Tin mới

3 lý do khiến tổng thống Philippines căm ghét Mỹ

Thứ ba, 01/11/2016, 14:12 (GMT+7)

Kể từ khi trở thành tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte đã có nhiều phát ngôn "mếch lòng Mỹ", thay đổi lớn về chính sách, khiến mối quan hệ đồng minh lâu đời giữa Washington và Manila ngày càng xấu đi. Vậy những nguyên nhân nào khiến nhà lãnh đạo Philippines lại căm ghét Mỹ đến vậy?

Kể từ khi trở thành tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte đã có nhiều phát ngôn "mếch lòng Mỹ", thay đổi lớn về Chính sách, khiến mối quan hệ đồng minh lâu đời giữa Washington và Manila ngày càng xấu đi. Vậy những nguyên nhân nào khiến nhà lãnh đạo Philippines lại căm ghét Mỹ đến vậy?

Đối với những người không quen cựu biết cựu thị trưởng thành phố Davao trước khi ông trở thành tổng thống Philippines, sự căm ghét của Duterte với Mỹ giống như những lời trống rỗng hoặc chỉ là một chiến lược ngoại giao. Tuy nhiên, cố vấn của ông Duterte và những người thân cận với ông nhấn mạnh rằng, quan điểm chống Mỹ của nhà lãnh đạo Philippines rất sâu sắc, thực tế và sẽ không nhanh chóng biến mất như một vài người hy vọng.

"Điều này thực sự rất khó bởi đối với ông, việc đó (ghét Mỹ) nằm trong chính sách, nhân cách, lịch sử, tư tưởng...", một trợ lý thân cận của Duterte nói với tờ The Diplomat hôm 22/10, sau chuyến thăm Trung Quốc của ông.

Để hiểu rõ nguồn gốc quan điểm của Duterte, cần phải có một cái nhìn cận cảnh vào hoàn cảnh gia đình, những kinh nghiệm trong quá khứ với Mỹ, cũng như những bất bình hiện nay đối với chính sách của Mỹ.

Hoàn cảnh gia đình

Quan điểm chống Mỹ của Duterte bắt nguồn từ nền tảng gia đình của chính ông. Mặc dù Duterte được sinh ra trong một chế độ chính trị giống với hầu hết những người tiền nhiệm của ông, nhưng ông là tổng thống Philippines đầu tiên đến từ miền nam đất nước, khu vực sinh sống chủ yếu của người Hồi giáo, nơi có kinh nghiệm lịch sử khác hẳn so với phần còn lại theo Kitô giáo của đất nước.

Quan điểm chống Mỹ của nhà lãnh đạo Philippines rất sâu sắc, thực tế và sẽ không nhanh chóng biến mất như một vài người hy vọng. Ảnh: Reuters

Chị gái của ông Duterte, Jocellyn Duterte nói với tờ Wall Street Journal trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng bà của họ, một người theo đạo Hồi, đã khiến vị tổng thống này tin rằng Mỹ đã gây ra tội ác xâm lược và biến Philippines thành thuộc địa trong nửa đầu thế kỷ 20.

Duterte cũng tự nhận mình là một người cánh tả - một xu hướng được củng cố khi ông nghiên cứu khoa học chính trị của Jose Maria Sison, người sáng lập lưu vong của Đảng Cộng sản Philippines trong những năm 1960.

Hồi tháng 9, khi tham dự Hội nghị Đông Á (EAS), ông Duterte đã có bài phát biểu đầy cảm xúc, trong đó nhắc đến vụ thảm sát gần núi lửa Bud Dajo ở phía nam đất nước năm 1906. Trong vụ việc này, quân đội Mỹ, theo lệnh của Thiếu tướng Leonard Wood đã giết chết 600 người, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em không có vũ trang, làm dấy lên làn sóng phản đối ở nhiều nơi.

Một nhà ngoại giao ASEAN nói rằng, quan điểm của của Duterte là nếu Mỹ quan tâm dến việc nói về nhân quyền, sau đó toàn bộ vấn đề cần được giải quyết, thay vì chỉ nhìn vào những khía cạnh mà Washington muốn thảo luận.

Quan điểm chống đối của Duterte cũng thể hiện khá rõ trong "đường lối đối ngoại độc lập" mà chính quyền của ông đang theo đuổi, trong đó Philippines sẽ tìm cách dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ và đa dạng đối tác, trong đó có Trung Quốc.

Trải nghiệm trong quá khứ

Một lý do nữa khiến nhà lãnh đạo Philippines ghét Mỹ chính là bởi những trải nghiệm trong quá khứ của ông với Washington.

Một sự việc cụ thể đã chọc giận ông Duterte là vào tháng 5/2002, khi ông còn là thị trưởng thành phố Davao. Duterte tuyên bố Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã giúp đỡ "thợ săn kho báu" người Mỹ Michael Meiring trốn thoát sau khi vô tình kích hoạt một thiết bị nổ trong phòng khách sạn ở Davao. Đối với Duterte, đó là một sự sỉ nhục đối với chủ quyền của Philippines.

Một lý do nữa khiến nhà lãnh đạo Philippines ghét Mỹ chính là bởi những trải nghiệm trong quá khứ của ông.

"Chúng tôi đã bị người Mỹ xúc phạm", ông Duterte nói hồi giữa tháng 10.

Hồi tháng 9, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana, người từng là tùy viên quốc phòng tại Mỹ xác nhận với ABS-CBN rằng "vụ việc Meiring" khiến Tổng thống Duterte "nhức nhối" cho đến tận bây giờ.

"Đã nhiều năm trôi qua, song ông ấy vẫn đề cập đến nó mỗi lần khi cảm thấy bị tổn thương khi mà người Mỹ đến đất nước chúng tôi, không thông báo trước với thành phố của ông ấy và mang một người đang bị cảnh sát điều tra đi", ông "Lorenzana nói.

Duterte dường như cũng có một thái độ khinh thường nhất định đối với hệ thống nhập cư Mỹ. Ông Duterte được cho là đã bị từ chối cấp visa vào Mỹ do mối quan tâm của Mỹ đến những vụ giết người ngoài vòng pháp luật ở thành phố Davao.

Ông cũng cáo buộc rằng ông đã bị cơ quan cư trú Mỹ ngược đãi. Một trong những sự cố mà ông đề cập đến trong bài phát biểu ở Bắc Kinh là ông đã bị thẩm vấn bởi một viên chức nhập cư người Mỹ gốc Phi tại sân bay quốc tế Los Angeles trong khi quá cảnh trên đường đến Brazil.

"Đó là lần cuối cùng tôi sang Mỹ", Duterte nói, trước khi đề cập đến việc ông có thể thiết lập một chính sách mới buộc người Mỹ phải xin visa để đến Philippines.

Những bất bình hiện tại

Những bất mãn của Duterte với chính quyền Obama lại bùng phát lên trong chiến dịch tranh cử tổng thống khi Goldberg, Đại sứ Mỹ tại Philippines đã lên tiếng phản đối bình luận thô thiển của Duterte rằng muốn cưỡng hiếp người truyền giáo xinh đẹp Australia - người đã bị tấn công tình dục và bị giết hại trong một nhà tù trong cuộc bạo loạn ở thành phố Davao năm 1989.

Vụ việc đã tác động lớn đến chiến dịch tranh cử của Duterte và khiến ông tức giận, đồng thời tiếp tục khẳng định ý kiến của ông được đưa ra từ bối cảnh khi đó. Trên cương vị tổng thống, ông Duterte đã sỉ nhục Đại sứ Goldberg vì là người đồng tính và công khai cáo buộc ông cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử Philippines.

Duterte cũng cảm thấy bất mãn khi Washington chỉ trích chiến dịch chống tội phạm ma túy của ông. Ảnh: AP

Các cố vấn của Duterte cũng thường xuyên phải "chữa cháy" cho những phát ngôn gây sốc của của ông. Chẳng hạn, khi Duterte gọi Tổng thống Mỹ Obama là "con trai ả điếm" (putangina) thì họ giải thích rằng đó là cụm từ thường được sử dụng ở Philippines để bày tỏ sự thất vọng. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông đã đưa tin trên khắp thế giới, khiến Duterte phải đối mặt với những phản ứng dữ dội.

Duterte cũng cảm thấy chính quyền Obama đã thiếu tôn trọng ông khi chỉ trích chiến dịch chống ma túy - một trong những ưu tiên quan trọng của chính quyền mới.

Theo một số nhà phân tích, khi chính quyền mới của Mỹ ra mắt vào tháng 1/2017, tân tổng thống Mỹ sẽ tới thăm Philippines khi nước này đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN và đó sẽ là cơ hội cho hai bên cải thiện quan hệ. Tuy nhiên, với tính cách thất thường và luôn tạo "bất ngờ" của tổng thống Philippines, mọi đánh giá bây giờ vẫn còn là quá sớm.

Lê Huyền (The Diplomat)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news