Tin mới

Phó TGĐ TT Khí tượng Thủy văn chỉ ra yếu tố "dị thường" của bão số 1 và dự báo đợt rét mới

Thứ tư, 03/01/2018, 20:18 (GMT+7)

Liên quan đến cơn bão số 1, ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, chỉ ra yếu tố "dị thường" của cơn bão và dự báo đợt rét mạnh trong tuần sau.

Liên quan đến cơn bão số 1, ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, chỉ ra yếu tố "dị thường" của cơn bão và dự báo đợt rét mạnh trong tuần sau.

"Bão số 1 Bolaven thuộc dạng muộn và hiếm"

Trả lời phỏng vấn của phóng viên, ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết cơn bão số 1, có tên quốc tế là Bolaven, thuộc trường hợp muộn và hiếm.

Giải thích điều này, ông Lê Thanh Hải nói: "Mùa bão trong một năm ở Biển Đông thường bắt đầu từ tháng 5, kéo dài đến tháng 11 hàng năm, trong đó, tập trung chủ yếu vào tháng 8, 9 và 10. Tuy nhiên, cũng có năm mùa bão xuất hiện sớm nhất vào tháng 4 và kéo dài đến tận tháng 1 và tháng 2 năm sau."

Nói về sự xuất hiện bất thường của cơn bão số 1 vào tháng 1/2018, ông Lê Thanh Hải nhận định, khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương được gọi là "ổ bão" trên toàn cầu, nơi xuất hiện 31% các cơn bão và ATNĐ trên toàn thế giới, trong đó, khu vực biển Biển Đông chiếm 40% trong số 31% kể trên.

Và trong vòng 72 năm trở lại đây (tính từ năm 1945 đến năm 2017), chỉ tính riêng tháng 1, ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương có 34 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), nghĩa là trung bình 2 năm mới có 1 cơn. Riêng vùng Biển Đông cũng trong 72 năm này, chỉ có 7 cơn bão và ATNĐ, tức là 10 năm mới có 1 cơn. Qua đấy có thể thấy tháng 1 hàng năm, hiếm gặp bão hay ATNĐ đến mức nào.

Và trong số 7 cơn bão và ATNĐ trong tháng 1 của 72 năm, chỉ có duy nhất ATNĐ hồi tháng 1/2010 ảnh hưởng đến ven biển Bà Rịa - Vũng Tàu đến Sóc Trăng.

"Việc cơn bão số 1 xuất hiện vào tháng 1/2018 cho thấy, nó không chỉ là cơn bão muộn và hiếm mà còn xuất hiện sớm hơn chu kỳ 10 năm có một lần."

Phó TGĐ TT Khí tượng Thủy văn chỉ ra yếu tố dị thường của bão số 1 và dự báo đợt rét mới - Ảnh 1.
 

Xu hướng bất thường của các cơn bão: Lệch về phía nam nhiều hơn

Ông Lê Thanh Hải cung cấp thêm thông tin rằng, theo nghiên cứu của các chuyên gia khí tượng của Việt Nam gần đây, đang có xu hướng gia tăng các cơn bão và ATNĐ ảnh hưởng đến Nam Trung bộ và Nam bộ.

Bằng chứng là chỉ trong vòng 2 tháng (từ tháng 12/2017 đến tháng 1/2018) xuất hiện hai cơn bão là bão số 16 Tembin của năm 2017 và bão số 1 Bolaven của năm 2018 ảnh hưởng đến nam trung bộ và nam bộ. Điều này cho thấy, có xu hướng gia tăng các cơn bão trái mùa và trái với quy luật thông thường.

Các chuyên gia nhận định, khả năng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến cho các mùa bị kéo dài ra và các cơn bão thì có xu hướng lệch về phía nam nhiều hơn.

Ông Lê Thanh Hải đưa ra dự báo, rất có thể khu vực Nam Trung bộ, Tây nguyên và Nam bộ từ nay đến tháng 2, 3 có thể xuất hiện nhiều giông, lốc và mưa trái mùa.

Miền Bắc chuẩn bị đón đợt rét với mức nhiệt giảm sâu

Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, vào những năm có hiện tượng La Nina thì phía Bắc thường hay lạnh hơn. Cụ thể, vào tuần tới (từ thứ 2 ngày 8/1 đến hết tuần) sẽ có một đợt rét mới rất rét. Đợt này gây rét hại cho vùng núi phía bắc và rét đậm cho đồng bằng Trung du Bắc bộ và Bắc Trung bộ.

Phó TGĐ TT Khí tượng Thủy văn chỉ ra yếu tố dị thường của bão số 1 và dự báo đợt rét mới - Ảnh 2.

Hà Nội chuẩn bị đón đợt rét mạnh mới. Ảnh minh họa: Thành Nguyễn.

Riêng tại khu vực Hà Nội, nhiệt độ giảm sâu từ 12 đến 14 độ vào ban ngày. Ban đêm nhiệt độ giảm xuống còn 10 đến 12 độ.

 Cập nhật thông tin cơn bão số 1 của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương

Phó TGĐ TT Khí tượng Thủy văn chỉ ra yếu tố dị thường của bão số 1 và dự báo đợt rét mới - Ảnh 3.

Đường đi và vị trí cơn bão số 1. Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương.

Theo bản tin cập nhật lúc 13 giờ ngày 3/1 của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, vị trí tâm bão số 1 ở vào khoảng 11,0 độ Vĩ Bắc; 114,6 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực phía Nam Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20- 25km. Đến 01 giờ ngày 4/1, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,3 độ Vĩ Bắc; 111,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Phú Yên-Bình Thuận khoảng 330km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Đến 13 giờ ngày 4/1, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,1 độ Vĩ Bắc; 109,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Phú Yên-Bình Thuận. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.

Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 9,0 đến 12,5 độ Vĩ Bắc. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.

Ông Lê Thanh Hải nhận định, xác suất cơn bão số 1 ảnh hưởng là nhỏ, tuy nhiên, người dân vẫn cần đề phòng cảnh giác.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news