiên Hưng

Chu kỳ VII (Neogen N2-Q) ứng với các hệ tầng Vĩnh Bảo, Lệ Chi, Hà nội, Vĩnh Phúc,Hải Hưng, Thái Bình.

Chu kỳ Pliocen- Đệ Tứ liên quan với 7 chu kỳ băng hà.

Như vậy, liên quan với nghiên cứu trên, có thể liên hệ với bề mặt san bằng 1400m với chu kỳ IV (24-16 triệu năm), 1200m (chu kỳ V- 16-11 triệu năm), 800m (chu kỳ VI- 11-5 triệu năm) , 600 m (chu kỳ VII – N2-Q) v.v.

Trầm tích Miocen nằm ngang trên trầm tích Oligocen ở Biển Đông (Tài liệu vật lý địa chấn sâu, Rangin, 1995)

Dựa trên thực tế đó, có thể thành lập sơ đồ tiến triển của mực nước biển Đông trong thời gian từ Miocen (26 triệu năm) cho đến ngày nay. Bề mặt san bằng 1400 m là bề mặt cổ nhất tương ứng với hệ tầng trầm tích Phong Châu có tuổi 26-16 triệu năm. Đó cũng là thời kỳ tạo ra các trầm tích Miocen trải rộng trên toàn Biển Đông làm lá chắn cho các trầm tích chứa dầu khí có tuổi Eocen và Oligocen.

Nhìn những vết tích của bề mặt san bằng (dãy núi hình răng cưa) có thể liên hệ chúng với những những mực nước biển trong quá khứ. Theo đó rõ ràng nhất là bề mặt san bằng ứng với dãy núi răng cưa 1400 m, trong khi đó ở Biển Đông và Tam giác châu Sông Hồng có những lớp trầm tích biển lắng đọng trong thời kỳ Miocen sớm (16 triệu năm ). Điều đó xác minh dãy núi răng cưa 1400 m có tuổi 16  triệu năm. Tương tự các dãy núi răng cưa với độ cao thấp hơn (1200m, 800m, 600m) ) sẽ tương ứng với các lớp trầm tích Miocen giữa, Miocen muộn và Pliocen - Đệ Tứ.

Vũ Đậu 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news