Tin mới

Thủ tướng: Khắc phục hậu quả bão số 10 không cần nói dài, nói nhiều

Thứ bảy, 16/09/2017, 11:20 (GMT+7)

Sau khi rời Quảng Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi ô tô tới Hà Tĩnh để thị sát và trực tiếp chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 10, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh và các bộ ngành tinh thần làm việc là "không nói dài, nói nhiều, tập trung đưa giải pháp".

Sau khi rời Quảng Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi ô tô tới Hà Tĩnh để thị sát và trực tiếp chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 10, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh và các bộ ngành tinh thần làm việc là "không nói dài, nói nhiều, tập trung đưa giải pháp".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi, động viên người dân bị thiệt hại do bão ở Hà Tĩnh. Ảnh: VGP

Theo thông tin trên VGP, TTXVN, sáng 16/9, sau khi rời Quảng Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, thị sát hiện trường về tình hình thiệt hại và chỉ đạo khắc phục hậu quả do bão số 10.

Cùng đi có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và đại diện một số bộ, ngành khác.

Có mặt tại trường tiểu học, trung học cơ sở xã Kỳ Nam (huyện Kỳ Anh), một trong những điểm bị ảnh hưởng bởi cơn bão mạnh nhất trong 10 năm qua, Thủ tướng biểu dương các chiến sĩ công an và quân đội đang sửa chữa phần mái nhà trường. 

Thủ tướng yêu cầu các lực lượng này tiếp tục phối hợp khắc phục hậu quả mưa bão, trước mắt là giúp dân sửa chữa nhà cửa, trong đó có các trường học. "Phải khẩn trương khắc phục, sửa chữa trường lớp, dọn dẹp, vê sinh môi trường, không để gián đoạn việc học của các cháu”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ngành điện phải nỗ lực khôi phục lưới điện, sớm cấp điện cho người dân.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh ở trụ sở UBND thị xã Kỳ Anh, Thủ tướng cho rằng bão số 10 đã gây thiệt hại lớn cho địa phương. Trước bão, Thủ tướng đã cử Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai) vào Hà Tĩnh làm việc. Sau bão, tối qua, Phó thủ tướng và Bộ trưởng cùng các lực lượng chức năng đã làm việc với lãnh đạo tỉnh.

“Hôm nay, Thủ tướng trực tiếp kiểm tra tình hình và đưa ra giải pháp tập trung, không cần nói dài, nói nhiều vì hôm qua đã nói rồi. Cuộc họp chỉ diễn ra 30 phút thôi”, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần làm việc. 

Thủ tướng nêu rõ điều quan trọng là "những giải pháp nào được đưa ra trong tình hình này", làm sao không để còn cảnh tiêu điều những nơi bão đi qua, nhanh chóng ổn định cuộc sống người dân, để các cháu học sinh đến trường bình thường, không để 5/13 huyện mất điện như hiện nay.

Báo cáo với Thủ tướng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn bày tỏ tỉnh cần sự chung tay của các bộ, ban, ngành Trung ương như Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tập đoàn Điện lực. Trong đó, việc cần làm ngay là cấp điện trở lại cho người dân. 

Tỉnh kiến nghị hỗ trợ giống, lương thực cho người dân vùng khó khăn, hỗ trợ khắc phục sau bão, sửa chữa nhà cửa, trường học, cơ sở hạ tầng, trong đó có cột phát sóng Đài Phát thanh - Truyền hình thị xã Kỳ Anh bị gãy gập. 

Tỉnh cam kết chậm nhất 5 ngày là cơ bản khắc phục xong, khôi phục hoàn toàn hệ thống điện, nước, cơ sở hạ tầng thiết yếu, dọn dẹp, vệ sinh môi trường…

Cho rằng các bộ, ngành, địa phương  đã vào cuộc nhanh chóng, quyết liệt, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận, thiệt hại đã được hạn chế ở mức thấp trước cơn bão rất mạnh.

Bộ trưởng đánh giá, nòng cốt trong phòng chống thiên tai là lực lượng công an, quân đội. Yếu tố quyết định thành công là cả hệ thống chính trị vào cuộc, đặc biệt là cấp cơ sở. Ngành NN&PTNT tâm đắc với phương châm phòng tốt, chống tốt nhưng phục hồi phải tốt nhất, Bộ trưởng nói và khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương khắc phục hậu quả bão.

Theo thống kê ban đầu từ tỉnh Hà Tĩnh, toàn tỉnh có 69.112 nhà dân bị đổ, tốc mái. Trong đó, các địa phương có số nhà bị thiệt hại nhiều nhất là thị xã Kỳ Anh, các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Lộc Hà...

Mưa bão còn làm ngập 29 thôn với 4.699 hộ dân của 4 huyện vùng ven biển, cửa sông (Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Lộc Hà, Thạch Hà), trong đó tại xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên bị ngập toàn xã với 2.400 hộ có nới ngập sâu từ 0,6m đến 0,7 m.

Trên 3.100 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó có hơn 2.000 ha nước ngọt và 1.100 ha mặn, lợ (800 ha tôm và 300 ha nhuyển thể) bị ngập, hư hại hoàn toàn; đặc biệt có khoảng 60 tấn tôm của Công ty Grobet, thuộc xã Kỳ Phương đã đến kỳ thu hoạch những chưa thu hoạch kịp bị thiệt hại nặng.

Bão số 10 cũng khiến nhiều trường học, trạm y tế, trụ sở cơ quan, đơn vị bị tốc mái. Hàng ngàn cột điện hạ thế, đường điện thắp sáng bị đổ gãy; riêng tại thị xã Kỳ Anh, cột ăng-ten Đài Phát thanh - Tuyền hình và cột phát sóng Viettel bị đổ sập dẫn đến mất liên lạc nhiều giờ.

Trước tình hình trên, đại diện Bộ Công Thương cho biết, sẽ chỉ đạo ngành điện khẩn trương khắc phục hệ thống lưới điện, cố gắng đến ngày mai, cấp lại điện cho 80% hộ dân của Hà Tĩnh, ngày kia cấp lại hoàn toàn.

Đức Hòa (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news