Tin mới

Sự thật đáng buồn về những công trình nghìn tỷ

Thứ năm, 26/06/2014, 17:27 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Sau những sự cố như vỡ đường ống nước, đường cao tốc vừa thông xe đã sụt lún... khi mức đầu tư cho những công trình này lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Chúng ta mới giật mình về chất lượng những công trình nghìn tỷ.

 

 

 

(Tinmoi.vn) Sau những sự cố như vỡ đường ống nước, đường cao tốc vừa thông xe đã sụt lún... khi mức đầu tư cho những công trình này lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Chúng ta mới giật mình về chất lượng những công trình nghìn tỷ.

Tuy nhiên, thực tế về chất lượng những công trình mà Chính phủ bỏ "tiền núi" ra đầu tư còn đáng buồn hơn khi nhìn vào những thống kê dưới đây.

"Đắp" tiền tỷ để sửa chữa công trình nghìn tỷ

Công nhân đang khắc phục sự cố vỡ ống nước lần thứ 7 (ngày 17/6). Đến ngày 24/6, đường ống lại gặp sự cố với van khoa nước.

Đường ống nước sạch sông Đà do công ty Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VINACONEX) làm chủ đầu tư. Hệ thống cấp nước sạch sông Đà – Hà Nội là một phần quan trọng của Dự án Hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây – Hòa Lạc – Xuân Mai – Miếu Môn – Hà Nội – Hà Đông, cung cấp nước cho khoảng 70 nghìn hộ dân. Dự án được đầu tư với kinh phí 1.500 tỷ đồng, đưa vào sử dụng từ đầu năm 2009. Thế nhưng, qua 6 năm hoạt động, đường ống đã 7 lần gặp sự cố. 

Trả lời trên báo Dân trí, đại diện của Công ty CP Nước sạch Vinaconex, mỗi lần sửa chữa khắc phục đường ống bị vỡ, tuy chưa có con số thống kê chính xác nhưng số tiền sửa chữa mỗi lần ít nhất cũng hơn 1 tỷ đồng. Như vậy, sau 7 lần xảy ra sự cố, Công ty CP Nước sạch Vinaconex phải "đắp" hàng chục tỷ để sửa chữa công trình trị giá hàng nghìn tỷ đồng.

Những con đường nghìn tỷ vừa khánh thành đã sụt, lún

Đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây dù mới thông xe 20 km được hơn 4 tháng nhưng đã xuất hiện lún.

Đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55 km với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 20.630 tỉ đồng bằng nguồn vốn vay ODA và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Tuyến đường này được khởi công từ năm 2009. Theo kế hoạch ban đầu dự án hoàn thành vào năm 2012. Tuy nhiên, đến đầu năm 2014 mới hoàn thành và thông xe được 20 km. Thế nhưng, mới đưa vào hoạt động được 4 tháng, tuyến đường đã xuất hiện tình trạng bị lún, nứt, mặt đường xấu.

Tuyến quốc lộ Uông Bí - Hạ Long vừa được khánh thành ngày 18/5 sau hơn 2 năm xây dựng. Tuy nhiên, công trình nghìn tỷ này đang bị xuống cấp, lún sụt ở làn hướng lưu thông Hạ Long - Uông Bí.

Quốc lộ 18, đoạn mở rộng Hạ Long - Uông Bí dài 30 km được nâng cấp từ hai lên bốn làn xe cơ giới, thiết kế có dải phân cách cứng ở giữa, tiêu chuẩn đường cấp ba đồng bằng, tốc độ tối đa 80 km/h. Dự án có tổng vốn đầu tư 2.800 tỷ đồng. Sau hai năm triển khai, ngày 18/5 vừa qua, để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, Bộ Giao thông đã đồng ý cho chủ đầu tư thông xe kỹ thuật. Tuy nhiên, chỉ hơn một tuần sau ngày khánh thành, quốc lộ 18 đoạn từ Uông Bí - Hạ Long (Quảng Ninh) đã có nhiều đoạn lún, nứt nghiêm trọng. 

Đường Mai Chí Thọ, đại lộ được xem là hiện đại nhất TP HCM sụt lún nghiêm trọng.

Đường Mai Chí Thọ (đại lộ Đông Tây), đại lộ được xem là hiện đại nhất TP HCM với tổng mức đầu tư lên đến hơn 13.400 tỷ đồng, được đưa vào sử dụng từ tháng 08/2010. Trong hơn 3 năm đưa vào sử dụng, mặt đường thường xuyên bị lún, trồi nhựa. Đặc biệt, hơn 1 năm qua, đường Mai Chí Thọ đoạn qua phường An Phú, quận 2, TP HCM bị hư hỏng nghiêm trọng.

Đường cao tốc TP HCM - Trung Lương khởi công tháng 12/2004 và đưa vào khai thác tháng 2/1010 với tổng đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ một thời gian rất ngắn sau, mặt đường nhiều đoạn đã sụt lún, nứt thành rãnh dài gần 10km, xuất hiện nhiều ổ gà, voi... 

Những ổ voi, ổ trâu như thế này không hiếm gặp trên cao tốc TP HCM - Trung Lương

Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được đầu tư 9.000 tỷ đồng cũng nhanh chóng xuống cấp.

Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình khởi công xây dựng năm 2006 và được đưa vào sử dụng cách đây 2 năm, với chiều dài 54km, vốn đầu tư gần 9.000 tỷ đồng, nhưng đã nhanh chóng bị lún, nứt, xuống cấp và phải vá víu sau đó. 

Cầu Thăng Long vá chi chít nhưng vẫn nứt, lún

Mặt cầu Thăng Long bị lún, nứt sau 2 tháng đi vào hoạt động.

Mặt cầu Thăng Long được tiến hành thay mới từ tháng 10/2009 đến ngày 20/12/2009 với vốn đầu tư hơn 90 tỷ đồng. Dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, 2 tháng sau khi thông xe, mặt cầu xuất hiện hàng loạt vết nứt kéo, tách khoảng 3-5cm, độ dài trung bình từ 2-4m cho mỗi vết nứt.

Thuận Phong (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news