Tin mới

Việt Nam hai lần đối mặt với nguy cơ bị tấn công hạt nhân

Thứ hai, 05/01/2015, 20:54 (GMT+7)

Có một sự thực là trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhân dân ta từng 2 lần suýt phải đối mặt với vũ khí nguyên tử của những kẻ thù bị dồn vào bước đường cùng định làm ác.

Có một sự thực là trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhân dân ta từng 2 lần suýt phải đối mặt với vũ khí nguyên tử của những kẻ thù bị dồn vào bước đường cùng định làm ác.

Ý định dùng bom nguyên tử ở Điện Biên Phủ

Khi chiến dịch Điện Biên Phủ đi đến hồi kết thúc, quân Pháp ở Điện Biên không còn hy vọng thoát thân thì ở Paris và Washington, những quan chức Mỹ, Pháp cũng chạy đi chạy lại như con thoi để tìm giải pháp.

Một trong những kế hoạch để cứu nguy cho Điện Biên là sử dụng không quân chiến lược Mỹ ném bom rải thảm xuống lực lượng ta đang bao vây ở xung quanh các trận địa Pháp. Kế hoạch ấy mang tên Vulture.

Việt Nam hai lần đối mặt với nguy cơ bị tấn công hạt nhân - Ảnh 1

Hiện trường một vụ nổ hạt nhân. Ảnh minh họa.

Theo Howard R. Simpson trong sách Điện Biên Phủ cuộc đối đầu mà nước Mỹ muốn quên đi, ngày 22/3/1954, tướng Paul Ely – Tổng Tham mưu trưởng liên quân Pháp tới Washington để bàn một giải pháp cứu nguy cho Điện Biên Phủ. Trong chuyến thăm này, Radford – Tổng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ đã đề xuất với Ely kế hoạch cứu Điện Biên Phủ mang tên “Vulture”.

Nội dung của kế hoạch là sử dụng 60 máy bay ném bom B29 của Mỹ từ các căn cứ ở Clark Field (Philippin) và Okinawa (Nhật) tiến hành ném bom rải thảm vào ban đêm xuống các căn cứ của Việt Minh quanh Điện Biên Phủ. Những máy bay ném bom cỡ lớn này sẽ được bảo vệ bằng 150 máy bay chiến đấu từ tàu sân bay của Hạm đội 7 Mỹ.

Đầu tháng 4/1954, tướng E. E. Partridge – Tư lệnh Không quân Mỹ ở Viễn Đông và Chuẩn tướng J.D Caldera đích thân tới Sài Gòn họp với Navarre nhằm chuẩn bị cho kế hoạch Vulture. Caldera đã tự mình bay khảo sát trên bầu trời Điện Biên hai lần. Sau đó, mặc dù còn có những lo ngại về hệ thống radar của Pháp không đảm bảo nhưng hai viên tướng này vẫn quyết định tiến hành chiến dịch Vulture vào ban ngày. Mọi việc chỉ còn chờ tín hiệu từ Washington.

Việt Nam hai lần đối mặt với nguy cơ bị tấn công hạt nhân - Ảnh 2

Máy bay B-29 được lập kế hoạch ném bom ồ ạt xuống Điện Biên để cứu quân Pháp nhưng sau đó Washington đã từ bỏ ý định.

Cũng trong thời điểm đó, ngoài kế hoạch Vulture, người Pháp và người Mỹ đã có lúc tính đến phương án sử dụng vũ khí hạt nhân. Cuốn Những viên tướng ngã ngựa của Nguyễn Phương Nam dẫn chứng rằng: “Tourina tiết lộ trong tập tư liệu bí mật quốc gia do Nxb Plon ấn hành rằng: “Dulles (ngoại trưởng Mỹ- Tg) đã thông báo với Bidault (ngoại trưởng Pháp) sẽ cho Pháp 2 quả bom nguyên tử để cứu nguy. Bidault hỏi lại: Bom nguyên tử ư? Như thế thì toàn bộ căn cứ sẽ bị hủy diệt cùng người Việt”.

Còn tác giả cuốn Điện Biên Phủ - cuộc đối đầu mà nước Mỹ muốn quên đithì nói: “Việc sử dụng các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật theo đề nghị để cứu vãn Điện Biên Phủ vẫn còn là sự mơ hồ. Các tài liệu liên quan vẫn chưa được giải mã nhưng cũng đủ rò rỉ ra ngoài bằng những lời bình luận cá nhân và những hồi ký để chỉ ra rằng một lời đề nghị như vậy phải được cân nhắc thận trọng. Thật may cho quân đồn trú ở Điện Biên Phủ, chương trình được bãi bỏ. Các vũ khí hạt nhân tương đối thô sơ của năm 1954 chắc sẽ huỷ diệt toàn bộ những người phòng thủ cũng như những kẻ tấn công nhưng việc sử dụng vũ khí hạt nhân lần thứ hai này của Mỹ ở châu Á sẽ gây ra thảm hoạ khôn lường và những hậu quả chính trị lâu dài”.

Mỹ cân nhắc cứu Khe Sanh bằng vũ khí hạt nhân

Sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, trận chiến ở Khe Sanh là một trận chiến mà người Mỹ rất lo ngại sẽ giống Điện Biên Phủ. Vào đầu năm 1968, tại Khe Sanh, 5000 lính Mỹ bị quân ta vây hãm. Để tránh cho Khe Sanh không thành một Điện Biên Phủ thứ 2, Tổng thống Mỹ và các quan chức chóp bu đã bàn bạc nhiều lần để tìm cách giải vây. Trong những cuộc họp đó, khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân đã được nêu ra.

Theo cuốn Những bí mật của chiến tranh Việt Nam, Daniel Ellsberg kể lại: “Ngày 10/2/1968, tờ Bưu điện Washington trích lời phát biểu của tướng Wheeler trước một vài thượng nghị sỹ rằng Hội đồng Tham mưu sẽ khuyến nghị sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật nếu thấy việc này là cần thiết để bảo vệ năm nghìn lính thủy đánh bộ đang bị mắc kẹt tại cứ điểm Khe Sanh, mặc dù ông ta không cho rằng lực lượng tại đây sẽ yêu cầu giúp đỡ”.

Việt Nam hai lần đối mặt với nguy cơ bị tấn công hạt nhân - Ảnh 3

Binh lính Mỹ tại Khe Sanh năm 1968.

Đồng quan điểm với tướng Wheeler, tư lệnh quân viễn chinh Mỹ ở Việt Nam, tướng Westmoreland cũng cho rằng một phương án dùng vũ khí hạt nhân loại nhỏ ở Khe Sanh là nên tính toán. Westmoreland viết trong hồi ký của mình: “xem xét khả năng sử dụng vũ khí nguyên tử chiến thuật ở Khe Sanh là một ý tưởng khôn ngoan. Khu vực xung quanh Khe Sanh gần như không có người ở, số lượng thường dân bị thương vong sẽ ở mức thấp nhất” và viên tướng này dự tính tiếp: “Sử dụng vài quả bom nguyên tử cỡ nhỏ ở Việt Nam, hoặc thậm chí đe dọa sử dụng sẽ nhanh chóng góp phần kết thúc sớm cuộc chiến. Nếu Washington muốn gửi thông điệp đến Hà Nội, chắc chắn vũ khí nguyên tử cỡ nhẹ sẽ làm được điều này rất hiệu quả”.

Nhưng rút cục Mỹ cũng không dám sử dụng vũ khí hạt nhân vì cũng giống như lần trước, việc sử dụng vũ khí hạt nhân ở Khe Sanh cũng là một việc không an toàn đối với chính quân Mỹ. Một lý do khác quan trọng hơn nhiều là Mỹ lo ngại rằng năm 1968, Việt Nam có thể đã sở hữu một vài vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ và hoàn toàn có khả năng trả đũa nếu bị tấn công.

Theo cuốn Giải mã hồ sơ mật của Nxb Lao Động, các quan chức Mỹ khi đó đã nghiên cứu kỹ lưỡng và trình lên một bản báo cáo. Họ lo ngại rằng Liên Xô đã có khả năng chế tạo được các vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ có thể bắn đi từ súng cối, súng không giật từ cự li vài dặm.

Bản báo cáo dự liệu những vũ khí này sẽ được di chuyển từ Bắc vào Nam theo đường mòn Hồ Chí Minh. Mặc dù sẽ mất thời gian nhưng không khó khăn gì lắm. Do vậy, nếu Mỹ sử dụng vũ khí nguyên tử, quân ta có thể trả đũa bằng cách tập kích đồng loạt nhiều căn cứ Mỹ ở miền Nam hoặc tấn công từng căn cứ một hoặc tập trung vào một mục Tiêu Chiến lược quan trọng chẳng hạn như Tân Sơn Nhất.

Chính vì lý do đó, cuối cùng Mỹ đã phải từ bỏ kế hoạch tàn độc là sử dụng vũ khí hạt nhân để khuất phục nhân dân ta.

Trần Vũ

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news