Tin mới

Cựu "trùm đả hổ" Trung Quốc đối mặt kỳ phùng địch thủ vì nước cờ của Tổng thống Trump

Thứ ba, 01/05/2018, 14:28 (GMT+7)

Một phái đoàn đại diện thương mại cứng rắn về đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump cử tới Trung Quốc để giải quyết những tranh chấp song phương.

Một phái đoàn đại diện thương mại cứng rắn về đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump cử tới Trung Quốc để giải quyết những tranh chấp song phương.

Trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 29/4, Tổng thống Mỹ Donald cho biết, ông sẽ cử một phái đoàn cố vấn cấp cao tới Bắc Kinh để thảo luận về các vấn đề thương mại song phương từ ngày 30/4 đến 6/5.

Ông chủ Nhà Trắng khẳng định, nếu hai bên không thể đạt được thỏa thuận, Mỹ sẽ áp đặt thuế với tất cả các sản phẩm của Trung Quốc.

Được biết, phái đoàn Mỹ tới Trung Quốc gồm Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Cố vấn thương mại Peter Navarro, Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Larry Kudlow và Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad.

Kỳ phùng địch thủ

Cựu trùm đả hổ Trung Quốc đối mặt kỳ phùng địch thủ vì nước cờ của Tổng thống Trump - Ảnh 1.

Một đội ngũ đại diện Mỹ đã được TT Trump cử sang Bắc Kinh để thảo luận các vấn đề thương mại song phương. Ảnh: Reuters

Theo giới phân tích, bốn đại diện thương mại của Mỹ đều không hề đơn giản. Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin từng nhiều lần bày tỏ các quan điểm cứng rắn tương tự Tổng thống Trump: Nếu không đạt được mục tiêu, Mỹ sẽ áp đặt thuế đối với tất cả các loại hàng hóa của Trung Quốc.

Ngày 25/3, ông này nhấn mạnh, việc Tổng thống Trump tuyên bố áp thuế nhập khẩu đối với 60 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc không phải là sự phô trương thanh thế.

"Đúng như Tổng thống nói, tôi cần giảm bớt thâm hụt thương mại là 100 tỷ USD vào năm sau. Tôi rất hy vọng, chúng ta có thể đạt được thỏa thuận, nhưng nếu như không thể, chúng tôi sẽ bắt đầu áp đặt thuế quan, chúng tôi sẽ không bỏ qua...", ông Mnuchin nói.

Trong khi đó, tân Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia kiêm Cố vấn kinh tế chủ chốt của Nhà Trắng Larry Kudlow cũng từng bày tỏ lập trường cứng rắn trước khả năng xảy ra chiến tranh thương mại Trung-Mỹ.

Ngày 25/3, trả lời phỏng vấn đài phát thanh New York, ông Kudlow cho biết, mục đích việc Tổng thống Trump đề xuất áp đặt thuế nhập khẩu đối với 60 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc là để buộc Bắc Kinh dừng hành vi đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ.

Ông nói: "Tổng thống Trump là người ủng hộ tự do thương mại và trên con đường hướng tới tự do thương mại tất nhiên cần phải điều chỉnh sự thiếu công bằng trong thương mại, trong khi Trung Quốc lại nổi tiếng về phương diện này".

Kudlow luôn khẳng định, Chính sách thương mại đối với Trung Quốc của Tổng thống Trump là vô cùng chính xác bởi phần sai thuộc về Bắc Kinh. Đồng thời, ông này còn kêu gọi thành lập một "liên quân quốc tế" để cùng đối phó với Bắc Kinh.

Bên cạnh đó, trong cuộc trả lời tạp chí Forbes ngày 4/4, ông này tiếp tục nhấn mạnh, không thể đổ lỗi cho Tổng thống Trump nếu chiến tranh thương mại xảy ra bởi phần lỗi thuộc về Trung Quốc và thị trường chứng khoán không nên quá căng thẳng trước các biểu hiện [tiêu cực] trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung.

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cũng được biết đến là người luôn có thái độ gay gắt với Bắc Kinh. Từ năm 1999, trong một bài viết trên tờ The New York Times, ông này từng cảnh báo rằng việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO giống như một mối đe dọa với Washington (Trung Quốc chính thức gia nhập WTO năm 2001).

Theo Bloomberg, ông Lighthizer thường xuyên chỉ trích Trung Quốc về vấn đề thương mại. Là một luật sự, đại diện cho lợi ích của ngành thép Mỹ từ lâu, ông này từng nhiều lần thắng kiện trong các vụ án về bán phá giá và trợ cấp đối với các sản phẩm thép nhập từ Trung Quốc.

Trong khi đó, để thể hiện lập trường cứng rắn của mình, Cố vấn thương mại Mỹ Peter Navarro đã xuất bản cuốn sách "Death by China: How America Lost its Manufacturing Base" (Cái chết bởi Trung Quốc: Nước Mỹ đã mất đi những cơ sở sản xuất như thế nào? - tạm dịch), liệt kê những thiệt hại khổng lồ do 8 hình thức bất hợp pháp trong giao dịch thương mại của Trung Quốc mang lại.

Tổng thống Trump cũng lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ quan điểm trong cuốn sách này của ông Navarro.

Hiện nay, rất nhiều ý kiến cho rằng, trước những kỳ phùng địch thủ của Washington, phía Bắc Kinh mà nổi bật là tân Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn - người được mệnh danh là cựu "trùm đả hổ" Trung Quốc và cố vấn kinh tế hàng đầu Trung Nam Hải là Lưu Hạc sẽ rất vất vả để đưa ra các lý lẽ thuyết phục trên bàn đàm phán.

Công ty phân tích thị trường Evercore ISI cảnh báo rằng các cuộc đàm phán sắp tới giữa Trung Quốc và Mỹ chỉ là một khởi đầu, chúng sẽ không thể tiến hành trong thời gian ngắn. Các cuộc đàm phán này cũng sẽ không dễ dàng và sẽ không có kết quả rõ ràng trong vài tuần tới.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news