Tin mới

Cái giá phải trả để giải quyết vụ nhà báo Ả rập Saudi Jamal Khashoggi bị giết hại

Thứ sáu, 19/10/2018, 19:51 (GMT+7)

Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Ả rập Saudi đang phối hợp hành động để đạt được một thỏa thuận tay ba nhằm giảm bớt căng thẳng của vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi.

Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Ả rập Saudi đang phối hợp hành động để đạt được một thỏa thuận tay ba nhằm giảm bớt căng thẳng của vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi.

Ai đã giết nhà báo Ả rập Saudi Jamal Khashoggi ở Thổ Nhĩ Kỳ?

Mặc dù chưa đưa ra kết luận cuối cùng, nhưng các cơ quan an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã tìm thấy nhiều bằng chứng nhà báo Ả rập Saudi Jamal Khashoggi bị giết hại trong toà nhà lãnh sự quán của Ả rập Saudi tại Istanbul ngày 2/10/2010.

Ông Khashoggi làm việc cho tờ Washington Post đã biến mất vào tuần trước sau khi ông vào lãnh sự quán Ả rập Saudi ở Istanbul để làm giấy tờ chứng nhận hôn nhân. 

Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng ông là nạn nhân của một nhóm đặc vụ Ả rập Saudi vì ông từ chối không chịu về nước. Người ta nghi rằng, thi thể của ông đã bị phân xác và được đưa ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ bằng túi thư ngoại giao.

Chính tờ Washington Post đã cáo buộc Thái tử Mohammed Bin Salman đứng sau vụ giết nhà báo Jamal Khashoggi. Theo tờ báo, Jamal Khashoggi là "người viết nhiều bài phê phán chính phủ Ả rập Saudi và cá nhân Thái tử Mohammed Bin Salman".

Một số bạn bè của Khashoggi nói rằng, trong khoảng 4 tháng trở lại đây các quan chức cao cấp của Ả rập Saudi thân cận với Thái tử Mohammed Bin Salman đã động viên ông về nước, hứa bảo vệ an toàn và thu xếp cho ông một công việc rất tốt, nhưng ông đã từ chối.

Vì sao phải thủ tiêu Jamal Khashoggi?

Theo các chuyên gia nghiên cứu về Trung Đông, hoàng gia Saudi có khoảng 25.000 người gồm 8 bộ tộc chính. 

Người đứng đầu bộ tộc Sudeiri là vua Salman Bin Abdulaziz đã phế truất cháu trai Mohammed Bin Nayef, 57 tuổi, khỏi vị trí thái tử và thay thế bằng người con trai Mohammed Bin Salman, 31 tuổi. Nhiều thành viên các gia tộc khác không tán thành quyết định này của Vua Salman.

Cuộc đấu tranh giữa các bộ tộc tăng mạnh, đặc biệt sau khi Thái tử Salman tiến hành một cuộc thanh trừng rộng rãi trong nội bộ Hoàng gia. Khashoggi không chỉ là nhà báo mà còn là người gần gũi với bộ tộc Turki, cạnh tranh với bộ tộc Sudeiri. 

Bandar Bin Sultan, cựu đại sứ của Ả rập Saudi tại Mỹ thuộc bộ tộc Turki đang bị quản thúc tại gia ở Riyadh được nhắc đến nhiều nhất. Bandar Bin Sultan và Khashoggi là những người bạn rất thân nhau.

Người có ảnh hưởng lớn thứ hai của bộ tộc này là Turki Ibn Faisal, người đứng đầu Cơ quan tình báo của Ả rập Saudi. Ông có những mối liên hệ rất rộng rãi tại Mỹ, và Khashoggi cũng là bạn thân của ông.

Khashoggi đã hoạt động phục vụ lợi ích của bộ tộc Turki tại Mỹ, không ủng hộ các Chính sách của Thái tử Salman. 

Những người am hiểu về nội tộc Ả rập Saudi cho rằng Khashoggi bị giết vì thái tử Salman nghi ngờ ông và Bandar Bin Sultan đang thiết lập các cơ sở ở Mỹ chuẩn bị kế hoạch lật đổ Vua Salman và Thái tử Salman.

Khashoggi cũng viết trên tờ Washington Post rằng ông biết một số điều liên quan đến sự tham gia của Ả rập Saudi vào vụ khủng bố đánh vào Trung tâm thương mại thế giới (WTC) tại New York 11/9/2001. 

Đây cũng có thể là lý do phải giết ông vì lúc đó Salman Bin Abdulaziz là Bộ trưởng Quốc phòng và rất có thể, nhà báo Khasshoggi có một số tài liệu nhạy cảm liên quan đến vai trò của Salman Bin Abdulaziz trong vụ khủng bố này.

Tại sao Tổng thống Trump lại tìm cách bênh vực cho Ả rập Saudi?

Tổng thống Mỹ D. Trump mới đây tuyên bố "có thể một số phần tử bất hảo" đứng đằng sau vụ sát hại nhà báo J. Khashoggi và Vua Salman bin Abdulaziz cũng như Thái tử Mohammed Bin Salman khẳng định với ông rằng họ không hề biết gì về vụ này. 

Ngày 17/10/2018, trả lời phỏng vấn hãng Fox News Business, ông Donald Trump nói: "Tôi không muốn từ bỏ Ả rập Saudi mặc dù có lo ngại về việc nhà báo Khashoggi biến mất. Tôi hy vọng các nhà lãnh đạo Ả rập Saudi không tham gia vào vụ này. Mỹ cần Ả rập Saudi trong cuộc chiến chống khủng bố."

Ngay sau khi bước vào Nhà trắng, Tổng thống Trump đã chọn Ả rập Saudi là trạm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài của ông. 

Trong chuyến thăm này, Mỹ và Ả rập Saudi đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác cho 10 năm tới với tổng trị giá khoảng 380 tỷ USD, trong đó có hợp đồng bán vũ khí cho Ả rập Saudi lên tới 110 tỷ USD. Đây là hợp đồng quân sự lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Ả rập Saudi là một trong những đồng minh thân cận nhất của Washington ở Trung Đông. Chính quyền Donald Trump đang rất cần Ả rập Saudi để triển khai chiến lược của mình ở khu vực này, đặc biệt trong việc thực hiện "Thỏa thuận thế kỷ" nhằm giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine, tập hợp lực lượng chống Iran. 

Washington cũng đang đề nghị Riyadh tăng sản lượng dầu để ổn định Giá dầu sau khi cấm Iran xuất dầu vào 4/11 tới. 

Một khi có những lợi ích chung lớn như vậy, người ta sẵn sàng bỏ qua những vi phạm quyền con người và luật pháp quốc tế. Câu ngạn ngữ "Đồng tiền không có mùi" (Money has no smell) rất đúng trong trường hợp này.

Không phải ngẫu nhiên, ngay sau khi xảy ra sự việc, Ngoại trường Mỹ Mike Pompeo đã lên đường đến Riyadh gặp Vua Salman và Thái tử Mohammed Bin Salman, sau đó sang Ankara gặp Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. 

Đáng lưu ý, báo New York Times ngày 18/10/2018 đưa tin, ngay sau khi ông Pompeo đến Riyadh, Ả rập Saudi đã chuyển vào tài khoản của Bộ Ngoại giao Mỹ 100 triệu USD. Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Ả rập Saudi đang phối hợp hành động để đạt được một thỏa thuận tay ba nhằm giảm bớt căng thẳng của vụ giết hại nhà báo Khashoggi.

Cái giá sẽ được trả để khép lại vụ việc

Trước đây, đã có trường hợp tương tự được giải quyết ổn thỏa. Năm 1988, quan hệ giữa Libya và Mỹ cực kỳ căng thẳng sau vụ chiếc máy bay của hãng Pan American World Airways bị Libya đánh bom nổ trên bầu trời Lockerbie (Scotland). 

Chính Hoàng tử Bandar Bin Sultan, Đại sứ Ả rập Saudi tại Washington vào thời điểm đó đã đứng ra dàn xếp để xoá bỏ trách nhiệm của nhà lãnh đạo Qaddafi trong vụ này và chấm dứt cấm vận đối với Libya.

Abdel Basset Al-Megrahi, một nhân viên an ninh Libya đã được dùng làm "con dê tế thần". 

Anh ta thừa nhận mình đặt bom trên chuyến bay của hãng Pan Am làm chết 270 hành khách và đã bị kết án tù chung thân. Sau khi vào nhà tù Glasgow, Al-Megrahi khẳng định với những người thân của mình rằng ông không có bất cứ vai trò nào trong vụ này.

Al-Megrahi nói anh bị ung thư giai đoạn cuối và chỉ có thể sống được vài tháng nữa nên không còn gì để mất và sẵn sàng nhận trách nhiệm về mình để cứu người khác và cứu Libya. Sau đó, Qaddafi đã chấp nhận chi trả 3 tỷ USD bồi thường cho gia đình các nạn nhân. Vụ việc được khép lại.

Năm 2011, Qaddafi bị giết trong cuộc chiến tranh Libya, cựu Bộ trưởng Tư pháp Libya Mustafa Abdul Jalil đã tuyên bố thừa nhận chính Qaddafi đã đã lệnh đặt bom trên chiếc máy bay này.

Một số nhà phân tích chính trị cho rằng việc Tổng thống Trump tuyên bố về khả năng "một số phần tử bất hảo" đứng sau vụ giết hại nhà báo Khashoggi có thể là một gợi ý để giải quyết vấn đề theo kịch bản vụ khủng bố làm nổ chiếc máy bay của hãng Pan Am.

Việc nhà báo Khashoggi bị giết hại trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ đang gây căng thẳng trong quan hệ giữa Ả rập Saudi với Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. 

Đây là vụ vi phạm hết sức nghiêm trọngquyền con người, luật pháp quốc tế và độc lập chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ. 

Quốc hội Mỹ và cộng đồng quốc tế đang gây sức ép với Tổng thống Trump để có các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Ả rập Saudi. Ông Trump đang ở trong tình thế hết sức khó khăn "trên đe dưới búa" khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang tới gần.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news