Tin mới

Quyền lực Tập Cận Bình và thách thức cho giới lãnh đạo toàn cầu

Thứ sáu, 27/10/2017, 09:34 (GMT+7)

Sự ổn định và quyền lực toàn diện của ông Tập Cận Bình là điều mà giới lãnh đạo phương Tây như Tổng thống Trump, Thủ tướng Angela Merkel và Thủ tướng Anh Theresa May đều không có.

Sự ổn định và quyền lực toàn diện của ông Tập Cận Bình là điều mà giới lãnh đạo phương Tây như Tổng thống Trump, Thủ tướng Angela Merkel và Thủ tướng Anh Theresa May đều không có.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc là thách thức lớn đối với các quốc gia phương Tây.

Củng cố quyền lực và "Giấc mộng Trung Hoa"

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm Trung Quốc vào tháng tới, ông sẽ đối mặt với một nhân vật có vị thế và sức mạnh mà bất kỳ ai cũng phải kiêng nể.

Ngày 25/10 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc tiếp tục được xác nhận sẽ là người đứng đầu đất nước tỷ dân. Cùng với dàn lãnh đạo thân cận, đầy năng lực trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, ông sẽ chèo lái con thuyền đưa Trung Quốc tiến vào kỷ nguyên mới.

Sự ổn định và tầm ảnh hưởng trong vai trò người dẫn dắt nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và lực lượng quân đội hùng hậu của ông Tập là một thách thức mới đối với hầu hết các nhà lãnh đạo toàn cầu, theo CNN.

Tổng thống Trump, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh Theresa May phải đối mặt với nhiều chỉ trích ở đất nước của họ, trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn đang bỏ ngỏ khả năng tranh cử nhiệm kỳ mới, thì ông Tập Cận Bình đang có được sự ổn định cần thiết về chính trị và kinh tế ở Trung Quốc.

Trong buổi bế mạc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19, ông Tập cho biết nhiệm kỳ sắp tới của ông sẽ "kiên định trong việc giữ gìn lợi ích chủ quyền, an ninh và phát triển của đất nước".

Động thái này cho thấy, cũng giống như khẩu hiệu của Tổng thống Trump, nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ nỗ lực cho mục tiêu làm Trung Quốc vĩ đại thêm lần nữa. Giống như câu nói của ông: "Trung Quốc rất vĩ đại nhưng nước ngoài đã hủy hoại điều đó. Giờ đây đảng sẽ mang nó trở lại".

Trong Đại hội Đảng lần này, tư tưởng Tập Cận Bình đã được vinh dự nêu trong Điều lệ Đảng sửa đổi, một điều mà trước đó chỉ có hai nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình có được.

"Mao thành lập nên nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Đặng mang lại sự giàu có cho đất nước và bây giờ Tập sẽ mang đến sức mạnh", Frank Ching, chuyên gia bình luận chính trị Trung Quốc ở Hồng Kông mô tả.

Điều này được minh chứng bằng sự quyết đoán của Bắc Kinh trên trường quốc tế thông qua sự hội nhập kinh tế và sáng kiến đầy tham vọng "Vành đai Con đường".

Trung Quốc muốn phủ kín sắc màu của mình trong các vấn đề toàn cầu như thúc đẩy toàn cầu hóa, bảo vệ môi trường.

James McGregor, một nhà báo kỳ cựu có 25 năm sinh sống ở Trung Quốc nêu quan điểm, khi Mỹ và châu Âu đang trở nên rối loạn vì những bất đồng nội bộ không đáng có, thế giới đang tìm kiếm vai trò lãnh đạo ở một cường quốc mới và Bắc Kinh đang nỗ lực lấp đầy những khoảng trống này.

Một báo cáo mới đây của viện Lowy ở Australia chỉ rõ, ông Tập Cận Bình đã khai thác cơ hội chiến lược ở châu Á đến từ sự thận trọng của chính quyền Obama và bây giờ là sự bất ổn của chính quyền Trump.

Với khẩu hiệu "giấc mộng Trung Hoa", quyết tâm của ông Tập sẽ mang lại những ý nghĩa to lớn đối với các nước láng giềng và phần còn lại của thế giới.

"Trung Quốc giờ đây có mặt khắp nơi trên thế giới và khi Mỹ rút lui, Trung Quốc sẽ tiếp nối", Frank Ching nói.

Quyền lực Tập Cận Bình và thách thức cho giới lãnh đạo toàn cầu - Ảnh 1.

Dàn lãnh đạo trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc ra mắt.

Những cộng sự đắc lực

Hai cố vấn mới của ông Tập Cận Bình là Lật Chiến Thư và Vương Hỗ Ninh đều có tư tưởng đối ngoại mạnh mẽ, phù hợp định hướng cho một Chính sách dồn toàn lực của Trung Quốc ở nước ngoài.

Lật Chiến Thư là người tháp tùng ông Tập trong các chuyến công du nước ngoài, trong khi Vương Hỗ Ninh là "kiến trúc sư" cho các chính sách hàng đầu.

Sự thay đổi của 25 thành viên Bộ Chính trị cũng chứng kiến sự thăng tiến của nhà ngoại giao hàng đầu đất nước - Dương Khiết Trì, người trong nhiều năm qua luôn là nhân vật quan trọng khởi tạo các chính sách liên quan đến Mỹ, Ấn Độ và các quốc gia khác.

Trong bài phát biểu của mình, ông Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh tầm quan trọng về tính sẵn sàng chiến đấu của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

Ông nói rằng, cải cách đang diễn ra trong quân đội là chìa khóa để đảm bảo đơn vị này "sẵn sàng bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích hàng hải".

Trên mặt trận ngoại giao, Trung Quốc cũng đạt được bước tiến mới trong cải thiện quan hệ quân sự với Nga. Hai bên đã có với nhau một cuộc diễn tập Hải quân chung quy mô ở gần St Petersburg hồi tháng 8.

Moscow đang dần trở thành một đối tác lớn của Trung Quốc, trong khi sáng kiến "Vành đai Con đường" mang đến một loạt các thỏa thuận thương mại và kinh tế lan tỏa ảnh hưởng của Bắc Kinh trên phần lục địa Á-Âu và phần lớn châu Phi.

Cả châu Âu và châu Phi đang là đối tượng đầu tư và viện trợ của Trung Quốc. Bên cạnh định hướng tăng quan hệ kinh tế với Liên minh châu Âu và tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn ở hầu khắp các nước Đông Phi và vài nơi trên lục địa này, Bắc Kinh cũng sẵn sàng thay thế Washington là nhà tài trợ lớn đối với hầu hết các nước đang phát triển.

Tuy nhiên, uy tín của Bắc Kinh bị đặt ra dấu hỏi xuất phát từ động thái "xuất khẩu ảnh hưởng" về quân sự và kinh tế của nước này.

Trong khi Trung Quốc được hưởng lợi từ chính sách "Nước Mỹ là trên hết" đang gây lao đao các nước phương Tây của ông Trump, chuyên gia James McGregor lại cho rằng, Bắc Kinh "không có nhiều bạn bè hiện tại vì lập trường đôi khi quá ngang ngược và cố chấp".

"Trung Quốc đang thể hiện được vị thế mạnh mẽ của riêng mình, nhưng có vẻ như quốc gia này không quan tâm đến cách thức mà họ gây ảnh hưởng đối với thế giới và thế giới đang nghĩ gì về họ", ông nói thêm.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news