Tin mới

Ký ức kinh hoàng của những con tin IS trước khi được Mỹ giải cứu

Thứ năm, 05/11/2015, 14:58 (GMT+7)

Điều cuối cùng đọng lại trong tâm trí của Saad Khalaf Ali khi những kẻ thẩm vấn của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS dùng túi nhựa phủ lên đầu anh chính là 2 người vợ và các con. Sau đó, tất cả mọi thứ trở nên tối tăm.

Điều cuối cùng đọng lại trong tâm trí của Saad Khalaf Ali khi những kẻ thẩm vấn của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS dùng túi nhựa phủ lên đầu anh chính là 2 người vợ và các con. Sau đó, tất cả mọi thứ trở nên tối tăm.

Anh đã giật nảy mình khi một dòng điện chạy qua người, bị tạt nước và nằm thở hổn hển trên sàn tù ở miền bắc Iraq.

Cựu cảnh sát này là một trong nhiều người Iraq phải chịu đựng bàn tay IS. Nhóm khủng bố này tra tấn, hành quyết hoặc chặt đầu bất cứ ai bị coi là vô đạo đức hoặc chống lại hệ tư tưởng và mục tiêu tạo ra đế chế Caliphate trên khắp thế giới Hồi giáo của chúng.

Saad đã phải chịu đựng sự trừng phạt nhưng không thể chịu nổi áp lực tâm lý khi các tay súng đe dọa sẽ giết toàn bộ gia đình anh.

Các con tin của Nhà nước Hồi giáo IS Ahmed Mahmoud Mustafa (trái) và Mohammed Abd Ahmed tiết lộ những màn tra tấn dã man của nhóm khủng bố sau khi được quân đội Mỹ và người Kurd giải thoát ở Iraq hồi tháng trước. Ảnh: Reuters

Saad Khalaf Ali nói rằng anh đã nghĩ về 2 người vợ và các con khi chuẩn bị bị đưa ra chặt đầu. Ảnh: Reuters

Anh thừa nhận đã báo tin cho quân đọi Iraq và người Kurd về những vị trí của IS. Hành động này thường bị trừng phạt bằng việc chặt đầu hoặc bị bắn thẳng vào người.

"Tôi đã thừa nhận mọi thứ", cựu cảnh sát 32 tuổi đến từ vùng Hawija nói.

Saad đã bị bịt mắt đưa đi trước khi thẩm phán tuyên anh án tử hình.

Vụ hành quyết sẽ diễn ra vào sáng ngày 22/10 nếu như anh không may mắn được Lực lượng đặc nhiệm của Mỹ và người Kurd giải cứu vào đêm hôm đó. Saad cùng với 68 con tin khác đã được giải thoát.

Hãng tin Reuters đã phỏng vấn 3 người trong số họ tại một cơ sở an ninh ở Erbil, thủ phủ của khu vực người Kurd cai quản. Những người đàn ông kể lại những gì họ đã trải qua khi bị IS giam cầm, trong đó có những đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần.

Nhiều tù nhân từng là thành viên của lực lượng an ninh Iraq. Họ đã chiến đấu chống một số phần tử nổi dậy trước khi các chiến binh thánh chiến tràn ngập 1/3 lãnh thổ Iraq.

Cuộc giải cứu khiến 1 lính đặc nhiệm Mỹ thiệt mạng - người Mỹ đầu tiên chết trên chiến trường Iraq kể từ khi Lầu Năm Góc đưa quân tới đây vào năm 2011 - và 4 người Kurd bị thương trong nhiệm vụ giải cứu lần này.

Ahmed Mahmoud Mustafa, 31 tuổi cho biết anh bị giam trong một căn phòng không cửa sổ. Nó chỉ vừa cho anh cùng 38 người khác nằm duỗi ra để ngủ.

Cảnh quay đầy kịch tính ghi lại cuộc đột kích giải cứu con tin từ tay IS. Ảnh: AP

Những kẻ bắt cóc hy vọng rằng những tù nhân sẽ vẫn giữ im lặng, cầu nguyện 5 lần mỗi ngày và đọc những lời răn của đạo Hồi. Bữa ăn của họ gồm khoai ây, đậu lăng và cà chua.

Thỉnh thoảng, một trong số những tù nhân sẽ đọc một bài thơ để than vãn và những người khác thì lặng lẽ khóc.

Các camera giám sát ở góc phòng giam sẽ theo dõi mọi cử động của họ và đôi khi, họ buộc phải xem những video ghi lại cảnh chặt đầu, được chiếu trên một màn hình lớn.

Ahmed và Mohammed Ahmed Abd, 2 người cũng từng bị giam giữ tại đây cho biết một người đàn ông đã quay mặt đi khi nhìn thấy cảnh tượng kinh khủng và anh ta đã bị IS đánh vào đầu. Và đây không phải là lần nổi giận đầu tiên của IS.

Vài tháng trước, Mohammed đã bị đánh 50 lần chỉ vì chỉ trích các chiến binh. IS còn cảnh báo sẽ cắt lưỡi anh nếu có lần tiếp theo.

Trước đó, Ahmed đã bị giam giữ 4 lần vì có tranh chấp với một người liên kết với IS.

Lần này, cả 2 người đàn ông bị cáo buộc tội gián điệp.

Những kẻ thẩm vấn họ - cũng là người Iraq -đã có trong tay tài liệu chi tiết cho các tội danh của mỗi tù nhân và được 2 nhân chứng chứng thực.

Một trong 2 người đàn ông làm chứng chống lại Ahmed đã chết trong một cuộc không kích nên anh nhanh chóng được ân xá. Tuy nhiên, IS lại sớm tìm thấy một người đàn ông khác sẵn sàng làm chứng chống lại anh. Lần này là anh họ Ahmed.

Mỗi khi những kẻ thẩm vấn hoàn thành công việc, chúng sẽ đưa các tài liệu của tù nhân cho thẩm phán để họ quyết định xem nên chặt đầu hay tra hỏi thêm.

Cuối cùng, Mohammed không chịu nổi tra tấn, anh đã điểm chỉ thừa nhận tội lỗi. Anh cho rằng cứ phủ nhận sẽ chỉ kéo dài sự đau khổ và cái chết dù sao cũng không thể tránh khỏi.

Những kẻ thẩm vấn hỏi anh là thích bị chặt đầu từ đằng trước hay đằng sau. "Tùy các người", anh đáp.

Trong một căn phòng riêng biệt, Saad có thể nghe thấy tiếng máy móc hạng nặng ở bên ngoài và trèo lên lưng một tù nhân khác để nhìn xuyên qua một cái lỗ trên bờ tường.

Anh nhìn thấy một chiếc xe ủi đang đào rãnh.

Ngày hôm sau, 21/10, 4 tù nhân bị đưa ra khỏi phòng và sau đó không lâu, 26 người còn lại nghe thấy 4 phát súng.

Saad được thông báo sẽ tới lượt mình vào sáng hôm sau.

Không có giấy, bút, anh đã dùng một chiếc đinh để khắc những mong muốn cuối cùng của mình lên một thời gian biểu cầu nguyện Hồi giáo khi thời gian trôi qua.

Thông điệp gửi cho đứa cháu trai của anh rất ngắn: Anh bảo đứa cháu hãy trông nom gia đình và xác định xem 2 kẻ đã tố cáo anh rồi trả thù cho anh.

Sau đó, Saad cầu nguyện cho chính mình. Anh khóc như mưa cho đến khi bị gián đoạn bởi tiếng máy bay trực thăng vào khoảng 2h sáng.

Sau một cuộc đọ súng dữ dội, cửa phòng bị một lính đặc công người Kurd xô đổ. "Anh có phải ngươi Kurd không", người đàn ông hét lên. "Không, chúng tôi là người Ả Rập".

Một người đàn ông giải thích rằng họ là tù nhân của IS. Người lính đặc công đáp lại: "Đừng sợ, chúng tôi đến để giải cứu các anh cùng với những người Mỹ".

Bảo Linh (theo Dailymail)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news