Tin mới

Phát hiện nước trong bầu khí quyển của siêu Trái đất ngoài hệ Mặt trời

Thứ năm, 12/09/2019, 17:35 (GMT+7)

Lần đầu tiên các nhà thiên văn học nghiên cứu khí quyển của một hành tinh ngoài hệ mặt trời và phát hiện ra cả hơi nước lẫn nhiệt độ có khả năng hỗ trợ sự sống.

Ngoại hành tinh, được đặt tên là K2-18b, lớn gấp 8 lần Trái đất và được gọi là siêu Trái đất. Nó quay quanh một ngôi sao lùn đỏ cách Trái đất 110 năm ánh sáng trong chòm sao Leo. Hành tinh này được tàu vũ trụ Kepler của NASA phát hiện lần đầu vào năm 2015.

Những hành tinh kỳ lạ và tuyệt đẹp ngoài hệ mặt trời của chúng ta. Ảnh: CNN

Một nhóm nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu lưu trữ của Kính viễn vọng Không gian Hubble từ năm 2016-2017, ghi lại được ánh sáng sao khi nó đi qua bầu khí quyển của ngoại hành tinh này. Các nhà nghiên cứu cho biết họ thấy dấu hiệu của nước trong khí quyển khi đưa dữ liệu qua các thuật toán. Họ cũng quan sát được dấu hiệu của hydrogen và helium trong khí quyển. Đây là hai trong số những nguyên tố nhiều nhất trong vũ trụ.

Việc phát hiện hơi nước trong bầu khí quyển của ngoại hành tinh này đặc biệt thú vị đối với các nhà nghiên cứu bởi hành tinh này cũng nằm trong vùng có thể ở được của ngôi sao chủ. Vùng có thể sống có nhiệt độ phù hợp để nước lỏng tồn tại trên bề mặt hành tinh và có khả năng hỗ trợ cho sự sống.

Các nhà nghiên cứu đã công bố phát hiện của mình trên tạp trí Nature Astronomy vào ngày 11/9. "Việc tìm kiếm nước trong một thế giới có thể ở được bên ngoài Trái đất là điều vô cùng thú vị", Angelos Tsiaras, tác giả nghiên cứu và cộng tác viên nghiên cứu tại Trung tâm Dữ liệu Hóa học Không gian thuộc ĐH London cho biết. "K2-18b không phải 'Trái đất 2.0' vì nó nặng hơn đáng kể và có thành phần khí quyển khác với trái đất. Tuy nhiên, nó đưa chúng ta đến gần hơn để trả lời câu hỏi cơ bản: Trái đất có phải độc nhất không?".

Hành tinh ngoại hoàn thành một vòng quay quanh ngôi sao của nó sau 33 ngày và nó gần ngôi sao chủ hơn so với khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trời. Nhưng ngôi sao lùn đỏ này cũng lạnh hơn rất nhiều so với mặt trời. Dựa trên tính toán của các nhà nghiên cứu, họ tin rằng hành tinh có thể có nhiệt độ tương tự với Trái đất.

Tuy nhiên, ngôi sao lùn đỏ là một ngôi sao hoạt động, nó khiến ngoại hành tinh tiếp xúc nhiều với bức xạ hơn Trái đất. "Với nhiều siêu Trái đất theo dự kiến sẽ được tìm thấy trong vài thập kỷ tới, có khả năng đây là phát hiện đầu tiên về những hành tinh có thể sống được", Ingo Waldmann, đồng tác giả nghiên cứu và giảng viên về các hành tinh ngoài hệ mặt trời tại Trung tâm Dữ liệu Hóa học Không gian, ĐH London nói.

Kính thiên văn Vũ trụ Hubble chỉ nhạy cảm với dấu hiệu của nước, nhưng các kính thiên văn tương lai như James Webb và ARIEL của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu có thể nghiên cứu khí quyển hành tinh ngoại chi tiết hơn với những thiết bị tiên tiến hơn.

Các nhà nghiên cứu tin rằng những nguyên tố khác như nitow và metan cũng có thể có mặt trong khí quyển nhưng phải sử dụng đến các kính thiên văn tiên tiến hơn, quan sát trong tương lai mới xác định được.

"Phát hiện của chúng tôi khiến K2-18b là một trong những mục tiêu thú vị nhất để nghiên cứu trong tương lai. Hơn 4.000 ngoại hành tinh đã được phát hiện nhưng chúng tôi không biết nhiều về thành phần và bản chất của chúng. Bằng việc quan sát một mẫu lớn các hành tinh, chúng tôi hy vọng tiết lộ bí mật về hóa học, sự hình thành và tiến hóa của chúng", Giovanna Tinetti, đồng tác giả nghiên cứu và chuyên gia hàng đầu tại ARIEL nói.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news