Tin mới

Vụ máy bay rơi ở Tam Đảo: Thông tin chính thức việc tìm kiếm hài cốt nghi của 2 phi công

Thứ hai, 01/10/2018, 22:37 (GMT+7)

Qua việc giám định pháp y ban đầu, cơ quan chức năng xác định không có cấu trúc xương trong các di vật được tìm thấy trên núi Tam Đảo, được cho là hài cốt của 2 phi công gặp nạn 47 năm trước.

Qua việc giám định pháp y ban đầu, cơ quan chức năng xác định không có cấu trúc xương trong các di vật được tìm thấy trên núi Tam Đảo, được cho là hài cốt của 2 phi công gặp nạn 47 năm trước.

Theo tin tức từ Thanh Niên, chiều 1/10, thiếu tướng Trần Quốc Dũng, Cục trưởng Cục Chính sách, Bộ Quốc phòng, đã chủ trì buổi làm việc tại trụ sở Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên để nghe báo cáo kết quả tìm kiếm, quy tập di vật vụ tai nạn máy bay vào cuối tháng 9 vừa qua về Mig-21U gặp nạn ngày 30/4/1971.

Tại buổi làm việc, ông Trần Quốc Dũng đánh giá cao nỗ lực của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên trong việc thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Quân khu 1 trong tổ chức tìm kiếm, xác minh các di vật của 2 phi công Việt Nam và phi công Liên Xô (cũ) bị tai nạn năm 1971.

Ông Dũng đề nghị Bộ chỉ huy quân sự tỉnh bàn giao các di vật cho đại diện Quân chủng Phòng không - Không quân và Viện Pháp y quân đội để tiến hành các bước giám định nếu đủ điều kiện.

Đại tá Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Pháp y quân đội, giám định bước đầu các di vật được cho là hài cốt của các liệt sĩ. Ảnh TNO

Dẫn nguồn tin Vietnamnet, Đại tá Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Pháp y quân đội cho biết, việc giám định các di vật từ một vụ tai nạn máy bay cách đây gần 50 năm là hết sức khó khăn.

Ông đề nghị, trước hết, Viện Pháp y quân đội sẽ giám định bước đầu, nếu đúng là các di vật tìm thấy có cấu trúc xương và các cấu trúc xương này đủ điều kiện để giám định ADN thì Viện sẽ tiếp nhận, đưa về Hà Nội để tiến hành các bước tiếp theo.

Tuy nhiên, kết quả giám định bước đầu của Viện Pháp y quân đội thực hiện ngay tại trụ sở Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên cho thấy, không có cấu trúc xương trong những di vật được tìm thấy, do đó, không đủ điều kiện để giám định các bước tiếp theo.

Cũng theo Dân Việt, kết luận của thiếu tướng Trần Quốc Dũng, Cục trưởng Cục chính sách quân đội cho hay, Quân khu I và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên sẽ phối hợp với Quân chủng phòng không, không quân tiếp tục mở rộng tìm kiếm tại hiện trường nghi là máy bay rơi. Việc tìm kiếm nhằm đưa ra được kết luận cuối cùng việc có hay không vụ máy bay rơi vào ngày 30/4/1971 tại vị trí đó và đánh giá đây có đúng là nơi 2 phi công đã hi sinh hay không?

Trong chiều 29/9, mẫu vật nghi hài cốt của 2 phi công đã được khâm liệm và đưa về trụ sở Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên. Thân nhân gia đình phi công Cống Phương Thảo cũng đã có mặt ở Thái Nguyên.

Máy bay MIG-21U do phi công Cống Phương Thảo điều khiển cùng với huấn luyện viên Liên Xô, đại úy Yuri Poyarkov đang thực hiện bay huấn luyện theo kế hoạch thì gặp nạn tại khu vực núi Tam Đảo vào ngày 30/4/1971.

Theo thông tin lưu trữ của Quân chủng Phòng không - Không quân, từ 30/4 đến 8/5/1971, Quân chủng Phòng không - Không quân đã 13 lần sử dụng máy bay An-2; 30 lần sử dụng máy bay Mi-4, 17 lần hạ cánh tại các bãi; tổ chức 3 tổ cấp cứu mặt đất, phối hợp với dân quân địa phương đi sâu vào núi Tam Đảo và các khu vực nghi máy bay rơi để tìm kiếm, nhưng không phát hiện được gì.

Tới cuối năm 2017, xuất phát từ việc một cô gái người Nga mong muốn tìm kiếm thông tin về việc mất tích của ông mình - phi công Yuri Poyarkov, trong một tai nạn xảy ra năm 1971 khi ông đang làm nhiệm vụ chuyên gia huấn luyện bay trong quân đội Việt Nam, một nhóm tìm kiếm bao gồm những người từng có thời gian gắn bó và làm việc tại Nga, các chuyên gia, nhà khoa học… đã phối hợp và lên kế hoạch tìm kiếm.

Hà Trang (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news