Tin mới

Việt Nam sẽ có ít nhất 3 thành phố thông minh trong năm 2020

Thứ ba, 05/12/2017, 14:24 (GMT+7)

Hàng loạt các tỉnh và thành phố đang lập đề án xây dựng thành phố thông minh, Việt Nam dự đoán sẽ có ít nhất 3 thành phố thông minh trong năm 2020.

Hàng loạt các tỉnh và thành phố đang lập đề án xây dựng thành phố thông minh, Việt Nam dự đoán sẽ có ít nhất 3 thành phố thông minh trong năm 2020. 

Vietnamnet Gia đình & Xã hội cho hay sáng ngày 4/12, sáng ngày 4/12, tại kỳ họp thứ 5 HĐND TP Hà Nội đã xem xét thông qua Tờ trình điều chỉnh mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020, nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng Hà Nội thành thành phố thông minh. 

Thành phố hiện đại có giải quyết được vấn đề tắc đường? Ảnh: Gia đình & Xã hội

Thời gian qua, Hà Nội đã thí điểm ứng dụng tìm kiếm và trả tiền đậu ô tô qua điện thoại (Iparking) và sẽ triển khai trên tất cả các quận trong thời gian tới. Dự kiến đến hết năm nay, hệ thống bản đồ giao thông Hà Nội cung cấp thông tin về tình trạng giao thông và vận tải hành khách công cộng cho người dân và du khách sẽ hoàn thành.Cổng giao tiếp điện tử thành phố cũng cung cấp thông tin về quan trắc không khí, môi trường nước Hồ Tây, lượng mưa, bản đồ úng ngập.

Trước đó, chiều ngày 26/11, TP HCM cũng đã công bố đề án xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh vào giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025". Tại đây, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, đề án hướng tới việc đảm bảo môi trường sống thoải mái, tích cực, lành mạnh và an toàn cho người dân. Trong lĩnh vực giao thông, người dân được trải nghiệm hệ thống vận tải hành khách công cộng chất lượng cao, xuyên suốt với vé điện tử liên thông.

Giải pháp thu phí thông minh, đỗ xe thông minh giúp người dân thuận lợi trong việc gửi và đỗ xe. Dữ liệu mở về giao thông và thông tin dự báo giao thông giúp người dân tìm lộ trình di chuyển phù hợp, giảm ùn tắc.

Lĩnh vực y tế, bệnh án điện tử sẽ cho phép người dân truy cập bằng thiết bị điện thoại di động để xem, lưu trữ và chia sẻ với đội ngũ chăm sóc y tế. Người lao động sẽ có các dịch vụ hạ tầng cơ bản: Kết nối Internet băng thông rộng; các nguồn năng lượng sạch.

Lĩnh vực an toàn thực phẩm, thành phố sẽ xây dựng các công cụ để người dân dễ dàng tiếp cận các thông tin về cấp phép vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong chống ngập, các hệ thống cảnh báo và giám sát ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp theo dõi và cung cấp các thông tin về dòng chảy và thực hiện cảnh báo khi xuất hiện các tổ hợp bất lợi cho thành phố như mưa, triều cường và mực nước dâng cao để áp dụng các kịch bản ứng phó phù hợp của hệ thống quản lý tình huống khẩn cấp. 

Ngoài ra, người dân cũng được sống và làm  việc trong môi trường an toàn, an ninh cao. Mọi cơ sở dữ liệu đều được số hóa nhằm giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. 

Tuy nhiên, theo đánh giá thách thức lớn nhất trong việc triển khai đô thị thông minh tại Việt Nam nằm ở hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế, đặc biệt tại nhiều tỉnh vùng sâu, vùng xa. 

Một vấn đề khác là tốc độ phát triển hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tầm quốc gia triển khai còn chậm. Chính quyền điện tử ở nhiều bộ, ngành tại địa phương phát triển rộng nhưng việc kết nối với nhau còn khá hạn chế. 

Dự thảo của các địa phương mặc dù còn nhiều điểm khác biệt nhưng đều hướng đến việc phát triển chính quyền số, chính quyền điện tử, cải cách hành chính, ứng dụng CNTT tại trung tâm hành chính công, chính quyền một cửa. Tại các thành phố lớn, quá trình này tập trung vào một số lĩnh vực thiết yếu như giao thông thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh. Ở một vài tỉnh có điều kiện đặc thù như Đà Lạt, địa phương này tập trung vào việc phát triển du lịch thông minh, nông nghiệp thông minh.

Trước nhu cầu cấp thiết của việc xây dựng các đô thị thông minh, Bộ TT&TT đã nghiên cứu các định hướng để đưa ra lộ trình phát triển.

Trong đó, Bộ lưu ý đến việc khảo sát kỹ hiện trạng từ đó xác định mô hình triển khai sao cho phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Bên cạnh đó, cần có lộ trình phát triển rõ ràng, tránh sự trùng lặp. Các địa phương cũng nên ưu tiên triển khai những hướng phát triển phù hợp nhất với thế mạnh của mình.

Bộ TT&TT cũng đang đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế để tạo điều kiện học tập kinh nghiệm phát triển tại các đô thị tiên tiến. Từ đó, xây dựng nên mô hình đô thị thông minh điển hình phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam.

Hồng Hạnh (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news