Tin mới

Trực tiếp: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời chất vấn trước Quốc hội

Thứ sáu, 17/11/2017, 09:08 (GMT+7)

Trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 17/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết việc chỉ thông báo cho các ngân hàng về xếp hạng tín nhiệm là thông lệ quốc tế.

Trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 17/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết việc chỉ thông báo cho các ngân hàng về xếp hạng tín nhiệm là thông lệ quốc tế.

Thống đốc Lê Minh Hưng cũng làm rõ số liệu nợ xấu với các đại biểu Quốc hội.

Ông giải thích con số nợ xấu NHNN báo cáo là số liệu nợ xấu nội bảng của các TCTD. Số liệu cập nhật đến cuối tháng 9/2017, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn TCTD là 2,34% tổng dư nợ, giảm so với mức 2,46% vào cuối 2016.

Nhưng nếu đánh giá đầy đủ, thận trọng, một số khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu và nợ xấu nội bảng và nợ đã bán cho VAMC thì nợ xấu và nợ tiềm ẩn của toàn hệ thống ngân hàng đến cuối 9/2017 566.000 tỷ, giảm so với 600.000 tỷ vào cuối 2016.

Tỷ lệ nợ xấu và các khoản tiềm ẩn là 8,61% tổng dư nợ, giảm so với 10,08% cuối 2016. NHNN báo cáo là nợ xấu nội bảng còn nếu cả nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ tiềm ẩn thì sẽ cao hơn.

Về điều hành Chính sách tiền tệ, ông Lê Minh Hưng cho biết mục tiêu xuyên suốt là đảm bảo giá trị đồng Việt Nam. Thời gian qua, đôi khi nhiều mục tiêu cùng một lúc thì khó thực hiện nhưng có sự kết hợp của nhiều bộ ngành, chúng ta đã kiểm soát được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

“Công tác điều hành chính sách tiền tệ phải đặt trong tổng thể mục tiêu chung. Dựa trên kết quả thời gian qua, thời gian tới các bộ ngành sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ”, ông nói.

Trả lời đại biểu Tô Văn Tám về nợ xấu, tái cơ cấu các TCTD, ông Lê Minh Hưng nói: “Đúng như chúng tôi báo cáo, trong quá trình tổng kết, bên cạnh các kết quả tích cực, còn có một số tồn tại. NHNN đánh giá cụ thể nguyên nhân, đánh giá rõ ràng nguyên nhân khách quan, chủ quan, có lộ trình để xử lý”

Thống đốc chỉ rõ nguyên nhân chủ yếu là hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế thời gian qua vẫn còn tương đối khó khăn. Trong khi đó, hoạt động của các TCTD lại gắn với nền kinh tế nên khi tình hình kinh tế khó khăn thì hệ thống ngân hàng cũng gặp khó khăn khiến quá trình tái cơ cấu không được như mong muốn.

Hai là, cơ chế chính sách hỗ trợ quá trình cơ cấu lại và xứ lý nợ xấu còn bất cập. Thời gian qua Chính phủ đã giao NHNN nghiên cứu và đưa ra những thông tư, văn bản để khắc phục vấn đề này

Trong điều kiện đặc thù ở Việt Nam thị trường vốn những năm gần đây mới phát triển, trong khi trước đó không có bước tiến mạnh, gần đây thì mới khá hơn, đặc thù nguồn vốn của nền kinh tế vẫn dựa nhiều vào nguồn vốn ngân hàng nên vừa tái cơ cấu vừa cung cấp đủ nguồn vốn cho nền kinh tế là 1 nhiệm vụ khó khăn.

Hơn nữa, năng lực quản trị điều hành của một bộ phận tổ chức tín dụng còn hạn chế khiến quá trình cơ cấu lại chưa đạt được yêu cầu.

Về việc xử lý các ngân hàng yếu kém, ông Hưng cho biết theo quy định tại dự thảo Luật Sửa đổi bổ sung có giải pháp cho bán nợ cho VAMC, trích lập dự phòng, hỗ trợ... không dùng ngân sách Nhà nước, đã được quy định rõ trong dự thảo Luật. Hỗ trợ được áp dụng ra sao, mức độ thế nào, thẩm quyền quyết... được quy định rõ, để đảm bảo minh bạch.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) về Nghị định 100/2015 cho vay nhà ở xã hội, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 25 hướng dẫn thực hiện và chỉ định 4 ngân hàng cho vay.

"Đến nay, việc cho vay chưa thực hiện được do ngân sách Nhà nước khó khăn. Mới có Ngân hàng Chính sách Xã hội được bố trí 1.200 tỷ đồng cho vay, 4 ngân hàng thương mại còn lại chưa được cấp vốn. Ngân hàng Nhà nước đang chờ Bộ Kế hoạch - Đầu tư bố trí vốn, nhưng trước mắt năm 2018, Ngân hàng Chính sách Xã hội sẽ tự huy động 500 tỷ đồng để cho vay", Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết.
 
Thống đốc Lê Minh Hưng đề nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư khẩn trương bố trí vốn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để triển khai chương trình này. 

Về chính sách cho vay với học sinh, sinh viên, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, hiện đã có 3,5 triệu học sinh, sinh viên được vay, với tổng mức cho vay 15.600 tỷ đồng, chiếm 10% tổng dư nợ.
 
Từ đầu năm 2017 đến nay, đã có 7 lần điều chỉnh mức vay, từ giữa tháng 6 đến nay là 1,5 triệu đồng/tháng cho một sinh viên. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
 
"Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, việc cho vay ở mức này đã rất cố gắng, nhưng tới đây sẽ nâng mức cho vay lên cao hơn, tuỳ thuộc vào ngân sách Nhà nước", Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết.

Đức Hòa (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news