Tin mới

Hoàn cầu: Tên lửa mới của Trung Quốc sẵn sàng xóa sổ cả tàu sân bay Mỹ

Thứ năm, 11/05/2017, 17:15 (GMT+7)

Bộ Quốc phòng Trung Quốc mới đây đã lên tiếng xác nhận, việc phóng thử tên lửa tác chiến mới đây tại biển Bột Hải đã thu được "kết quả như dự kiến".

Bộ Quốc phòng Trung Quốc mới đây đã lên tiếng xác nhận, việc phóng thử tên lửa tác chiến mới đây tại biển Bột Hải đã thu được "kết quả như dự kiến".

Hôm 9/5 vừa qua, người phát ngôn của Lầu Bát Nhất, ông Dương Vũ Quân khẳng định, mục đích của cuộc thử nghiệm diễn ra là nhằm nâng cao khả năng tác chiến của các lực lượng vũ trang và phản ứng nhanh trước các mối đe dọa đến an ninh quốc gia.

Sau thông tin trên, tờ Hoàn cầu Thời báo (phụ trương của tờ Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc) đã có bài bình luận về thông tin trên.

Trong bài viết, Hoàn cầu cho rằng, việc Trung Quốc thử thành công loại tên lửa hành trình này là sự kiện "một mũi tên trúng hai đích", vừa có thể nâng cao khả năng tác chiến của lực lượng vũ trang nước này, vừa chứng minh khả năng tấn công được cả các tàu sân bay lẫn Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà Mỹ đang triển khai ở Hàn Quốc.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc, Tống Trung Bình là người từng tham gia phục vụ trong lực lượng tên lửa của PLA. Trong buổi trả lời phỏng vấn của mình, ông Tống Trung Bình đã nói với tờ Hoàn cầu, "những phần còn lại của tên lửa mà truyền thông đưa tin, có thể đoán được loại tên lửa mới được thử nghiệm là DF-26, còn được biết đến với tên gọi 'sát thủ tàu sân bay'".

Ông Tống phân tích, loại tên lửa và địa điểm thử nghiệm (biển Bột Hải) cho thấy, Trung Quốc  đang tiến hành diễn tập theo đúng kịch bản tấn công tàu sân bay. Theo ông Tống, đầu đạn tên lửa có khả năng được trang bị thêm xung điện từ, điều này sẽ giúp tên lửa "phá hủy hệ thống chỉ huy của tàu sân bay, cũng như lá chắn THAAD".

Trung Quốc thử tên lửa hồi tháng 4 vừa qua.

Khi được hỏi về việc, liệu vụ phóng tên lửa trên có phải động thái đáp trả việc Hàn Quốc tiến hành triển khai THAAD hay không, ông Tống khẳng định đây không phải động thái nhằm vào Seoul. Chuyên gia này nhận định, biển Bột Hải là nơi Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc PLA thường xuyên dùng để tổ chức các hoạt động quân sự. Sở dĩ Bắc Kinh chọn đây là địa điểm thử nghiệm vì nó không mang tính chất nhạy cảm chính trị như Biển Đông và biển Hoa Đông.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia nhận định, thời điểm Trung Quốc thông báo thử nghiệm thành công tên lửa được diễn ra ngay trong ngày Hàn Quốc tổ chức bầu cử Tổng thống cũng là một lời cảnh báo đanh thép đối với chính quyền của tân Tổng thống Hàn Quốc.

Cũng trong một bài xã luận đưa ra sau khi ông Moon Jae In đắc cử, tờ Hoàn Cầu đã nhấn mạnh mong muốn chính quyền mới của tân Tổng thống sẽ cải thiện mối quan hệ song phương và nối lại liên hệ với Triều Tiên.

Bài viết này chỉ trích các chương trình bảo thủ của chính phủ Hàn Quốc từ thời kỳ của ông Lee Myung Bak vì chỉ phục vụ lợi ích quốc gia của Mỹ để đổi lấy sự bảo vệ, từ đó Seoul đã phụ thuộc hoàn toàn vào Washington.

Hoàn Cầu nhấn mạnh, Philippines "đã cho thấy một tấm gương tương phản" với Hàn Quốc. Tổng thống Philippines Duterte ngay sau khi nhậm chức đã thể hiện rõ ràng lập trường cứng rắn của mình bằng cách tuyên bố, Philippines sẽ "không phụ vụ chiến lược của Mỹ" tại khu vực biển Đông.

Tờ Hoàn cầu đã ca ngợi, cho rằng quyết định này của Tổng thống Duterte đã "đặt lợi ích cốt lõi của quốc gia vào trọng tâm đối ngoại, xây dựng mối quan hệ bền chặt với Trung Quốc và 'không bận tâm về phán quyết Biển Đông của Tòa trọng tài'". Tờ này nhận xét, sau quyết định trên của ông Duterte, việc hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và Philippines trở nên vô cùng suôn sẻ, và Washington đã bị "cho ra rìa".

Theo nhận định của tờ Hoàn cầu, Seoul tuy có sức mạnh tổng thể hơn nhiều so với Manila, tuy nhiên Hàn Quốc chỉ đóng vai trò khiêm tốn và quá nhỏ bé trong quan hệ với Mỹ trong khi hoàn toàn có khả năng đóng vai trò chính trong các sự việc tại bán đảo Triều Tiên.

Hệ thống phòng thủ tên lửa giai đoạn cuối THAAD.

Giới chuyên gia quân sự Trung Quốc nhận định, ngay cả khi khả năng phòng thủ của THAAD mạnh, thì hệ thống này cũng chỉ có thể đồng thời đánh chặn 2 đầu đạn tên lửa, chứ không thể ngăn chặn được 8-10 đầu đạn của PLA.

Hoàn Cầu nhận định, hệ thống THAAD chỉ là một loại khí tài. "Sự hiện diện của nó có thể đe dọa Nga-Trung, nhưng ngược lại nếu khí tài này bị xóa sổ, không còn tồn tại nữa, thì liệu Mỹ còn đe dọa được Nga-Trung phóng tên lửa hay không?" - Hoàn Cầu viết.

Nghiêm Thu (Hoàn cầu)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news