Tin mới

Vụ cháy Công ty Rạng Đông: 10 PV và 2 người dân xét nghiệm nhiễm độc thủy ngân

Thứ sáu, 30/08/2019, 16:12 (GMT+7)

Sau vụ cháy xảy ra tại Công ty Rạng Đông, 12 người trong đó có 10 PV tác nghiệp ở hiện trường đã đến kiểm tra sức khỏe tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Theo tin tức trên Zing.vn, VTC News, chiều 30/8, thông tin về mối lo ngại đối với sức khỏe người dân xung quanh vụ cháy tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, ThS. BS Nguyễn Trung Nguyên – Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong sáng nay, bệnh viện có tiếp nhận 2 người dân khu vực gần vụ cháy tới thăm khám, xét nghiệm.

Quang cảnh họp báo tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: VTC News

Ngoài ra, 10 phóng viên trực tiếp tham gia tác nghiệp hiện trường vụ cháy cũng đến xét nghiệm máu với các biểu hiện đau đầu, chóng mặt, buồn nôn.

Theo BS Nguyên, tổng số 12 người đến khám đều có chung biểu hiện là đau đầu, chóng mặt và buồn nôn. Dựa vào thăm khám trực quan ban đầu, tất cả các trường hợp trên đều đang ổn định, không có triệu chứng quá đặc biệt. Tuy nhiên, để đánh giá chính xác mức độ ảnh hưởng và có nguy hại tới sức khỏe hay không còn chờ vào kết quả xét nghiệm máu, nước tiểu.

"Chúng tôi sẽ cố gắng để có kết quả sớm nhất. Mục đích của họ khi đến khám là chủ động kiểm tra sức khỏe", bác sĩ Nguyên thông tin và cho biết vấn đề rò rỉ thuỷ ngân cần được xem xét nhưng hiện tại đó chỉ là yếu tố phán đoán, chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chuyên môn.

ThS. BS Nguyễn Trung Nguyên chia sẻ với báo giới. Ảnh: Zing.vn

Theo vị chuyên gia này, người dân cũng cần phải thật bình tĩnh, bởi ngộ độc thủy ngân phải tính đến rất nhiều các yếu tố như: Nồng độ, thời gian tiếp xúc, môi trường khép kíp hay không khép kín hay thậm chí là chiều gió…

Theo bác sĩ Nguyên, lính cứu hỏa, người dân tham gia dập lửa, công an, phóng viên tác nghiệp hiện trường là những người có nguy cơ cao nhiễm độc thủy ngân. Ảnh: FB

Ngoài ra, nếu ngộ độc, nguy cơ cao nhất, dễ bị ảnh hưởng nhất bao gồm: Lính cứu hỏa, công nhân trực tiếp tham gia cứu hỏa, hít phải hơi nóng, sau đó là trẻ em, người già, người đang mắc bệnh có xu hướng cần phải hít thở nhiều, phóng viên tác nghiệp hiện trường... Họ cần được thăm khám sớm khi có biểu hiện bất thường như khó chịu, ho nhiều, tức ngực, nôn mửa, tiêu chảy, tê chân tay...

Đây là xét nghiệm có thể xác định được cơ thể có bị nhiễm độc thuỷ ngân hay không trong vòng 24 giờ sau khi tiếp xúc với yếu tố nguy cơ.

Cũng theo bác sĩ Nguyên, dấu hiệu ngộ độc được chia thành nhiều dạng tùy theo loại thủy ngân. Trường hợp hít phải thuỷ ngân kim loại, trong vòng vài giờ, người bệnh sẽ có biểu hiện nôn mửa, đau đầu,... Lúc này, nạn nhân cần được đưa ra khỏi môi trường ô nhiễm, nếu dính hoá chất vào các bộ phận trên cơ thể cần dùng nước để rửa sạch. Bệnh nhân bị ngộ độc thủy ngân cấp tính cần được điều trị ngay, tránh trở thành ngộ độc mạn tính.

"Người dân ở khoảng cách xa, không hít phải hơn nóng, khí độc, nguy cơ sẽ thấp hơn, nên chưa cần đi khám để tránh lãng phí. Tuy nhiên, người dân quanh khu vực xảy ra đám cháy cần tiếp tục chủ động theo dõi sức khỏe tại nhà và thăm khám nếu có dấu hiệu bất thường.

Lưu ý, người dân không được tự ý áp dụng các biện pháp thải độc thuỷ ngân tại nhà. Để loại bỏ chất độc này ra khỏi cơ thể, người dân cần đến bệnh viện để thăm khám và điều trị", vị bác sĩ Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news