Tin mới

Vụ BS Lương: Hợp đồng 99 triệu bị nhượng còn 49 triệu, nguyên nhân thật sự khiến chết 8 người chết được hé lộ

Thứ sáu, 18/05/2018, 09:59 (GMT+7)

Việc chuyển nhượng hợp đồng giữa công ty Thiên Sơn và Công ty Trâm Anh gây thất thoát gần 50 triệu đồng chính là nguyên nhân dẫn đến cái chết của 8 bệnh nhân chạy thận.

Việc chuyển nhượng hợp đồng giữa công ty Thiên Sơn và Công ty Trâm Anh gây thất thoát gần 50 triệu đồng chính là nguyên nhân dẫn đến cái chết của 8 bệnh nhân chạy thận.

Trao đổi với PV Infonet, luật sư Nguyễn Danh Huế cho biết, trước khi xảy ra thảm họa y khoa làm 8 người chết tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình, ông Trương Quý Dương (nguyên giám đốc Bệnh viện) đã ký hợp đồng số 315/BVĐKT-TS với Công ty Thiên Sơn do ông Đỗ Anh Tuấn làm tổng giám đốc, với nội dung cung cấp vật tư sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 cho đơn nguyên Thận nhân tạo.

Giá trị hợp đồng giữa Công ty Thiên Sơn và BVĐK tỉnh Hòa Bình là 99.360.800 đồng.

Sau đó, Công ty Thiên Sơn chuyển nhượng hợp đồng này cho Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh (Công ty Trâm Anh) do bị cáo Bùi Mạnh Quốc làm giám đốc. Giá trị hợp đồng giữa Công ty Thiên Sơn và Công ty Trâm Anh, theo lời bị cáo Bùi Mạnh Quốc, chỉ là hơn 49 triệu đồng. Như vậy, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã thất thoát gần 50 triệu đồng.

Trao đổi với báo chí vào chiều 17/5, ngay sau khi kết thúc ngày xét xử thứ ba của phiên tòa xét xử bác sỹ Hoàng Công Lương, luật sư Nguyễn Danh Huế (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho BVĐK tỉnh Hòa Bình) cho rằng việc Công ty Thiên Sơn chuyển nhượng 100% giá trị hợp đồng cho Công ty Trâm Anh đã vi phạm quy định tại Điều 90 Luật Đấu thầu.

Luật Đấu thầu quy định chỉ được phép chuyển nhượng tối đa 10% giá trị hợp đồng.

Tuy nhiên, cơ quan CSĐT chỉ kiến nghị Sở KH&ĐT cấm Công ty Thiên Sơn tham gia các hoạt động thầu và cho rằng chưa đủ căn cứ khởi tố Thiên Sơn. Điều tra viên Bùi Tuấn Nghĩa đã không trả lời câu hỏi trên, sau khi HĐXX cho rằng việc trả lời thuộc thẩm quyền của Thủ trưởng của ông Nghĩa.

Luật sư tiết lộ

Luật sư Nguyễn Danh Huế (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) tại phiên tòa xét xử vụ án Hoàng Công Lương. Ảnh Thời Đại

"Tôi cho rằng vấn đề này cần phải được làm rõ. Căn cứ vào đâu Cơ quan CSĐT chỉ đề nghị xem xét trách nhiệm hành chính?", luật sư Nguyễn Danh Huế nói với các phóng viên.

Ông Nguyễn Danh Huế cũng cho rằng câu trả lời của đại diện theo ủy quyền của Công ty Thiên Sơn tại phiên tòa là không thỏa đáng. Trong một vụ án hình sự, người đại diện theo ủy quyền có thể không nói được hết bản chất của sự việc do họ không trực tiếp tham gia. Việc ông Đỗ Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Thiên Sơn không trực tiếp có mặt tại phiên tòa đã thể hiện thái độ trốn tránh trách nhiệm.

Với mức giá xấp xỉ 100 triệu đồng trong hợp đồng giữa Công ty Thiên Sơn với BVĐK tỉnh Hòa Bình, nhưng sau đó Công ty này lại thỏa thuận với Công ty Trâm Anh chỉ với mức giá chưa tới 50 triệu đồng (theo báo giá của Công ty Trâm Anh gửi cho Thiên Sơn) đã cho thấy ông Trương Quý Dương làm thất thoát số tiền gấp đôi giá trị thực của công việc.

Là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho BVĐK tỉnh Hòa Bình, luật sư Nguyễn Danh Huế cho rằng hành vi chuyển nhượng hợp đồng giữa Thiên Sơn và Trâm Anh là hành vi trái pháp luật.

Luật sư Nguyễn Danh Huế khẳng định: "Việc chuyển nhượng hợp đồng này là đầu mối của vấn đề, nếu không có việc chuyển nhượng này chắc chắn vụ án đã không xảy ra ở mức đặc biệt nghiêm trọng như thế này".

Từ đó, luật sư Huế đề nghị HĐXX cần phải triệu tập những người có liên quan gồm: nguyên Giám đốc bệnh viện Trương Quý Dương; ông Trần Văn Thắng, Trưởng phòng Vật tư – Thiết bị BVĐK tỉnh Hòa Bình; và ông Đỗ Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Thiên Sơn. Việc này là rất quan trọng.

Đây chính là 3 cá nhân có thể giúp cởi bỏ nút thắt của vấn đề. Nếu không triệu tập được cả 3 người này, vụ án sẽ trở nên bế tắc và có thể sẽ có một bản án thiếu thuyết phục, không khách quan.

Trong một diễn biến khác liên quan đến sự cố y khoa làm 8 người chết tại bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, thông tin về việc ký hợp đồng giữa phía bệnh viện và công ty Thiên Sơn được tập trung làm rõ.

Theo thông tin từ báo Giao Thông, ông Đỗ Đình Vận, Phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình cho biết, bệnh viện thực hiện việc xã hội hóa trong chạy thận từ năm 2010. Thực chất của việc xã hội hóa này là liên kết kinh doanh trong việc chạy thận.

Tại thời điểm đó, theo lời ông Vận, ông Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình không thông báo cho ông Vận được biết các thông tin chi tiết trong hợp đồng giữa bệnh viện và công ty Thiên Sơn nên ông không biết cụ thể các chi tiết trong hợp đồng.

Luật sư Hoàng Ngọc Biên (bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương) công bố nội dung ghi trong hồ sơ, trong đó có tỷ lệ ăn chia giữa bệnh viện và công ty Thiên Sơn: “Thiên Sơn hưởng 90% tổng doanh thu trong tháng, bệnh viện hưởng 10% tổng Doanh thu của tháng, số tiền này bệnh viện chi cho chi phí điện nước, ấn phẩm, phụ phí thủ thuật”.

Trước thông tin này, ông Vận một lần nữa khẳng định không được ông Dương cho biết “tỷ lệ phần trăm ăn chia”. Ông vừa dứt lời, luật sư tiếp tục công bố số tiền Công ty Thiên Sơn nhận là 7,7 USD/ca chạy thận.

Sáng 18/5, phiên tòa tiếp tục xét xử.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news