Tin mới

Hàng ngàn người tị nạn mắc kẹt trong “nhà tù bất hợp pháp”

Thứ hai, 14/09/2015, 15:51 (GMT+7)

Hàng ngàn người tị nạn có thể bị giam trong những "nhà tù bất hợp pháp" khi các nước châu Âu thông qua những điều lệ biên giới khác nhau để giải quyết làn sóng nhập cư.

Hàng ngàn người tị nạn có thể bị giam trong những "nhà tù bất hợp pháp" khi các nước châu Âu thông qua những điều lệ biên giới khác nhau để giải quyết làn sóng nhập cư.

Đây là cảnh báo của Cơ quan tị nạn Liên hợp quốc (UNHCR).

Cơ quan này đã kêu gọi thành lập những trung tâm tiếp nhận do châu Âu vận hành tại các quốc gia có người nhập cư.

Tuyên bố của UNHCR được đưa ra sau khi Đức áp dụng các biện pháp kiểm soát tại biên giới với Áo.

Các Bộ trưởng Nội vụ châu Âu đã tổ chức nhóm họp bàn về khủng hoảng nhập cư vào ngày hôm nay, 14/9.

Các bộ trưởng sẽ bỏ phiếu cho kế hoạch phân phối lại  40.000 người tị nạn ban đầu thông qua hạn ngạch bắt buộc, mặc dù các nước Trung và Đông Âu đã phản đối điều này.

Kể từ khi số lượng người tăng lên, EU đã tìm cách chia sẻ 160.000 người tị nạn cho 23 nước thành viên thông qua hạn ngạch.

Châu Âu nói chung đang phải vật lộn để đối phó với làn sóng nhập cư khổng lồ, chủ yếu đến từ Syria, ngoài ra còn có Afghanistan, Eritrea và các nước khác. Họ đều chạy trốn khỏi bạo lực và nghèo đói.

Nhiều người di cư đã bị từ chối đăng ký tại các nước như Hy Lạp hay Hungary và lo sợ điều này sẽ ngăn họ không được cấp tị nạn tại Đức hay các nước EU khác.

UNHCR quan ngại rằng những người di cư này sẽ tự vệ bằng cách "gia nhập vào những nhà tù bất hợp pháp".

Các thông báo liên tiếp gần đây về những biện pháp kiểm soát biên giới khác nhau của một số nước châu Âu "chỉ nhấn mạnh tính cấp thiết của việc thành lập một phản ứng toàn diện của châu Âu".

Phản ứng này phải dựa trên việc tạo ra các trung tâm tiếp nhận hiệu quả, "hỗ trợ, đăng ký, sàng lọc đúng những người tới Hy Lạp, Italy và Hungary".

Người nhập cư ngủ lại tại Salzburg sau khi các chuyến tàu nối giữa Đức và Áo bị chặn lại. Ảnh: Reuters

Lời cảnh báo của LHQ được đưa ra khi Đức áp dụng kiểm soát biên giới vào ngày 13/9. Cảnh sát đã chặn xe và dòng người đi bộ gần biên giới, kiểm tra hộ chiếu của họ.

Dịch vụ xe lửa Deutsche Bahn của Đức cho biết các chuyến tàu nối với Áo cũng đã ngừng hoạt động cho tới 3h (giờ GMT) ngày 14/9. Giờ thì các chuyến tàu đã hoạt động lại.

Động thái này đã đi ngược lại với nguyên tắc của khu vực Schengen, cho phép di chuyển tự do giữa các nước châu Âu. Tuy nhiên, thỏa thuận Schengen lại cho phép đình chỉ đi lại tạm thời.

"Mục đích của các biện pháp này là để hạn chế dòng người tràn sang Đức và trở lại các thủ tục trật tự khi mọi người đi vào đất nước", Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đức Thomas de Maiziere cho biết.

Đức cho biết họ đã chạm tới giới hạn của mình khi mà có tới 12.000 người tới Munich chỉ trong cuối tuần qua. Theo dự kiến, nước này sẽ tiếp nhận 800.000 người di cư trong năm nay.

Phóng viên BBC tại Berlin, Damien McGuinness cho biết động thái này của Đức sẽ gây áp lực lên các nước châu Âu khác để kiềm chế và nhấn mạnh những gì mà Đức đang phải đối phó.

Anh cho biết họ sẽ tiếp nhận 20.000 người từ các trại tị nạn trong khu vực trong vòng 5 năm qua. Thủ tướng Anh David Cameron đã tới thăm trại tị nạn Bekaa Valley ở Lebanon vào ngày hôm nay để tận mắt trải nghiệm mọi thứ.

Ngày 13/9, Cộng hòa Czech cho biết họ sẽ tăng cường kiểm soát biên giới với Áo.

5.809 người di cư đã tới Hungary trong ngày 13/9, con số tăng cao kỷ lục so với 4.330 người trong ngày 12/9. Hungary đang cố gắng hoàn thành một bức tường rào cao 4m dọc biên giới Serbia để tăng cường các biện pháp kiểm soát người nhập cư.

Về phía nam, hôm 13/9, lực lượng cảnh sát biển Hy Lạp đã phát hiện ra ít nhất 34 người, trong đó có 11 trẻ em chết đuối sau khi chiếc tàu chở khoảng 100 người nhập cư bị lật úp ngoài khơi đảo Farrmakonisi, biển Aegean.

Các quy tắc biên giới hiện nay là gì?

- Vùng Schengen của EU cho phép di chuyển mà không cần hộ chiếu giữa các nước thành viên.

- 26 quốc gia châu Âu tham gia ký hiệp ước Schengen, trừ Vương quốc Anh và Cộng hòa Ireland

- Những nước đã ký hiệp ước Schengen có thể tái áp đặt kiểm soát biên giới trong một thời gian ngắn vì "an ninh quốc gia hoặc Chính sách công cộng" sau khi tham khảo ý kiến của các bên đã ký kết khác.

Bảo Linh (theo BBC)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news