Tin mới

Thực hư tin CSGT đuổi người vi phạm, 3 nữ sinh tử vong

Thứ ba, 07/04/2015, 19:07 (GMT+7)

Trước thông tin lực lượng CSGT CA tỉnh Yên Bái truy đuổi người vi phạm giao thông, khiến 3 nữ nữ sinh tử vong, Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh đã lên tiếng.

Trước thông tin lực lượng CSGT CA tỉnh Yên Bái truy đuổi người vi phạm giao thông, khiến 3 nữ nữ sinh tử vong, Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh đã lên tiếng.

Phó Trưởng phòng CSGT Yên Bái nói gì?

Trước đó, trên mạng xã hội đăng tải hình ảnh kèm theo thông tin về một vụ tai nạn nghiêm trọng tại thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái. Theo thông tin trên mạng, có 3 cô gái (khoảng 14 tuổi) đi trên 1 xe máy vi phạm giao thông. Vì vậy, bị lực lượng CSGT truy đuổi. Trong quá trình bỏ chạy CSGT, 3 cô gái này bị ngã, tử vong.

Qua tìm hiểu của PV, tối 6/4, nhiều người dân sống tại khu vực cầu Thia, thuộc địa phận phường Cầu Thia (thị xã Nghĩa Lộ) nghe thấy tiếng động lớn. Mọi người chạy ra thì phát hiện 3 nữ sinh nằm bất động, nhiều vệt máu chảy trên đường.

Cả 3 nạn nhân đều tử vong.

Một nhân chứng cho biết, thi thể cả ba nạn nhân bị văng xa khỏi chiếc xe máy.

Để làm rõ thông tin này, ngày 7/4, trao đổi với PV, Trung tá Vũ Thanh Tùng, Phó trường phòng Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Yên Bái cho biết, 3 nạn nhân được xác định là Lò Thị Ánh, Lò Thị Nga và Hà Thị Duyên, cùng 14 tuổi, trú tại phường Cầu Thia (Nghĩa Lộ, Yên Bái).

Trước phản ánh, có lực lượng CSGT truy đuổi khiến vi phạm ba cô gái trên, trung tá Tùng khẳng định “không có chuyện đó”. Hàng ngày, CSGT thị xã Nghĩa Lộ có thay phiên trực chốt xử lý vi phạm giao thông trên địa bàn. Tuy nhiên, tối 6/4, không có tổ công tác nào làm nhiệm vụ tại vị trí trên.

Theo kết quả khám nghiệm hiện trường, chiếc xe Wave gặp nạn đang lưu thông từ thị xã Nghĩa Lộ về xã Bản Vệ trên đường liên thôn. Cả ba nạn nhân không có mũ bảo hiểm. Hiện trường cho thấy không có bất cứ va chạm với phương tiện khác. Nguyên nhân được xác định, do xe máy đâm vào cổng một nhà dân.

CSGT có được đuổi người vi phạm?

Luật sư Nguyễn Đắc Thực - Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Thư - Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết: Điều 87, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về tuần tra, kiểm soát của CSGT đường bộ: CSGT đường bộ thực hiện việc tuần tra, kiểm soát để kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ; xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ đối với người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ…

Đồng thời Chính phủ có quy định việc huy động các lực lượng cảnh sát khác và công an xã phối hợp với CSGT đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong trường hợp cần thiết.

Luật sư Thực cho biết thêm: Theo quy định hiện nay, thì các lực lượng có thẩm quyền dừng phương tiện và xử phạt hành vi vi phạm không được tùy tiện dừng phương tiện mà chỉ được dừng để kiểm tra, kiểm soát khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm hoặc đã có hành vi vi phạm.

Còn theo Luật sư Phạm Thanh Bình, Giám đốc Công ty Luật Bảo Ngọc, đối với CSGT đường bộ, theo quy định tại Thông tư 65/2012/TT-BCA ngày 30/10/2012 quy định CSGT đã được cấp biển hiệu và Giấy chứng nhận Cảnh sát tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ theo quy định của Bộ Công an được dừng phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ; kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện; kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát.

Bên cạnh đó, theo Điều 10, Thông tư 45/2012/TT-BCA ngày 27/7/2012 quy định về biển hiệu và Giấy chứng nhận Cảnh sát tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, CSGT phải mang theo Giấy chứng nhận khi làm nhiệm vụ và xuất trình khi có yêu cầu, phải đeo biển hiệu (thẻ xanh)...

Việc CSGT thực thi nhiệm vụ không có quy định về việc cho phép CSGT truy đuổi người vi phạm mà chỉ cho phép CSGT, thanh tra giao thông dừng xe của người điều khiển vi phạm lại một cách an toàn.

Nếu trường hợp phát hiện thấy có dấu hiệu phạm tội hoặc hành vi nghiêm trọng, sau khi CSGT hoặc thanh tra giao thông ra hiệu lệnh dừng rồi mà người vi phạm vẫn cố tính bỏ chạy thì có thể được truy đuổi nhưng phải đảm bảo an toàn.

Vi phạm đơn giản: Không truy đuổi

CSGT không cần thiết phải truy đuổi người vi phạm các lỗi nhẹ như không đội mũ bảo hiểm khi đi đường, vượt đèn đỏ hay các lỗi vi phạm đơn giản khác...

Người dân không đội mũ bảo hiểm chỉ vi phạm Luật giao thông đường bộ, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính chứ không phải là tội phạm nên tuyệt đối CSGT không được dùng vũ lực để trấn áp khi truy đuổi.

Việc sử dụng công cụ hỗ trợ trong quá trình truy đuổi của CSGT phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về sử dụng các loại công cụ hỗ trợ này.

Khi phát hiện người vi phạm có lỗi nhẹ nhưng không chịu tuân thủ hiệu lệnh thì CSGT được quyền ghi lại biển số xe của người vi phạm rồi thông báo cho các chốt kiểm tra liền kề hoặc các tổ tuần tra để kịp thời ngăn chặn. Những việc này đều đã được quy định trong quy trình về kiểm tra, kiểm soát giao thông.

Còn đối với những tội phạm nguy hiểm như giết người cướp của..., nếu bỏ chạy thì lực lượng cảnh sát phải cương quyết tấn công, truy đuổi.

"Nếu lực lượng CSGT thực thi sai thì đã có quy đinh pháp luật điều chỉnh. Theo tôi người dân cần tôn trọng và chấp hành sự điều khiển của cán bộ CSGT", luật sư Bình nói và cho rằng, trong những trường hợp người vi phạm cố tình bỏ chạy khiến CSGT buộc phải đuổi theo mới chịu dừng xe thì cũng cần coi là tình tiết tăng nặng để đưa ra mức xử phạt cao hơn những người chấp hành hiệu lệnh.

Việc quyết định các tình huống truy đuổi, CSGT cần hết sức bình tĩnh và có cách hành xử đúng mực, đúng pháp luật. Có nhiều trường hợp vì tức giận mà CSGT đã có thái độ thiếu tôn trọng, xúc phạm, truy đuổi gây nguy hiểm cho người vi phạm thì những CSGT này cần phải bị xử lý nghiêm, thậm chí có thể chịu trách nhiệm hình sự do hậu quả mình gây ra.

Với những trường hợp chống đối, lực lượng CSGT còn nhiều biện pháp khác, ví dụ như dùng bút ghi lại biển số phương tiện hoặc dùng điện thoại chụp hình, quay phim hành vi vi phạm sau đó cung cấp cho lực lượng cảnh sát hình sự vào cuộc, truy xét, xử lý.

Trong khi đó, theo Trung tá, Nguyễn Trung Thành, Đội Trưởng đội CSGT số 4, Công an TP Hà Nội, trong luật không quy định việc CSGT truy đuổi người vi phạm giao thông. Nếu người tham gia giao thông mà chỉ vi phạm ở mức độ hành chính thì các chiến sỹ làm nhiệm vụ không được truy đuổi.

Ban giám đốc Công an thành phố cũng đã quán triệt với cán bộ chiến sĩ ngành là không ủng hộ việc CSGT đu người bám vào cần gạt nước, hay truy đuổi người vi phạm giao thông rất nguy hiểm tính mạng của chính bản thân người làm nhiệm vụ và người tham gia giao thông.

Đức Thuận

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news